Người trao sự sống
Trong tấm thiệp viết lời cảm ơn tới đoàn bác sĩ đã phẫu thuật cho con gái mình, tôi có viết: “Là một người mẹ, sinh ra con nhưng chính các bác sĩ, mới là người trao cho con sự sống”.
Con gái tôi, 3 tuổi, 4 lần phẫu thuật, cũng là nhiều hơn từng ấy lần cận kề ranh giới sinh-tử, nhưng chính các bác sĩ, đã là người làm nên điều kỳ diệu từ khối óc và đôi tay.
Bệnh hiếm với tỉ lệ 1/100.000 trẻ em
Hội chứng được nhóm thành ba loại, loại 2 bao gồm một hộp sọ hình cỏ ba lá , do sự hợp nhất rộng rãi của xương, cũng như chứng tiên lượng nghiêm trọng. Loại này xảy ra lẻ tẻ (nghĩa là dường như không được di truyền) và có "tiên lượng xấu và tổn thương thần kinh nghiêm trọng, thường là tử vong sớm".
Não úng thủy, hẹp đường thở, thóp đóng sớm,... là vài ba trong số nhiều vấn đề của Hội chứng Pfeiffer Type 2 biểu hiện ở con gái nhỏ của tôi. Lần đầu tiên trong đời, tôi hình dung rõ ràng về câu: “Chỉ thở thôi cũng khó nhọc. Và chỉ cần được sống thôi, cũng đủ để cảm ơn cuộc đời.”
May mắn, chúng tôi gặp được những vị bác sĩ như Bồ Tát “cứu khổ, cứu nạn”; từng bước, từng bước, con gái tôi thoát khỏi “lưỡi hái của tử thần” như một kỳ tích của y khoa, của sự không từ bỏ và của nghị lực phi thường từ một đứa trẻ bé xíu xìu xiu.
Khi con tròn 1 tháng tuổi, chúng tôi bế con đến Khoa Chỉnh hình Sọ mặt của bệnh viện Việt Đức, được bác trưởng khoa và đội ngũ y bác sĩ toàn khoa hội chẩn, thu thập phim chụp và hình ảnh để gửi hồ sơ của con đi khắp nơi trên thế giới, tham khảo các ý kiến từ chuyên gia hàng đầu ở nước ngoài, để có thể chẩn đoán chính xác hội chứng con mắc phải và có lộ trình phẫu thuật phù hợp.
Trái tim vô lượng của các bác sĩ, các cô y tá, điều dưỡng ở bệnh viện khiến chúng tôi - người làm cha làm mẹ của cô con gái bé bỏng trong những ngày đầy phập phồng, lo âu ấy thêm hy vọng, dù hy vọng rất mong manh.
Những lần phẫu thuật 50-50
Chúng tôi không có gì để đánh đổi, ngoài việc can trường tiến về phía trước, ngoài việc tin tưởng 100% vào sự nỗ lực của các bác sĩ.
Ca phẫu thuật đầu tiên là khi con gái tôi mới chỉ 3 tháng tuổi. Não úng thủy diễn tiến nhanh đến mức đầu con nổi gân xanh và phập phồng như một quả bóng sắp vỡ. Vấn đề là khí quản của con rất hẹp, hô hấp vô cùng khó khăn - đây là chướng ngại đối với một ca phẫu thuật, nhất là trong quá trình gây mê đặt nội khí quản. Nhưng nếu không phẫu thuật, chúng tôi sẽ phải chứng kiến cảnh con mình, không còn cơ hội nào trong đời.
Ngồi chờ con ngoài phòng mổ, tôi đọc cuốn “Khát vọng sống” như để tự vỗ về chính mình. Nhưng tin chẳng hay ập đến như một cơn sóng xô tràn. Bác sĩ gây mê gọi chúng tôi đến và thông báo rằng ca phẫu thuật chưa thể thực hiện được vì trong quá trình gây mê, đặt ống thở, con tôi đã gặp biến chứng, giờ thì không biết bao giờ con mới có thể tỉnh lại, cũng không chắc chắn được về tình trạng sau này,...
