Giấc mơ Kodak vàng

Thảo Tô
23:11 - 10/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Những xáo trộn tình cảm, tư duy của một cô bé mới lớn đang có ước mơ muốn thoát ra khỏi những tù túng, chật chội, nhọc nhằn của những người bình dân sống trong chung cư cũ. Đó là khát khao tự do, khát khao được làm chủ bản thân, làm chủ sở thích của lớp trẻ trước những thay đổi của xã hội...

Lời Tòa soạn: Thảo Tô, 22 tuổi (tên thật là Nguyễn Minh Thảo, sinh ra và lớn lên ở Hà Nội), hiện đang làm thạc sĩ về văn hóa phương Đông tại đại học Oxford - đại học danh giá và lâu đời nhất trong thế giới nói tiếng Anh. Thảo Tô viết truyện ngắn, viết báo bằng tiếng Anh rất sớm. Có thể đọc những bài viết của Thảo Tô trên trang The Augment Review và trên Twitter @thao_to. Truyện ngắn "Giấc mơ Kodk vàng" được Thảo Tô dịch từ nguyên bản tiếng Anh của mình sang tiếng Việt để gửi đăng Tạp chí điện tử "Công dân và Khuyến học". Truyện ngắn này cô viết trong những ngày cuối của tuổi 20 chuẩn bị bước sang tuổi 21. Đó là những xáo trộn tình cảm, tư duy của một cô bé mới lớn ước mơ muốn thoát ra khỏi những tù túng, chật chội, nhọc nhằn của những người bình dân sống trong chung cư cũ. Đó là khát khao tự do, khát khao được làm chủ bản thân, làm chủ sở thích của lớp trẻ hiện nay. Nhưng khi làn sóng đô thị hóa ập đến, mọi thứ thay đổi làm mất đi lợi ích hàng ngày mà cha mẹ và bản thân cô bé vẫn coi thường, thì họ lại tiếc nuối. Đọc truyện ngắn này, chắc rằng những bậc cha mẹ chúng ta cũng cần lắng lại để suy ngẫm… Xin giới thiệu cùng bạn đọc của Công dân và Khuyến học truyện ngắn "Giấc mơ Kodak vàng".

Giấc mơ Kodak vàng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa trong truyện ngắn "Giấc mơ Kodak vàng" bản tiếng Anh

Giấc mơ Kodak vàng

Mối tình đầu tặng tôi chiếc máy ảnh Kodak M35 màu vàng của anh trước khi gia đình anh chuyển đi, như thể anh biết trước rằng hai đứa sẽ chẳng bao giờ gặp lại nhau. Tôi bảo anh: em không nhận đâu. Anh nói với tôi: đồ anh phải mang đi còn nhiều, không có chỗ cho máy ảnh. Tôi đành nhận lấy món quà của anh. Hàng xóm láng giềng tầng ba khu C3 ai cũng biết nhà anh chuẩn bị chuyển đến một căn nhà bốn tầng trong một khu biệt thự có người gác cổng riêng. Nhà cao cửa rộng như thế, đồ đạc bao nhiêu cũng chứa xuể. Nhưng nếu anh nhất quyết tặng tôi máy ảnh thì tôi không từ chối nữa.

Tôi hỏi anh: sau này anh có quay lại đây thăm em không? Ngón tay tôi quay vòng theo viền ống kính máy ảnh, mắt tôi quay vòng theo ngón tay để khỏi phải nhìn anh, người đang ngồi ở phía bên kia của cái bập bênh. Anh nhún một cái trước khi trả lời: "Có chứ, tất nhiên anh sẽ quay lại".

Tôi thì chẳng tin. Nếu là tôi, tôi sẽ chẳng bao giờ quay lại.

