Bóng dáng tích hợp mờ nhạt trong Chương trình giáo dục phổ thông mới

Nguyễn Khanh
06:05 - 20/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bóng dáng tích hợp trong môn Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên ở cấp Trung học cơ sở vẫn đang rất mờ nhạt. Vẫn còn rối rắm và phức tạp cho các nhà trường và giáo viên.

Những môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thực hiện ở lớp 6 và lớp 7 nhưng những ý kiến trái chiều về môn học này vẫn chưa dừng lại vì nó xảy ra nhiều bất cập trong quá trình thực hiện ở các nhà trường. Mặc dù chương trình đã được ban hành, sách giáo khoa lớp 6, lớp 7 đã được thẩm định, xuất bản và đưa vào giảng dạy gần 2 năm qua nhưng nhìn chung những "dấu hiệu" tích hợp không đáng bao nhiêu. 

Về cơ bản, các phân môn vẫn đang đứng độc lập với nhau, môn Lịch sử và Địa lí cấp Trung học cơ sở chỉ được thiết kế 4 chủ đề chung. Vì thế, việc phân bổ số tiết, phân công người dạy đang là áp lực cho nhiều trường học hiện nay. 

Thời điểm này, nhiều địa phương đã đưa giáo viên đi học bồi dưỡng chuyên môn theo Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT nhưng giáo viên cũng chỉ được bồi dưỡng theo từng phân môn riêng biệt. Các giáo trình vẫn đang được các trường sư phạm thiết kế riêng.

Các môn tích hợp vẫn đang rối

Theo Chương trình tổng thể của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (ban hành kèm Thông tư số 32/2018/TT - BGDDT ngày 26/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo) đã đề cập đến các môn học tích hợp đã được nêu rõ: Ở cấp trung học cơ sở, môn Lịch sử và Địa lí gồm các nội dung giáo dục lịch sử, địa lí và một số chủ đề liên môn, đồng thời lồng ghép, tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo,...

Các mạch kiến thức lịch sử và địa lí được kết nối với nhau nhằm soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau. Ngoài ra có thêm một số chủ đề mang tính tích hợp, như: bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông; đô thị - lịch sử và hiện tại; văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long; các cuộc đại phát kiến địa lí,... 

Bóng dáng tích hợp mờ nhạt trong Chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh 2.

Một buổi tập huấn dạy tích hợp dành cho giáo viên. Ảnh: ĐHSP Hà Nội

Đối với môn Khoa học tự nhiên, Chương trình tổng thể hướng dẫn: Các kiến thức, kĩ năng này được tổ chức theo các mạch nội dung (chất và sự biến đổi chất, vật sống, năng lượng và sự biến đổi, Trái Đất và bầu trời), thể hiện các nguyên lí, quy luật chung của thế giới tự nhiên (tính cấu trúc, sự đa dạng, sự tương tác, tính hệ thống, quy luật vận động và biến đổi), đồng thời từng bước phản ánh vai trò của khoa học tự nhiên đối với sự phát triển xã hội và sự vận dụng kiến thức, kĩ năng về khoa học tự nhiên trong sử dụng và khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.

Các nội dung này được sắp xếp chủ yếu theo logic tuyến tính, kết hợp một số nội dung đồng tâm nhằm hình thành nhận thức về thế giới tự nhiên và khoa học tự nhiên, giúp học sinh bước đầu vận dụng được kiến thức, kĩ năng đã học về khoa học tự nhiên trong đời sống. 

Như vậy, về cơ bản là các môn học tích hợp của chương trình 2018 chỉ tích hợp ở mức thấp, nhằm "soi sáng và hỗ trợ lẫn nhau". 

Chính vì thế, đối với môn Lịch sử và Địa lí chương trình lớp 7, học sinh mới có 2 chủ đề đầu tiên. Tham khảo sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý 7 (bộ Chân trời sáng tạo) có 196 trang. Nội dung phần Lịch sử (bố trí riêng) từ trang 8 đến trang 95, có 21 bài học; phần Địa lý từ trang 95 đến trang 180, có 23 bài học.

Phần cuối sách được bố trí 2 chủ đề, đó là: Các cuộc phát kiến địa lý; Đô thị: Lịch sử và hiện tại từ trang 181 đến trang 192. Như vậy, 2 chủ đề chỉ có 11 trang/ 196 trang, chiếm 6,61% số trang trong cuốn sách giáo khoa Lịch sử và Địa lý lớp 7.

