"Lỗ hổng giáo dục" và nỗi lo một thế hệ bị mất mát

Trúc Phong
00:42 - 08/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều học giả, chuyên gia, quan chức chính phủ và đại diện của các tổ chức giáo dục đã cùng kêu gọi nỗ lực và hành động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn thế giới và đặt nhu cầu của học sinh vào trọng tâm của sự phát triển bền vững toàn cầu.

"Lỗ hổng giáo dục" và nỗi lo một thế hệ bị mất mát - Ảnh 1.

Nỗi lo một thế hệ bị mất mát. Ảnh: UNICEF/ Đại biểu nhân dân

Đặt nhu cầu của học sinh vào trọng tâm của sự phát triển bền vững toàn cầu

Tại Diễn đàn Chính trị cấp cao thường niên của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (HLPF), diễn ra từ 5-7/7 và từ 11-15/7, dưới sự bảo trợ của Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc, nhiều học giả, chuyên gia, quan chức chính phủ và đại diện của các tổ chức giáo dục đã cùng kêu gọi nỗ lực và hành động nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trên toàn thế giới và đặt nhu cầu của học sinh vào trọng tâm của sự phát triển bền vững toàn cầu.

HLPF là nền tảng chính của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, có vai trò trung tâm trong việc theo dõi và xem xét Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và Các mục tiêu phát triển bền vững ở cấp độ toàn cầu.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Charles North, quyền Giám đốc điều hành của Hiệp hội Đối tác toàn cầu về giáo dục - một nền tảng hợp tác và tài trợ chuyên cung cấp giáo dục chất lượng cho trẻ em ở các quốc gia có thu nhập thấp - thúc giục các nhà lãnh đạo thể hiện ý chí chính trị lớn hơn để tài trợ cho giáo dục. Ông North nhấn mạnh giáo dục không phải là một đặc ân, cũng không phải là một cơ hội, mà là quyền con người.

Trong khi đó, Bộ trưởng Giáo dục Phần Lan Li Andersson ủng hộ việc đầu tư vào chuyển đổi xanh và chuyển đổi số để tất cả mọi người đều có thể học tập, rèn luyện và nâng cao kỹ năng trong suốt cuộc đời.

Phó Chủ tịch của Foro Educativo - tổ chức phi lợi nhuận của Peru, bà Madeleine Zuniga, kêu gọi đầu tư nhiều hơn cho việc đào tạo giáo viên chất lượng cao.

Theo ông Leonardo Garnier, cố vấn đặc biệt của Tổng thư ký Liên hợp quốc về Hội nghị thượng đỉnh chuyển đổi giáo dục 2022 (dự kiến diễn ra vào tháng 9 tới) cho rằng ngay cả trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, thế giới chưa đến gần mục tiêu có được nền giáo dục chất lượng. Ông kêu gọi thay đổi nhanh cách tiếp cận từ tiến bộ mỗi ngày sang cách tiếp cận với mục tiêu cao hơn thông qua chuyển đổi giáo dục thành một hành trình tự khám phá và phát triển đầy nhiệt huyết. Theo ông, để đạt được điều đó, trường học phải là nơi an toàn, lành mạnh và kích thích học tập.

"Lỗ hổng giáo dục gần như không thể khắc phục"

Lời kêu gọi về nâng cao chất lượng giáo dục toàn cầu được đưa ra trong bối cảnh nền giáo dục toàn cầu bị gián đoạn do đại dịch COVID-19 gây ra. Sự gián đoạn này, theo ông Robert Jenkins, Trưởng bộ phận Giáo dục của UNICEF, là "gần như không thể khắc phục được đối với việc học tập của trẻ em".

Theo số liệu thống kê, việc đóng cửa trường học tạm thời trong đại dịch COVID-19 đã khiến khoảng 1,6 tỉ trẻ em, tương đương 91% học sinh trên toàn thế giới, không được học. Trong số đó, gần 369 triệu trẻ em phụ thuộc vào bữa ăn ở trường như nguồn cung cấp dinh dưỡng hằng ngày.

