Nhầm lẫn giữa thi và kiểm tra khiến thầy và trò lúng túng

Phan Anh
06:00 - 17/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện hành không có nội dung nào gọi là “thi học kì” mà chỉ có “kiểm tra thường xuyên”, “kiểm tra định kì” (giữa học kì, cuối học kì). Việc nhầm lẫn tên gọi “thi” và “kiểm tra” khiến cả thầy và trò đều lúng túng trong áp dụng quy chế, quy định.

Các kì kiểm tra (giữa kì, cuối kì) của học sinh phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông) hiện nay thường bị nhầm là kì thi. Ngay cả lãnh đạo và giáo viên ở trường phổ thông vẫn gọi kì kiểm tra định kì là kì thi. Đây là các gọi theo thói quen cũ, hoặc có nhầm lẫn mà không hay.

Thế nào là kì thi ở bậc phổ thông?

Theo quy định hiện hành, học sinh tiểu học (lớp 5), trung học cơ sở (lớp 9) không phải trải qua kì thi chuyển cấp, thay vào đó các em được xét công nhận tốt nghiệp. Riêng học sinh lớp 9 thường phải trải qua kì thi tuyển sinh nếu số lượng học sinh đăng kí vượt chỉ tiêu vào lớp 10. Còn số lượng học sinh đăng kí bằng hoặc thấp hơn chỉ tiêu vào lớp 10 thì có thể các em được xét tuyển dựa trên điểm số học bạ.

Cùng với đó, khoản 3 Điều 34, Luật Giáo dục (2019) ghi rõ: "Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông". Như thế, đối với bậc trung học phổ thông, học sinh chỉ có kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Ngoài ra, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương thường tổ chức cho học sinh phổ thông tham gia các các kì thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Ví dụ, hội thi văn hay chữ tốt; thi viết chữ đẹp; thi vẽ tranh; thi kể chuyện; thi ca múa nhạc; thi thể dục thể thao… Còn Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức các kì thi lớn hơn như thi học sinh giỏi quốc gia; thi học sinh nghiên cứu khoa học kĩ thuật cấp quốc gia…

Có thể thấy rằng, ngoại trừ kì thi tuyển sinh vào 10, thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thì các kì thi khác nhằm chọn ra học sinh đạt giải hay thứ hạng. Chẳng hạn, học sinh đạt giải nhất, nhì, ba, khuyến khích hay đạt huy chương vàng, huy chương bạc, huy chương đồng. Các kì thi thường có sự cạnh tranh gay gắt, nhất là kì thi cấp tỉnh, cấp quốc gia, đòi hỏi học sinh phải có nhiều nỗ lực cố gắng thì mới có thể đạt giải.

Học sinh phải thực hiện các kì kiểm tra theo quy định

Ngày 26/8/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011.

Theo đó, điểm a, b, khoản 1, Điều 7 quy định kiểm tra, đánh giá định kì như sau:

"Kiểm tra, đánh giá định kì được thực hiện sau mỗi giai đoạn giáo dục nhằm đánh giá kết quả học tập, rèn luyện và mức độ hoàn thành nhiệm vụ học tập của học sinh theo chương trình môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

Kiểm tra, đánh giá định kì, gồm kiểm tra, đánh giá giữa kì và kiểm tra, đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Thời gian làm bài kiểm tra, đánh giá định kì bằng bài kiểm tra trên giấy hoặc trên máy tính từ 45 phút đến 90 phút, đối với môn chuyên tối đa 120 phút.

Đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề, đáp ứng theo mức độ cần đạt của môn học, hoạt động giáo dục quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Đối với bài thực hành, dự án học tập phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá trước khi thực hiện".

Ngày 20/7/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định về đánh giá học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông (đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018).

Điều 7 quy định đánh giá định kì (không thực hiện đối với cụm chuyên đề học tập), gồm đánh giá giữa kì và đánh giá cuối kì, được thực hiện thông qua: bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính), bài thực hành, dự án học tập.

Thời gian làm bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có từ 70 tiết/năm học trở xuống là 45 phút, đối với môn học (không bao gồm cụm chuyên đề học tập) có trên 70 tiết/năm học từ 60 phút đến 90 phút; đối với môn chuyên tối đa 120 phút.

Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng điểm số, đề kiểm tra được xây dựng dựa trên ma trận, đặc tả của đề kiểm tra, đáp ứng theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông.

Đối với bài kiểm tra (trên giấy hoặc trên máy tính) đánh giá bằng nhận xét, bài thực hành, dự án học tập, phải có hướng dẫn và tiêu chí đánh giá theo yêu cầu cần đạt của môn học được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông trước khi thực hiện.

Như vậy, Thông tư 26/2020/TT-BGDĐT và Thông tư 22/2021/TT-BGDĐT quy định đánh giá định kì (giữa kì, cuối kì), thường gọi là kiểm tra, hoàn toàn không có khái niệm "thi giữa kì", "thi cuối kì".

Việc nhầm lẫn tên gọi giữa "thi" và "kiểm tra" không những làm sai lệch nội dung của các Thông tư mà còn làm cho giáo viên và học sinh càng thêm lúng túng, áp lực. Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các trường phổ thông cần chấn chỉnh cách gọi "thi" bằng "kiểm tra" nhằm giúp giáo viên, học sinh thực hiện đúng quy định các Thông tư về kiểm tra, đánh giá của Bộ giáo dục và Đào tạo.