Bác sĩ gây mê khóc và cúi đầu. Chúng tôi vẫn biết rằng, kết quả ra sao cũng phải chấp nhận vì ai cũng cố gắng hết sức. Nhưng chưa bao giờ từ bỏ hy vọng.
Sau đó một ngày, con gái tôi hồi tỉnh, đội ngũ y bác sĩ của Khoa thần kinh và Khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Việt Đức lại cùng vào cuộc, để tiến hành ca phẫu thuật còn dang dở, đặt ống dẫn lưu não thất, khắc phục vấn đề dịch não thủy trong đầu con tôi.
Trời không phụ lòng người, không phụ sự toàn tâm toàn ý, không ngại khó ngại khổ của đội ngũ y tế, ca phẫu thuật thành công, con gái tôi đã thoát khỏi sự đe dọa về tính mệnh.
Lần phẫu thuật thứ 2 diễn ra sau đó khoảng chừng nửa năm, là do tắc nghẽn ống dẫn lưu. Con gái tôi cũng rơi vào tình trạng li bì, gần như mất nhận thức. Những nỗ lực lấy máu xét nghiệm gần như rút cạn cơ thể con. Những vết kim đâm vào bẹn, vào chân, tím bầm khi con không còn phản ứng. Đâm vào rồi lại rút ra…
Đó là thời điểm dịch COVID-19 vô cùng khủng hoảng ở Thành phố Hồ Chí Minh, đội ngũ y bác sĩ tăng cường vào miền Nam chống dịch. Ở bệnh viện, chỉ còn rất ít người chủ chốt, trực 24/7 vì thiếu người. Nhưng cũng may thay, bác sĩ phẫu thuật thần kinh cho con tôi lần đầu, vẫn còn ở đây và là người duy nhất - dám phẫu thuật tiếp cho con gái tôi lần này.
Một lần nữa, chúng tôi lại không có đường lùi. Trong lúc còn tỉnh táo, chúng tôi còn hỏi trước về thủ tục lo hậu sự cho con. Ca mổ cấp cứu diễn ra vô cùng căng thẳng vào lúc nửa đêm. Chúng tôi đặt bút ký vào tờ giấy đồng ý phẫu thuật. Bởi chúng tôi biết, dù có chuyện gì xảy ra, chúng tôi vẫn vô cùng biết ơn bác sĩ vì các bác đã không từ bỏ. Không có lý do gì để chúng tôi thoái lui trong hoàn cảnh này. Chồng tôi bảo: “Chỉ cần các bác dám phẫu thuật, không ngại rủi ro thì tụi em dám ký.”
Dường như, những nỗ lực níu kéo sự sống của bé bỏng đã lay động Trời xanh. Chúng tôi không dám gọi các bác sĩ là người “chống lại Tạo hóa”, nhưng chắc chắn, các bác là người đã chiến đấu với Tử thần, kéo con gái tôi về lại với cuộc đời ấm áp và xanh tươi này.
Ca phẫu thuật lại thành công dù không có gì chắc chắn ngay từ đầu. Vốn dĩ, với hội chứng Pfeiffer Type 2, thì ngay cả việc sống thôi, cũng là không chắc chắn. Lần 1, lần 2 rồi đến lần 3, có lẽ những người làm cha làm mẹ là chúng tôi và cả đội ngũ y khoa đều rưng rưng về sự sống mong manh ấy, đều nhận thấy điều kỳ diệu phi thường của việc dám làm và không từ bỏ.
Ca phẫu thuật lần 3 là đại phẫu. Đối với ca phẫu thuật này vô cùng quan trọng trong hành trình giải quyết những vấn đề của việc đóng hộp sọ gây nên. Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, nên để tiếp cận được ca phẫu thuật này, con gái tôi đã phải chờ 2 năm với tình trạng biến dạng khuôn mặt, trí não chậm phát triển ngày càng nghiêm trọng hơn. Nhưng có những em bé khác, còn không chờ được…
Đoàn chuyên gia từ Mỹ có 2 tuần ở tại bệnh viện Nhi Trung ương để tiến hành phẫu thuật cho các bé. Trước đó, con gái tôi đã được bác sĩ ở Khoa Sọ mặt Tạo hình - Nhi Trung ương liên hệ và được hội chẩn online. Hiển nhiên, tình trạng của con vẫn là phức tạp và thách thức nhất trong số bệnh nhi cần phẫu thuật. Đây tiếp tục là một “trận chiến” cân não và đầy rủi ro.