Đọc 2 chủ đề, dễ dàng nhìn thấy nội dung kiến thức tích hợp của chủ đề đưa vào không mới, ghép vào chủ đề như vậy cũng được mà tách ra như trước đây cũng không sao. 

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện thì những rắc rối, phức tạp bắt đầu nảy sinh khi các môn học tích hợp chưa có giáo viên dạy được cả môn học. Việc bị động về nhân lực khiến cho các trường Trung học cơ sở gặp khó khăn vì một môn học nhưng có tới 2-3 giáo viên cùng dạy. 

Nhưng, không dạy song hành với nhau mà phân chia theo từng chủ đề, sau chủ đề của phân môn này thì mới tiến hành dạy phân môn khác khiến cho các chủ đề, các mạch kiến thức rời rạc với nhau và học sinh cũng rất khó tiếp cận vì nhiều phân môn học xong nhiều tháng trời rồi mới quay trở lại học tiếp. 

Chính vì phân khúc các phân môn theo từng thời điểm nên học sinh học các phân môn tích hợp cũng gặp rất nhiều khó khăn và kiến thức không được liên tục, xuyên suốt.

Khi hết lớp 9 - xong giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh lên lớp 10 - giai đoạn giáo dục nghề nghiệp và chọn tổ hợp thì các em lại học quay trở lại 5 môn độc lập (Lịch sử, Địa lí, Hóa học, Sinh học, Vật lí) như trước đây. Những em sẽ thi vào các trường chuyên sẽ gặp muôn vàn khó khăn vì cấp Trung học cơ sở học "tích hợp" nhưng phải thi môn chuyên để vào các trường Trung học phổ thông chuyên thì lại phải tách ra riêng lẻ.

Bóng dáng tích hợp mờ nhạt trong Chương trình giáo dục phổ thông mới - Ảnh 3.

Bóng dáng tích hợp chưa rõ nét trong giảng dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới. Ảnh: IT/image

Giáo viên đi bồi dưỡng vẫn đang học những phân môn riêng biệt

Hiện, 2 Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và 2455/QĐ-BGDĐT về việc bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý; Khoa học tự nhiên đã được Bộ ban hành từ ngày 21/7/2021 nhưng đến nay việc triển khai thực hiện ở các địa phương vẫn đang rất chậm. 

Một phần do số lượng giáo viên các môn học này quá nhiều, một phần có lẽ liên quan đến vấn đề kinh phí chi trả cho các trường sư phạm. Bởi lẽ, đa phần các địa phương đang trả học phí của các học viên tham gia khóa bồi dưỡng. Vì thế, có lẽ phải rất lâu nữa, đội ngũ giáo viên các môn Lịch sử; Địa lí; Hóa học; Sinh học; Vật lí trên cả nước mới có thể bồi dưỡng kiến thức xong.

Trong khi đó, chương trình các môn học tích hợp ở cấp Trung học cơ sở đã áp dụng thực hiện gần hết năm thứ 2 và theo lộ trình thì đến năm học 2024-2025 sẽ thực hiện xong ở lớp 9 - lớp cuối cùng của cấp học này.

Điều đáng nói, giáo viên đã, đang tham gia khóa bồi dưỡng theo hướng dẫn của Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT và Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT vẫn chỉ được đào tạo theo từng phân môn chứ không phải là 2-3 phân môn của 2 môn học tích hợp được viết chung một giáo trình và một giảng viên có thể "ôm" được cả kiến thức các phân môn trong môn học tích hợp.

Chính vì vậy, chủ trương của Bộ là tích hợp nhưng các kiến thức từng phân môn vẫn đang được các tác giả sách giáo khoa viết riêng, tên tác giả ở các đầu sách vẫn đứng riêng từng phân môn. Giáo viên đi đào tạo kiến thức tích hợp vẫn đang học riêng từng phân môn. Ở trường, thời khóa biểu vẫn đang xếp dạy riêng từng phân môn, đề kiểm tra định kỳ vẫn thực hiện riêng mỗi người một phần, khi chấm bài thì nội dung phân môn của giáo viên nào, giáo viên đó chấm.

Đến thời điểm bây giờ, giáo viên mới thấy được 2 - 3 môn học cũ được gộp chung vào 1 cuốn sách giáo khoa và khi vào điểm thì các phân môn vào điểm chung, nhận xét chung ở một môn học mà thôi. Còn lại, bóng dáng tích hợp cụ thể trong môn Lịch sử và Địa lí; Khoa học tự nhiên ở cấp Trung học cơ sở vẫn đang rất mờ nhạt. Nhưng, rối rắm và phức tạp cho các nhà trường và giáo viên thì lại nhiều vô cùng.