Trong 2 năm đại dịch, trẻ em trên khắp thế giới ước tính đã mất khoảng 1,8 nghìn tỉ giờ học. Một báo cáo do UNESCO, UNICEF và Ngân hàng Thế giới (WB) công bố vào tháng 12/2021 cho biết, thế hệ học sinh hiện nay có nguy cơ mất 17 nghìn tỉ USD thu nhập suốt đời vì việc đóng cửa trường học trong đại dịch.

"Lỗ hổng trong giáo dục" được thể hiện trên những khía cạnh như:

Thứ nhất, trẻ em bị hổng kiến thức, bị ảnh hưởng về sức khỏe tâm thần và thể chất, sự phát triển về mặt xã hội, bị giảm khả năng tiếp cận với nguồn dinh dưỡng thông thường và tăng nguy cơ bị xâm hại. Theo UNICEF, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy COVID-19 đã gây ra tỷ lệ lo âu và trầm cảm cao ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Thứ hai, trẻ em không có điều kiện học trực tuyến. Theo một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), trong đại dịch COVID-19, nhiều trẻ em không được học từ xa trong thời gian trường học bị đóng cửa. Không ít em tuy gia đình có thiết bị và kết nối internet ở nhà, nhưng vẫn không được học từ xa vì các em phải làm việc nhà, bị buộc phải đi làm, hoặc do không được khuyến khích học tập hay thiếu sự hỗ trợ cần thiết để có thể theo học các chương trinh trực tuyến hoặc qua phát thanh truyền hình.

Thứ ba, gia tăng sự bất bình đẳng trong cơ hội được học. Việc học trực tuyến còn tạo ra sự bất bình đẳng lớn trong học sinh ở các khu vực khác nhau trên thế giới và trong mỗi quốc gia về cơ hội được học tập. Học sinh ở châu Phi cận Sahara bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với một nửa số học sinh không được học từ xa.

Theo báo cáo của UNICEF, học sinh từ các hộ gia đình nghèo nhất và những người sống ở các vùng nông thôn là những nhóm có nhiều nguy cơ không được học từ xa trong thời gian trường học đóng cửa.

Trên toàn cầu, 72% học sinh không được học từ xa là những em thuộc các gia đình đình nghèo nhất. Ở các quốc gia có thu nhập trung bình cao, trẻ em từ các hộ gia đình nghèo nhất chiếm tới 86% số học sinh không được học từ xa. Trên toàn cầu, ba phần tư số trẻ em không được học từ xa sống ở nông thôn.

Báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ học từ xa khác nhau trong các nhóm tuổi, theo đó, các học sinh nhỏ tuổi nhất có khả năng cao nhất bỏ lỡ học tập từ xa trong những năm tháng quan trọng nhất về học tập và phát triển. Trong đó, khoảng 70% trẻ em ở lứa tuổi mầm non (khoảng 120 triệu trẻ em, không thể tiếp cận học từ xa); ít nhất 29% số học sinh tiểu học (khoảng 217 triệu học sinh) và ít nhất khoảng số 24% học sinh trung học cơ sở (khoảng 78 triệu học sinh), không được học từ xa. Học sinh phổ thông trung học là nhóm ít bị bỏ lỡ cơ hội học từ xa nhất với 18% (khoảng 48 triệu học sinh).

Với chủ đề "Xây dựng lại tốt hơn hậu COVID-19 và đẩy mạnh triển khai đầy đủ Chương trình nghị sự 2030 vì phát triển bền vững", HLPF năm nay sẽ xem xét sâu hơn vào Mục tiêu số 4 về giáo dục chất lượng; Mục tiêu số 5 về bình đẳng giới; Mục tiêu số 14 về bảo tồn và sử dụng bền vững các đại dương, biển và tài nguyên biển; Mục tiêu số 15 về quản lý rừng bền vững, chống sa mạc hóa, dừng và đảo ngược suy thoái đất, ngăn chặn việc mất đa dạng sinh học và Mục tiêu số 17 về thúc đẩy quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển bền vững.