Đông Nam Á nỗ lực phục hồi theo hướng xanh, bền vững và bao trùm

Anh Thư
09:40 - 19/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các quốc gia Đông Nam Á nhận thức rõ rằng, các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ để tăng cường an ninh năng lượng, mở ra những ngành nghề mới với cơ hội việc làm mới, mà còn giảm thiểu khả năng xảy ra đại dịch và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Các cuộc khủng hoảng liên tiếp ảnh hưởng tới lộ trình chuyển đổi xanh tại Đông Nam Á

Đại dịch COVD-19 ít nhiều đã gây ảnh hưởng tới những nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu và chuyển đổi xanh của các nước Đông Nam Á.

Một nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS) thực hiện chỉ ra rằng, trong 2 năm dịch bệnh xảy ra, ngân sách các nước trong khu vực chủ yếu đều tập trung vào chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ bằng tiền mặt cho các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội, hỗ trợ tài chính cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất của nền kinh tế, như du lịch và hàng không. Những quan tâm dành cho việc chuyển đổi xanh vì thế cũng bị giảm bớt.

Indonesia cung cấp ưu đãi thuế cho các công ty dầu khí với mục đích bảo vệ cơ hội việc làm trong ngành và giảm thuế đối với ô tô hạng sang để kích thích chi tiêu. 

Việt Nam giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu máy bay để hỗ trợ ngành hàng không. Điều này đồng nghĩa với việc những bước đi cho quá trình chuyển đổi xanh cùng những cơ hội đã có đang bị ảnh hưởng.

Ngay khi đại dịch còn chưa qua, thế giới lại tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng đa tầng, trong đó có khủng hoảng về lương thực, năng lượng, khiến quá trình chuyển đổi xanh càng gặp nhiều thách thức. Trong khi đó, thời hạn để thế giới đạt được mục tiêu giữ cho mức nhiệt độ tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp lại đang đến rất gần.

Tại khu vực Đông Nam Á nói riêng, đa phần các quốc gia đều phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, từ hạn hán nghiêm trọng, cho đến bão lũ cực đoan. Tuy nhiên, mức độ chịu ảnh hưởng cũng như vấn đề cụ thể mà các nước phải đối mặt không giống nhau. Khả năng và nguồn lực để ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu của mỗi nước cũng khác nhau, do đó ngoài những biện pháp chung, mỗi quốc gia có những hướng giải quyết, cách làm riêng phù hợp với yêu cầu và điều kiện cụ thể của mình.  

Đông Nam Á đang đi đúng hướng trên con đường chuyển đổi xanh

Các quốc gia Đông Nam Á nhận thức rõ rằng, các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu không chỉ để tăng cường an ninh năng lượng, mở ra những ngành nghề mới với cơ hội việc làm mới, mà còn giảm thiểu khả năng xảy ra đại dịch và bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.

Đông Nam Á nỗ lực phục hồi theo hướng xanh, bền vững và bao trùm - Ảnh 2.

Chính phủ Malaysia mở thầu 1 GW cho các dự án năng lượng mặt trời thuộc Chương trình mua sắm năng lượng mặt trời quy mô lớn. Ảnh:
powerinfotoday.com

Singapore kiên trì triển khai Kế hoạch Xanh Singapore 2030. 

Trong thời kỳ cao điểm của đại dịch COVID-19, Chính phủ Thái Lan đã phát hành trái phiếu bền vững trị giá 30 tỉ THB tập trung vào giao thông carbon thấp, cũng như các biện pháp hỗ trợ sức khỏe cộng đồng và cơ sở hạ tầng. 

Một số chương trình khác như Chương trình Năng lượng mặt trời quy mô lớn 1 GW của Malaysia; Nhà máy quang điện mặt trời nổi Cirata 145 MW của Indonesia.

Đông Nam Á nỗ lực phục hồi theo hướng xanh, bền vững và bao trùm - Ảnh 3.

Indonesia đang trong quá trình xây dựng Nhà máy quang điện mặt trời nổi lớn nhất Đông Nam Á Cirata 145 MW. Ảnh: Masdar.ae

Một khảo sát do ISEAS thực hiện cũng cho thấy, khu vực tư nhân có sự quan tâm mạnh mẽ đối với các dự án xanh. Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đều bắt đầu đặt ra những mục tiêu đối với khoa học đổi mới. Nghiên cứu của ISEAS cũng cho thấy, giai đoạn 2020 - 2021, có 15% lượng vốn đầu tư liên quan tới phát triển bền vững.

Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP 26) diễn ra tại Glassgow (Anh) năm 2021, có 8/10 quốc gia ASEAN đã đặt ra mục tiêu trung hòa carbon.

Như vậy, nguồn lực từ phía tư nhân và ý chí của chính phủ về phát triển xanh đã có, điều quan trọng là làm sao để hai bên hợp tác hiệu quả, đưa được nguồn đầu tư đến đúng các dự án phù hợp.

Nhiều cơ hội đi cùng quá trình phục hồi xanh

Sự phục hồi xanh có thể khuyến khích tăng trưởng mạnh mẽ hơn, bền vững hơn. Phát triển xanh có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó giúp giảm nguy cơ xảy ra dịch bệnh trong tương lai, giảm bớt và thích ứng với những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đồng thời tạo ra cơ hội việc làm và tăng khả năng cạnh tranh của khu vực.

Đầu tư vào quá trình này có thể tạo ra tới 30 triệu việc làm ở Đông Nam Á vào năm 2030, đồng thời giảm tổn thất GDP hàng năm do biến đổi khí hậu. Không những vậy, việc đầu tư vào phát triển xanh cũng góp phần đưa các nước đạt được các mục tiêu về phát triển bền vững.

Một báo cáo về tiềm năng phát triển xanh của khu vực Đông Nam Á do Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) thực hiện đã chỉ ra năm cơ hội tăng trưởng xanh, bao gồm:

Một là, nông nghiệp tái sinh và sản xuất, sử dụng công nghệ đổi mới để tăng tính chính xác trong nông nghiệp, ứng dụng công nghệ sinh học và cải thiện các biện pháp thực hành nông nghiệp, từ đó đảm bảo an ninh lương thực cho khu vực. 

Hai là, mô hình giao thông và phát triển đô thị bền vững: xây dựng kế hoạch và cải thiện hệ thống quản lý đô thị để nâng cao khả năng ứng phó với đại dịch. Xây dựng hệ thống giao thông công cộng bền vững và khuyến khích chuyển sang phương tiện chạy điện. 

Ba là chuyển đổi năng lượng sạch: phát triển các dự án năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.  

Bốn là mô hình kinh tế tuần hoàn: đầu tư và đưa ra các chính sách hỗ trợ việc xử lý rác thải và các phụ phẩm trở thành các sản phẩm có giả trị sử dụng cao.

Năm là đại dương khoẻ mạnh: quản lý hoạt động đánh cá một cách bền vững, đảm bảo mức độ đánh bắt vừa phải để giữ được đa dạng sinh học đại dương, ngăn chặn việc khai thác đánh bắt quá mức.

Những khó khăn phải vượt qua

Hiện nay, khu vực Đông Nam Á vẫn còn thiếu hụt một nguồn tài chính lớn để thực hiện chuyển đổi xanh, đặc biệt là cho cơ sở hạ tầng và năng lượng. Theo Báo cáo về kinh tế xanh khu vực Đông Nam Á 2022 của Bain & Temasek, Đông Nam Á cần tới 2 nghìn tỉ USD để đạt mục tiêu không phát thải.

3 KPIs cho quá trình chuyển đổi xanh, bao gồm: Mức độ hòa nhập xã hội, trao quyền cho nữ giới, và phát triển nông thôn bền vững.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là làm sao để có thể đảm bảo phục hồi xanh phải công bằng, bình đẳng và bao trùm. ISEAS đã đặt ra 3 KPIs cho quá trình chuyển đổi xanh, bao gồm: Mức độ hòa nhập xã hội, trao quyền cho nữ giới và phát triển nông thôn bền vững. 

Quá trình chuyển đổi xanh muốn thành công phải tạo ra cơ hội việc làm. Tuy nhiên, theo một báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), lực lượng lao động trong các ngành này hiện chỉ chiếm 0,5% lực lượng lao động tại ASEAN. Không những vậy, phụ nữ tiếp tục tụt hậu trong việc tiếp cận các lĩnh vực STEM và do đó, có nguy cơ nhận được ít cơ hội việc làm chất lượng mà tăng trưởng xanh hứa hẹn so với nam giới.

Trong bối cảnh đó, ADB cũng đã nêu bật ba bước chuyển đổi để chính phủ các nước Đông Nam Á cân nhắc, bao gồm: 

"Xây dựng các cơ chế có thể tạo ra sự thay đổi lâu dài đối với khả năng phục hồi của hệ sinh thái"; 

"Thực hiện các can thiệp chính sách có mục tiêu tập trung vào năm cơ hội tăng trưởng xanh"; 

"Xác định các nguồn tài chính bền vững cho các cơ hội tăng trưởng xanh".