4 chính sách mới về giáo dục có hiệu lực từ tháng 7/2022

Đắc Quang
12:02 - 29/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Những đối tượng chịu tác động trực tiếp từ các chính sách giáo dục được áp dụng từ tháng 7 là học sinh, sinh viên, đặc biệt là học sinh thi trung học phổ thông; người có mong muốn học trình độ thạc sĩ và giảng viên học tiến sĩ.

Chính sách thức đẩy tư vấn nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên

Thông tư 07/2022/TT-BGDĐT quy định, tại cấp tiểu học được tạo môi trường, hỗ trợ nhận biết về nghề nghiệp, việc làm thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm thực tế tối thiểu 1 lần/năm học.

Đối với cấp trung học phổ thông, học sinh được trải nghiệm, thực hành đối với nhóm ngành nghề, việc làm đã được tư vấn thông qua hoạt động tham quan, trải nghiệm tối thiểu 1 lần/năm. Đồng thời, được tổ chức ngày hội tư vấn tuyển sinh, tư vấn nghề nghiệp, việc làm tối thiểu 1 lần/năm học.

Tại các cơ sở giáo dục đại học, sinh viên được tổ chức rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, việc làm thông qua các hoạt động xã hội, hoạt động ngoại khoá, sinh hoạt câu lạc bộ... Đồng thời, được thực hành, triển khai các dự án khởi nghiệp, tham gia các cuộc thi, hội chợ, triển lãm trưng bày, giới thiệu thành tựu khoa học kỹ thuật, dự án khởi nghiệp...

Thông tư 07/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 08/7/2022.

Điểm thi đại học càng cao, điểm ưu tiên càng ít

Quy chế tuyển sinh đại học mới ban hành kèm Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực từ ngày 22/7/2022 với nhiều thay đổi đáng chú ý về chế độ cộng điểm ưu tiên cho thí sinh.

Cụ thể, từ năm 2023, thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (khi quy đổi về điểm theo thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ được được xác định điểm ưu tiên theo công thức:

Điểm ưu tiên = [(30 - Tổng điểm đạt được)/7,5] x Mức điểm ưu tiên

Như vậy, nếu tính điểm ưu tiên theo quy chế thi mới, thi sinh có tổng điểm càng cao thì càng được cộng ít điểm ưu tiên hơn.

Ngoài việc giảm điểm ưu tiên cho các thí sinh có tổng điểm thi trên 22,5 điểm, quy chế thi mới còn giới hạn thời gian hưởng chế độ cộng điểm ưu tiên khu vực từ năm 2023.

Theo đó, thí sinh chỉ được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp trung học phổ thông (hoặc trung cấp) và thêm 1 năm kế tiếp.

Thí sinh thi lại sau 2 năm tốt nghiệp trung học phổ thông không còn được cộng điểm ưu tiên khu vực khi xét tuyển đại học nữa.

Có thêm một số ngành đào tạo trình độ thạc sĩ

Thông tư 09/2022/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 22/7/2022 đã bổ sung nhiều ngành học vào Danh mục các ngành đào tạo trình độ thạc sĩ như Ngành: Giáo dục và phát triển cộng đồng, Tâm lý học lâm sàng, Luật, Khoa học dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Kỹ thuật hàng hải, Trinh sát kỹ thuật, Kỹ thuật Công an nhân dân, An ninh phi truyền thống, Nhãn khoa, Biên phòng...

Giảng viên học lên tiến sĩ được hỗ trợ học phí đến 25.000 USD

Từ 20/7/2022 - giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học được cử tham gia đào tạo tiến sĩ trong nước, thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài có thể được hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Thông tư 30/2022/TT-BTC. Cụ thể:

Người được cử đi học tiến sĩ và thạc sĩ toàn thời gian ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ: Học phí và các khoản liên quan đến học phí tối đa không quá 25.000 USD/năm học, chi phí làm hộ chiếu, visa, sinh hoạt phí gồm: Tiền ăn, ở, đi lại, tiền tài liệu và đồ dùng học tập theo thời gian học thực tế, bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định của nước sở tại nhưng tối đa không quá 1.000 USD/năm, tiền vé máy bay đi và về, chí phí đi đường...

Người được cử đi học tiến sĩ toàn thời gian ở trong nước sẽ được hỗ trợ: Học phí và kinh phí thực hiện đề tài luận án, tham dự hội thảo, hội nghị ở trong nước với mức hỗ trợ từ 13 - 20 triệu đồng/năm.