Những ngày sau khi Dương đi, mọi người hay hỏi thăm tôi. Ông anh, bà chị vốn thích chọc ghẹo, giờ được thể nên hay trêu tôi rầu rĩ, tương tư, rồi hai người tự cười với nhau. Mẹ tôi thấy thế thì nguýt anh Quang, chị Quỳnh vì cái tội bày vẽ yêu đương cho em nó hư đi. Học sinh biết điều ngoan ngoãn thì giờ này phải lo ôn luyện để còn thi đại học, thời gian đâu mà tương tư. Bố tôi thì thấy nhẹ cả người vì cái thằng Dương công tử bột chỉ giỏi tiêu tiền của ông bô nó bây giờ chuyển đi rồi, không gây ảnh hưởng xấu cho tôi được nữa. Cô Tâm, gọi là cô Tâm vì cô là vợ chú Tâm hàng xóm, thì nghĩ Dương cũng dễ thương ghê, đi mà còn tặng tôi cái máy ảnh, chắc nó cũng thích tôi kha khá đấy.

Nếu mà Dương thật sự quan tâm tôi thì anh phải thường xuyên quay lại, hoặc dẫn tôi đến khu nhà mới của anh chơi. Nhưng anh để tôi một mình ở đây với cái máy ảnh mới mà cũ. Chiều chiều, khi ánh nắng bắt đầu tắt, tôi lượn quanh khu tập thể chụp những bức tường sơn nứt nẻ, những ngóc ngách xanh rêu, những hành lang với những chậu cây còi cọc và những cái chạn bát nặng trĩu. Nhà nào cũng chật ních nào người ở nào đồ dùng nên bát đũa đều phơi hết ra ngoài. Có lần tôi đang bấm máy thì chú Tâm bước ra từ trong bóng tối tím như mực của hành lang tầng ba tòa C3, thành ra chụp chú. Mỗi ngày tôi chỉ chụp một tấm vì tôi chỉ có một cuộn phim, và tôi biết mẹ sẽ không để tôi phung phí tiền vào mấy thứ linh tinh này.

Một hôm, cô Tâm bắt gặp tôi trên đường từ lớp thanh nhạc về. Mẹ tôi bảo cô Tâm trước đây là nghệ sĩ tuồng, nhưng mà kiếm không đủ ăn nên cô Tâm chuyển sang dạy thanh nhạc. "Lại có sở thích mới đấy hả?", Cô Tâm hỏi. Tôi nài nỉ cô, xin cô đừng nói gì với mẹ tôi, kẻo bà lại chuyện bé xé ra thành to. Cô Tâm cười rồi nói, giọng không khác gì mẹ tôi: "Vẽ vời nghệ thuật, chỉ có tốn cơm. Chẳng bao giờ đi đến đâu cả".

Chẳng đi đến đâu nên hai cô cháu tôi đứng nhìn nhau trên phố, không biết nói gì thêm. Nhưng rồi cô Tâm giơ tay làm hòa: "Cô sẽ không nói gì với mẹ cháu, nhưng ảnh thì phải cho cô xem".

Từ hôm đó tôi bắt đầu tiết kiệm tiền ăn sáng để dành ra đủ tiền đi rửa ảnh. Những bức ảnh luôn quay vòng trong tâm trí tôi, đều như động cơ, tới nỗi tôi cũng chẳng thấy đói dù phải ăn ít đi. Tối hôm tôi rửa ảnh xong, tôi mang chúng tới nhà cô Tâm và được cô chiêu đãi một mẻ bánh rán không nhân. Chú Tâm vẫn còn đang nhậu nhẹt đâu đó nên hai cô cháu tôi rải những bức ảnh ra khắp sàn nhà rồi vừa nhai từng viên bột chiên dai dai, vừa ngắm những bức ảnh tôi chụp những buổi chiều một mình. Tôi cầm tấm chụp chú Tâm đưa cho cô. Trong khung hình, hành lang khu tập thể chìm trong một màu tím than mông lung, khuôn mặt chú Tâm hốc hác giữa màn khói cuối ngày. Chiếc áo màu cam của chú loang lổ những vết dầu nhớt, những bụi bặm bám lại sau một ngày chú cặm cụi sửa xe máy, trong ảnh nhìn như một mảnh giẻ lau. "Cháu cũng có mắt nghệ thuật đấy", cô Tâm nói, "Trong ảnh nhìn còn nhọc nhằn hơn ngoài đời".