Giữa việc ngồi yên, rồi một ngày, đứa con gái bé bỏng cứ thế bỏ mình mà đi; thì chúng tôi không thể từ bỏ. Ít nhất, cũng phải cố hết sức nắm lấy cơ hội. Còn nhân duyên do con Tạo xoay vần.
Một lần nữa, đội ngũ chuyên gia lại cực kỳ cẩn trọng và đắn đo giữa quyết định có phẫu thuật hay không? Bởi đối với các bác sĩ và với cả chúng tôi, sống là quan trọng nhất.
Tuy nhiên, đã hai năm qua và không thể trì hoãn để đợi thêm nữa. Chúng tôi thuyết phục các bác sĩ: “Nếu như không phẫu thuật, con sẽ không có cơ hội nào cả. Nhưng nếu được phẫu thuật, ít ra, con cũng sẽ có cơ hội thấy phía trước. Còn nếu là rủi ro, thì ca phẫu thuật này, chính là kinh nghiệm dành cho các bác sĩ, để sau này, những đứa bé khác có hội chứng như con, có cơ hội phẫu thuật thành công.” - Và thế là, đại phẫu lần 3 của con tôi, đã được tiến hành.
Bác sĩ Hà - Trưởng Khoa Tạo hình Sọ mặt - Bệnh viện Việt Đức cũng có mặt trong ekip mổ lần 3 này. Người đã đồng hành cùng con gái tôi lúc chỉ mới 1 tháng tuổi, đã hiện diện cùng đội ngũ chuyên gia Mỹ, cùng đoàn y bác sĩ tận tâm và chuyên môn cao của bệnh viện Nhi Trung ương, dốc sức cho ca phẫu thuật.
Viết đến đây, một người mẹ như tôi lại phải tháo kính, cúi mặt nghẹn ngào, rơi những giọt nước mắt biết ơn từ tận đáy lòng. Biết ơn và kính ngưỡng - những con người y đức toàn tài, trao sự sống cho con gái tôi.
Đại phẫu lần 3 thành công ngoài mong đợi. Những phương án cấp cứu dự tính cho trường hợp rủi ro không hề xảy ra. Thời gian phẫu thuật cũng không kéo dài như trên kế hoạch. Mọi thứ đều diễn tiến như một kỳ tích.
Tôi chạy vào khi nghe loa gọi thông báo, đôi chân không kịp xỏ dép và nước mắt trào ra. Các chuyên gia cho chúng tôi xem hình ảnh của toàn bộ ca phẫu thuật. Một ca đại phẫu “quá sức” đối với một em bé chỉ bảy kilogram là con tôi. Nhưng rất phi thường.
Sau ca phẫu thuật đó, con gái mất gần một năm để lành lại vết thương trên đầu. Và thêm một lần phẫu thuật thứ 4 để tháo dụng cụ là đinh vít, lò xo ra khỏi hộp sọ. Nhưng cho đến bây giờ, chúng tôi không còn phải hy vọng mà hoàn toàn tự tin và chắc chắn về sức sống của con mình, về nghị lực và can đảm sống của một em bé mong manh như cỏ.
Hành trình hơn 3 năm làm cha mẹ của con, không dài để so sánh nhưng là rất nhiều những bài học mà chúng tôi đã học được trên chặng đường này. Nếu không có các y bác sĩ tuyệt vời - người trao cho con tôi sự sống, chắc hẳn, chúng tôi không có được nụ cười và hạnh phúc ngày hôm nay.
Trên tất cả, bằng lòng biết ơn sâu sắc, xin được tri ân suốt cuộc đời này, chúng tôi cúi đầu cảm ơn Người - những lương y, những thiên thần bằng xương bằng thịt, dành lại cho chúng tôi, điều kỳ diệu của sự sống.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google