Khuyến khích dạy ngôn ngữ bản địa trong trường học - Một cách để học sinh hiểu về lịch sử đất nước
Australia đang khuyến khích các trường học đưa ngôn ngữ bản địa vào giáo trình dạy học, nhằm góp phần lưu giữ và nhân rộng nét văn hoá đặc sắc này với cả cộng đồng.
Australia là đất nước có nền văn hoá đa dạng. Do đó, quốc gia này hiện đang khuyến khích các trường học đưa ngôn ngữ bản địa vào giáo trình dạy học, qua đó góp phần lưu giữ và nhân rộng nét văn hoá đặc sắc này với cả cộng đồng. Không chỉ thế, việc học ngôn ngữ bản địa cũng sẽ góp phần làm phong phú thêm tinh thần và kiến thức của người dân.
Theo kết quả khảo sát của Tổ chức giáo dục Know your country (Australia), cứ 10 học sinh tiểu học thì có 7 em mong muốn được học ngôn ngữ bản địa trực tiếp từ giáo viên thuộc các bộ tộc đầu tiên tại Australia. Tuy nhiên, hiện tại, trên thực tế mới chỉ có 1/3 số học sinh đang được đáp ứng nhu cầu này tại trường.
Bên cạnh đó, đa phần phụ huynh cũng cho rằng, việc học về lịch sử thế giới tuy rất quan trọng, nhưng hiểu biết về lịch sử của chính đất nước mình, ngay từ giai đoạn đầu tiên, cũng là điều vô cùng cần thiết.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc học ngôn ngữ hay tiếp cận với hệ thống kiến thức bản địa có thể mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt là cho trẻ nhỏ.
Ông Scott Winch, đồng sáng lập tổ chức Know your country, cho biết: Qua khảo sát của chúng tôi, có thể thấy rõ rằng tuy học sinh và phụ huynh rất trân trọng các loại ngôn ngữ và lịch sử thế giới, nhưng các em cũng rất yêu thích ngôn ngữ đa dạng của chính đất nước mình, đặc biệt là khi được học và tương tác trực tiếp với những người thuộc các bộ tộc đầu tiên ở Australia. Và thực sự thì việc được học tập với các bộ tộc cũng sẽ làm giàu có thêm kiến thức cho các em nhỏ.
Chính phủ Australia hiện đang khuyến khích các trường học dạy tiếng bản địa cho học sinh, sinh viên. Qua thực tế tại một số nơi đang giảng dạy ngôn ngữ này, các thầy cô giáo cũng nhận thấy rõ rằng, học sinh thích đến trường hơn, tiếp thu nhanh hơn và đa phần đều mong muốn được tìm hiểu thêm về tiếng bản địa. Như tại trường tiểu học Moolap, Melbourn, các em đều rất hào hứng khi đến giờ học, thậm chí nhiều em còn bắt đầu sử dụng ngôn ngữ này với cha mẹ và các bạn.
Bà Corrina Eccles, một giáo viên dạy tiếng Waddawurrung tại trường, cho biết: Các em nhỏ đều rất thích lớp học tiếng bản địa. Tất cả các lớp học của chúng tôi tại trường đều hướng tới việc dạy cho trẻ và khuyến khích trẻ tìm hiểu về ngôn ngữ bản địa, bởi đây cũng chính là một phần lịch sử quan trọng của đất nước.
Mới đây, một trung tâm ngôn ngữ Ngunnawal đã được thành lập tại Canberra để khôi phục ngôn ngữ này. Hiện trung tâm đang tổ chức các lớp học ngắn hạn, với hi vọng bước đầu giới thiệu lại và nhân rộng tiếng Ngunnawal trong cộng đồng. Trong thời gian tới, trung tâm hi vọng có thể phát triển một giáo trình học ngôn ngữ Ngunnawal cũng như các hoạt động sau giờ học về văn hóa và ngôn ngữ bản địa cho các trường tiểu học trong khu vực.
Một giáo viên tại trung tâm cho biết: Tôi nghĩ việc dạy học ngôn ngữ bản địa là rất quan trọng bởi ngôn ngữ và văn hoá có mối quan hệ mật thiết. Do đó chúng ta cần phải nhân rộng các loại ngôn ngữ cổ này tới cộng đồng rộng lớn. Chúng ta cũng nên đưa ngôn ngữ này tới các trường học bởi trẻ nhỏ thường có thể tiếp thu nhanh hơn và không bị giới hạn bởi nhiều yếu tố khách quan.
Với quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, các trường học thường có xu hướng dạy ngoại ngữ trong các trường học. Tại Australia, học sinh có thể được chọn học tiếng Pháp hay tiếng Nhật. Tuy nhiên, các em lại chưa được tiếp xúc nhiều với những loại ngôn ngữ của các bộ tộc đầu tiên góp phần xây dựng nên quốc gia này. Do đó, hiện nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục đang hi vọng rằng, việc thúc đẩy các chương trình dạy tiếng bản địa trong các trường học có thể giúp làm sống lại và lưu giữ những ngôn ngữ này – những ngôn ngữ có giá trị lịch sử đặc biệt đối với đất nước.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google