Tôi muốn tặng cô bức này, nhưng cô không lấy. Cô bảo, mặt chú cô nhìn suốt ngày rồi, không muốn ngắm nữa. Rồi mắt cô như bừng sáng khi: "Cháu nên chụp ảnh nhiều hơn. Cháu vẫn còn trẻ, mà trẻ thì nên thử việc này việc nọ trước khi quá muộn".

Tôi nói với cô rằng tôi chỉ có thể chụp ảnh một cách bí mật. Cô đồng ý giữ ảnh hộ tôi và rán bánh cho tôi ăn hằng tuần. Dần dần, tôi bỏ hẳn bữa sáng. Nỗi nhớ Dương cũng dần vơi đi.

Thi thoảng mẹ tôi lại nhắc: "Dạo này con toàn đi đâu thế? Đừng mải chơi mà lãng phí thời gian. Sắp thi đại học rồi đấy. Hôm trước họp phụ huynh, cô chủ nhiệm bảo mẹ môn Hóa con chưa nắm vững lắm".

Từ đó, cứ khi nào mẹ hỏi, tôi đều trả lời rằng tôi đi học thêm hoặc đi ôn tập cùng mấy đứa bạn. Tôi nói với mấy đứa bạn rằng nếu mẹ tôi gọi để hỏi xem tôi có ở đó học không thì cứ trả lời là có. Và có những ngày tôi đi học nhóm thật, đó thường là những ngày tôi đã chụp hết phim.

Cô Tâm giúp tôi chọn ra những tấm ảnh có tiềm năng, những tấm cô nghĩ các tòa soạn báo và tạp chí sẽ nhận. Đôi khi cô còn giúp tôi mua phong bì, mua tem để gửi ảnh đi. Cô nói: "Cháu biết cháu nên làm gì nữa không? Cháu nên tìm một hiệu ảnh rồi xin vào làm ở đấy. Bây giờ người ta thích chụp ảnh gia đình lắm. Người người nhà nhà mặc quần áo đẹp, trang điểm xinh đẹp, rồi cười thật tươi trước ống kính". Cô nói rồi cười khẩy.

Tối đến, tôi vừa nằm tưởng tượng những lối đi, những lựa chọn cho mai sau, vừa nghe giọng nói gắt gỏng của cô Tâm vọng từ căn hộ của cô chú sang căn hộ của gia đình tôi. Chú hay về muộn, và ba cái trò rượu chè của chú tiêu tốn rất nhiều tiền. Ngược lại thì chú nghĩ cô keo kiệt, suốt ngày ôm khư khư lấy tiền. Tiền của cô chỉ dành cho cô và gia đình cô thôi, chẳng bao giờ cho chú động vào. Cô giải thích rằng tiền cô tiết kiệm là để mua nhà mua cửa đàng hoàng, chứ không thể sống mãi thế này được. Chú bảo cô giả dối. Cô bảo chú nát rượu. Tôi thầm nghĩ, sẽ thế nào nếu tôi có thể chụp một bộ ảnh gia đình cho cô chú, khi đã trang điểm thật đẹp và cười thật tươi.

Nghe tiếng cãi vã, mẹ tôi thường thở dài rồi nói: "Khổ thân cô Tâm. Con cái không có thì hôn nhân cũng dễ rạn nứt". Chị Quỳnh phản bác: "Con nghĩ vợ chồng cô chú chắc không hợp nhau thôi chứ. Có thêm đứa con vào mọi việc có khi còn trở nên tệ hơn". "Giờ con nghĩ vậy thôi, đến lúc có gia đình rồi con sẽ thấy, con cái có thể hàn gắn một gia đình", mẹ nói.

Hồi ấy tôi không hiểu nhiều điều, tôi chỉ biết mỗi khi tôi đưa cô Tâm xem những bức ảnh tôi chụp, gương mặt cô đều sáng lên, vậy nên tôi hay qua nhà cô chơi. Hai cô cháu nói chuyện chán rồi thì tôi giúp cô nấu cơm, dù cô có giục tôi ngoan ngoãn về nhà ăn cơm với bố mẹ. Tôi nói với cô rằng tôi không phải là một đứa con gái ngoan. Tôi thường nói dối bố mẹ: thay vì chăm chỉ học hành tôi bỏ thời gian vào một sở thích bố mẹ tôi coi là vô bổ. Tôi chẳng buồn quay lại cái căn hộ của bố mẹ nữa vì nó là một cái hộp vuông quá chật chội cho cuộc sống của năm con người. Tôi cần một không gian cho riêng mình, và một đứa con gái ngoan ngoãn sẽ không đòi hỏi nhiều như thế.

Cô Tâm nhìn tôi như thể cô có trong tay một bí mật không biết có nên bật mí hay không. Sau một hồi đắn đo, cô quyết định nói: "Cô biết cháu có thể đi đâu. Hà Nội nhiều chỗ để khám phá lắm".

Tôi tò mò đợi cô nói tiếp. "Chỉ mấy khu tập thể như thế này mới vuông vắn vậy. Cháu lớn lên ở đây nên có thể cháu không để ý rằng Hà Nội rộng lớn hơn vẻ bề ngoài của nó". Mắt cô Tâm bừng sáng. Tôi biết cô thích cái vẻ tò mò thích thú đang hiện rõ trên khuôn mặt tôi. "Cô chỉ cho nhé: cháu hãy đi vào những con ngõ. Trông thì nho nhỏ vậy thôi, nhưng chúng có thể dẫn cháu tới cả một thế giới khác".

Thế nên vào một buổi chiều mùa hè, khi các lớp học kết thúc và học sinh đổ ra đường thành từng nhóm ồn ào nhốn nháo như bong bóng xà phòng, tôi đạp xe vào trong một con ngõ nhỏ mà tôi chưa từng đi qua. Mặt trời như chợt biến mất đằng sau những căn nhà hẹp mà cao, tiếng râm ran của xe cộ cũng vụt tắt. Bỗng nhiên chỉ có mình tôi trong thành phố, một thành phố trước nay luôn xôn xao tiếng người. Nếu có người đi qua tôi trong ngõ thì họ cũng chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc, chỉ là một khuôn mặt thoáng qua. Tôi dừng xe giữa ngõ, lấy máy ảnh ra và bấm tách.

Giấc mơ Kodak vàng - Ảnh 2.

"Tôi dừng xe giữa ngõ, lấy máy ảnh ra và bấm tách". Ảnh minh họa: AI

Con ngõ uốn lượn khó đoán, lối đi phía trước chẳng bao giờ hiện rõ, điểm kết thúc là đâu tôi cũng không biết. Trong cái bóng của những căn nhà, không khí mùa hè cũng dịu lại, lướt nhẹ trên da tôi và thổi khô mồ hôi. Đạp xe một hồi, tôi còn cảm thấy hơi lành lạnh. Nhưng rồi bánh xe lăn vào trong nắng và tôi thấy mình dừng lại nơi lối đi sâu hoắm này kết thúc, hay đúng hơn là điểm bắt đầu của thế giới bí mật mà cô Tâm đã nhắc đến.

Trước mắt tôi là một khoảng trời rộng và một khu chợ náo nhiệt. Chỉ khi đi đến cuối ngõ tôi mới nghe thấy tiếng rao của người bán, tiếng mặc cả của người mua. Nào cá, nào đậu phụ, nào rau củ, hoa tươi, trái cây, đồ ăn vặt, nào các cô bán hàng đội nón. Khu chợ ẩm ướt mùi mồ hôi và mùi những gáo nước dùng để rửa cá rửa thịt. Quanh chợ là những cái cây cao với tán lá rộng, những căn nhà năm, sáu tầng như tường thành đổ bóng xuống các quầy hàng. Tôi chẳng lạ gì những khu chợ, mẹ thường nhờ tôi chạy ra chợ gần nhà mua mớ hành hay gói bột canh, nhưng đi từ một con ngõ nhỏ như một con suối đổ ra một khu chợ ồn ào như biển nhiều sóng thế này thì tôi chưa thấy bao giờ.

Tôi đạp xe tới phía bên kia của khu chợ và thấy một con ngõ khác. Tôi để mình trôi theo con ngõ mới, tự hỏi xem nó sẽ dẫn mình tới đâu. Nó ngắn hơn con ngõ trước, và nó dẫn tôi tới trước một cái cổng sắt gỉ đang mở toang. Bên cạnh cái cổng là một căn nhà một tầng nho nhỏ, chắc là nơi ở của người gác cổng. Phía sau cổng và căn nhà gác là một hình ảnh tôi không ngờ tới: một dãy những căn nhà cao mà nhiều màu, mỗi mặt tiền đều có những hình chạm khắc tinh tế. Những căn nhà khang trang đứng im lìm trên nền của bầu trời mùa hè trong xanh.

Đây rồi. Không một tiếng thầm thì trong không khí, chỉ có tiếng xào xạc nhẹ nhàng của gió. Tôi có thể thấy bản thân mình sống trong một trong những căn nhà kia, không hàng xóm, không ồn ào, không lo âu. Tôi sẽ có một căn phòng cho riêng mình, một nơi để tôi đọc truyện tranh và ăn vặt tới khi chán thì thôi. Chán rồi thì tôi sẽ lượn phố chụp ảnh, không vấn đề gì, không phiền hà ai. Không ai sẽ phàn nàn vì không ai sẽ phải lo chuyện kiếm ăn nếu chúng tôi sống trong những căn nhà như thế kia.

Tôi giơ máy ảnh lên để ngắm sao cho những căn nhà đứng sừng sững như những ngọn núi hạnh phúc đổ bóng lên căn nhà gác và cái cổng sắt gỉ. Tôi thấy sắc vàng và xanh da trời rực rỡ. Không còn nữa những mảng sơn sứt mẻ và bóng tối màu tím than của khu C3.

Cô Tâm nói đúng. Tranh thủ cổng đang mở, tôi đi nhanh vào bên trong khu biệt thự. Nếu có người gác cổng ngồi đó thì họ đã không để ý tới tôi. Đằng sau những căn nhà tôi vừa chụp là nhiều căn nhà đẹp đẽ khác, tổng cộng có lẽ là bốn chục căn đứng cạnh nhau. Mỗi căn đều có một khoảng sân và một cánh cổng riêng, mỗi cánh cổng đều được thiết kế rất chi tiết. Mỗi căn nhà đều im ắng và hoành tráng, với rất nhiều chiếc chậu đầy những bông hoa mập mạp, rực rỡ.

Tối hôm đó, khi quay về khu C3, tôi chạy vào nhà cô Tâm và kể cho cô về thế giới tôi mới đặt chân tới. Cô cười và trêu tôi: "Cháu có đứng đấy chiêm ngưỡng không? Chiêm ngưỡng tiền của nhà người ta không?".

Tôi đã không ở đó quá lâu, vì tôi sợ sẽ chạm mặt Dương. Tôi biết thành phố này rộng lớn, và tôi chẳng thể nào dễ dàng gặp lại Dương, nhưng tôi vẫn sợ. Sợ rằng bóng dáng anh sẽ làm hỏng cái hình ảnh tuyệt với của khu biệt thự này.

Cô Tâm nhướng mày hỏi: "Cháu có chụp tấm ảnh nào không?". Tôi kể cho cô rằng tôi chụp cái cổng và cô lại cười: "Đúng là nghệ sĩ rồi đấy, nhà đẹp không chụp lại đi chụp cái cổng sắt gỉ".

Vừa bước vào căn hộ kế bên, căn nhà nhỏ bé của mình, tôi đã thấy anh Quang nhìn tôi rồi lắc lắc cái đầu ra hiệu điều không lành. Anh liếc qua phía bếp, nơi mẹ tôi đang đứng mạnh tay chặt thái gì đó. Tôi còn chưa kịp nói hết câu chào, mẹ đã lên giọng hỏi: "Con đi đâu về đấy?". Như một cái máy, tôi bảo mẹ là tôi đi học thêm về. "Đi học ở đâu?". Tôi bảo mẹ là ở nhà bạn tôi, như mọi khi. Mẹ không thèm nhìn tôi, tay vẫn thái thái chặt chặt, miệng vẫn tiếp tục chất vấn: "Con có chắc con vừa đi học về không?".

Tôi khẽ cười và cố tỏ ra không lo lắng. Tôi hỏi mẹ: ý mẹ là sao. Mẹ quay lại nhìn tôi, tay vẫn nắm chặt con dao. Anh Quang ngồi ở bàn cầm quyển sách mà mắt cứ liếc qua liếc lại giữa tôi và mẹ. Hai hàng lông mày của mẹ tôi đâm xuống như hai lưỡi xẻng đâm xuống đất: "Chiều nay mẹ có gọi mẹ của Nga nên mẹ biết con đang nói dối. Mẹ hỏi lại một lần nữa thôi: con vừa đi đâu về?".

Bỗng nhiên tôi muốn khóc. Tôi muốn chạy khỏi đây, khỏi những ánh mắt nhòm ngó, những cái tai nghe ngóng, chạy tới con ngõ hẹp mà im ắng kia. "Con đi với ai?". Tôi trả lời mẹ là không có ai hết. "Con đã làm gì?". Tôi bảo với mẹ là tôi không làm gì hết. Mẹ nhìn tôi tròng trọc: "Có phải đi chơi với thằng nào không? Con bảo với mẹ con đi học bao nhiều ngày tháng rồi, vậy là đi chơi bời hẹn hò từ bao giờ rồi mà mẹ không để ý. Giờ thì mẹ để ý rồi, mẹ đang nghe đây. Nói cho mẹ biết, con đã làm gì, đã đi đâu?".

Tôi nhắc lại, tôi không làm gì hết. Mẹ ném con dao trong tay xuống sàn nhà. Tôi giật mình lùi bước rồi nhìn mẹ, cổ họng tôi nóng ran, trong đầu có cảm giác căng cứng như sắp nổ tung. "Con nhắc lại câu đó một lần nữa xem", mẹ nói và chỉ một ngón tay run run về phía tôi.

Rồi mẹ hít vào một hơi để trấn tĩnh. Thêm một hơi cho mẹ cảm giác như bớt một hơi của tôi. Căn phòng nhỏ bé này chỉ có từng ấy không khí thôi. Mẹ lại nói: "Nếu con có yêu đương gì thì nói mẹ biết luôn đi. Nói mẹ nghe điều tồi tệ nhất con đã làm xem nào".

Tới đó, tôi thấy giọng nói của mình tím lại: "Theo mẹ thì nó là gì? Điều tồi tệ nhất con có thể làm, điều làm mẹ thất vọng nhất là gì?". Rồi đột nhiên tôi khóc như một đứa trẻ, nước mắt lã chã tuôn như vỡ đê. "Con đã làm gì sai chứ? Nếu con không giỏi nhất lớp, nếu kỳ thi đại học con làm bài kém, nếu con quan tâm tới một ai đó thì đã làm sao? Nếu con không thích nơi này, nếu con không thích cách mà tất cả mọi người săm soi nhau, chen chúc lẫn nhau thì đã làm sao?".

Tôi còn muốn nói nữa, nhưng mẹ đã lên giọng để nói cho tôi biết rằng tôi là một đứa vô lễ và thiếu suy nghĩ. Bố mẹ vất vả nuôi dạy ba đứa chúng tôi, cho ba chị em những cơ hội tốt nhất. Nếu biết suy nghĩ thì tôi phải cố gắng học hành như anh Quang, chị Quỳnh. Tôi đã đủ lớn để không còn mơ mộng viển vông nữa rồi, vì cuộc sống không đơn giản, không dễ dàng. Nếu tôi nghĩ căn hộ này, cuộc sống này khó chịu thì có lẽ đến lúc mẹ cho tôi biết rằng nó còn tốt hơn việc không có gì hết. Vì chỉ hai tháng nữa thôi, chúng tôi sẽ không có gì hết. Hai tháng nữa thôi, ngay cái căn hộ nghèo nàn này cũng chẳng thuộc về chúng tôi nữa.

"Mẹ nói gì cơ?", anh Quang lên tiếng. Mẹ nặng nề ngồi xuống bàn ăn, cúi đầu thở hắt, hai tay mẹ hứng lấy khuôn mặt mệt mỏi. Mẹ nói rằng mẹ đã muốn đợi bố và chị Quỳnh về để báo tin cho cả nhà, nhưng đến nước này rồi thì mẹ đành phải kể cho hai đứa trước. Người ta chuẩn bị xây trung tâm thương mại ở đây, ở mảnh đất dưới chân chúng tôi. Sẽ không lâu nữa đâu, một công ty xây dựng sẽ tới phá khu tập thể này. Tất cả chúng tôi sẽ phải rời đi.

Anh Quang bước tới nơi mẹ ngồi và nói: "Nhưng mình sở hữu căn hộ này mà". "Sẽ có tiền bồi thường, nhưng cũng chẳng là mấy so với giá cả thị trường nhà đất bây giờ. Số tiền đấy không đủ để mua một căn hộ khác". Mẹ nói mà tay vẫn che mặt. "Sao lại thế được?", anh Quang nói.

Mà chuyện xảy ra lại chính xác như thế.

Hai tháng sau, tôi quay lại khu C3 để chụp một tấm ảnh cuối cùng của những bức tường tôi từng thầm ghét. Lúc đó chỉ còn lại đúng một bức tường, chính là bức tường sâu trong cùng của cả tòa nhà, một bức tranh của những mảnh ghép trước nay được giấu kín của nhiều căn hộ, nhiều cuộc sống khác nhau, giờ bày ra trước mắt bao người qua đường. Hàng chục gia đình, giờ lạc đi đâu hết rồi.

Ngày cuối cùng ấy, không chỉ có mình tôi. Chú Tâm cũng ở đó, ngồi trên chiếc ghế bành cũ kỹ của chú, chơ vơ ở phía bên kia đường. Chú ngồi nhìn chằm chằm vào khu đất đầy gạch vụn. Tầng một của khu C3, trước khi bị phá, có tiệm sửa xe máy của chú.

Tôi ngắm ánh nắng mặt trời lọt qua lá và nhuộm vàng cảnh bụi bặm của khu tập thể vụn vỡ. Tôi đưa máy ảnh lên và lấy chú Tâm làm tâm của bức ảnh rồi bấm tách.

Giấc mơ Kodak vàng - Ảnh 4.

Nguyên bản tiếng Anh truyện ngắn "Giấc mơ Kodak vàng"

 Tham khảo thêm nguyên bản tiếng Anh:


Bình luận của bạn

Bình luận