Các trường đại học ở châu Âu trong nỗ lực dẫn đầu “chuyển đổi xanh”

Anh Thư
08:45 - 24/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Khi Liên minh châu Âu (EU) đẩy mạnh chuyển đổi xanh và phát triển bền vững thì các trường đại học và viện nghiên cứu cũng rất nhanh chóng tham gia vào quá trình này. Tuy nhiên, việc thực hiện vẫn còn không ít thử thách, cần nhiều nỗ lực và sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa.


Các trường đại học ở châu Âu trong nỗ lực dẫn đầu “chuyển đổi xanh” - Ảnh 1.

Một góc khuôn viên Đại học Radboud, Hà Lan – một trong những ngôi trường xanh nhất tại châu Âu. Ảnh: eduopinions.com

Những nỗ lực trên đường đua "chuyển đổi xanh"

Thời gian gần đây, ngày càng nhiều trường đại học và tổ chức nghiên cứu tại EU tham gia vào quá trình chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững. Thậm chí, một số nơi còn đang nỗ lực trở thành người đi đầu trong cuộc đua hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0, góp phần đạt được cam kết về trung hòa carbon của cả khu vực vào năm 2050.

Theo một cuộc khảo sát vào năm 2021 của Hiệp hội các trường đại học châu Âu (EUA), trong số 400 trường được khảo sát, số trường đã có kế hoạch chuyển sang hoạt động theo hướng xanh chiếm 61% và 25% đang soạn thảo kế hoạch chuyển đổi.

Vừa qua, các viện nghiên cứu khoa học tại nhiều nước châu Âu đã có buổi thảo luận về báo cáo mới đánh giá sự khác biệt trong nỗ lực cũng như quá trình triển khai kế hoạch xanh hóa của các tổ chức này. Đây cũng là chủ đề chính trong cuộc họp của Đại hội đồng Liên đoàn các Viện Khoa học và Nhân văn châu Âu (ALLEA) trong năm nay.

Báo cáo chỉ ra rằng, việc các đại biểu đến dự các hội thảo, cuộc họp bằng máy bay là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, việc sử dụng các siêu máy tính, các hệ thống đèn, điều hòa, máy sưởi cũng phát thải một lượng lớn khí nhà kính. Do đó, để đạt được sự bền vững, giới học thuật cần có sự thay đổi ngay trong văn hóa và nhiều sinh hoạt, hoạt động thường ngày.

Hiện ALLEA hy vọng sẽ sớm có thể tổ chức một hội thảo bàn về việc làm thế nào để các trường đại học và tổ chức học thuật tại châu Âu nhanh chóng chuyển sang hoạt động theo hướng xanh một cách thuận lợi, đồng thời truyền cảm hứng cho các tổ chức, doanh nghiệp trong những lĩnh vực khác cùng tham gia.

Các trường đại học ở châu Âu trong nỗ lực dẫn đầu “chuyển đổi xanh” - Ảnh 2.

Khuôn viên Đại học Dundee, Scotland. Ảnh: eduopinions.com

Trở ngại trong cuộc đua

Kinh phí và thói quen là những trở ngại không nhỏ. Hiện nhiều trường đại học và tổ chức nghiên cứu đang nỗ lực hạn chế khí thải bằng cách lắp đặt hệ thống năng lượng xanh trong khuôn viên trường, hay giảm thiểu các ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng thực phẩm trong canteen và các thiết bị trong phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn đó là nguồn ngân sách cho các kế hoạch này, đặc biệt trong bối cảnh bất ổn gia tăng, thế giới phải trải qua nhiều khủng hoảng chồng chéo, từ đại dịch COVID-19, cho đến lạm phát hay xung đột Nga - Ukraine. Theo một khảo sát của EUA, khoảng một nửa số trường đại học cho rằng, việc thiếu kinh phí và hỗ trợ tài chính là những trở ngại lớn cho việc xanh hóa khuôn viên trường và các hoạt động của họ.

“Các nhà lãnh đạo thể chế có vai trò rất quan trọng trong việc dẫn dắt "câu chuyện" chuyển đổi xanh"

Trong bối cảnh đó, một số nơi đang tìm cách sử dụng các nguồn khác để thực hiện, như quỹ để khắc phục hậu quả do đại dịch của EU, tận dụng các ưu đãi như giảm thuế, hỗ trợ kỹ thuật, các giải thưởng hay nguồn tài trợ cho các dự án xanh.

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, không phải dự án nào cũng khó thực hiện, và không phải ý tưởng nào cũng cần mức chi phí cao. Chẳng hạn như thay đổi thói quen khi sử dụng phương tiện đi laị trong các chuyến công tác, thí dụ như đi máy bay.

Thậm chí, các tổ chức học thuật, các trường đại học hoàn toàn có thể coi chính khó khăn là một cơ hội để sử dụng lượng tiền có sẵn một cách thông minh hơn, tiết kiệm hơn và bền vững hơn.

Các trường đại học ở châu Âu trong nỗ lực dẫn đầu “chuyển đổi xanh” - Ảnh 4.

Dự án Green Campus (Khuôn viên đại học xanh) do EU tài trợ. Dự án triển khai tại Đại học Calabria, Italy. Ảnh: Euronews

Cần chú trọng tới sự quản trị hợp lý

Các kế hoạch sẽ không thể thực hiện được nếu không có người đứng đầu phụ trách quá trình "xanh hoá" và người ủng hộ. Mỗi đối tượng đều có một vai trò riêng trong cuộc chiến để "xanh hoá" này. Tuy nhiên mục tiêu đặt ra chỉ có thể đạt được khi có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ giữa người chỉ đạo và người thực hiện.

"Trong một số lĩnh vực, trường đại học có vai trò dẫn đầu cả về cung cấp việc làm lẫn phát thải khí nhà kính".

Chẳng hạn, trong các trường đại học, ban quản lý trường là người đưa ra các quyết định về tài chính, lựa chọn phương án đầu tư vào năng lượng tái tạo, cải tạo khuôn viên trường, chú trọng các chính sách phát triển bền vững. Còn nhân viên, sinh viên là những người trực tiếp triển khai những kế hoạch này. Thí dụ, việc giảm bớt và chia sẻ, sử dụng chung các loại máy móc, thiết bị giữa các phòng ban là một ý tưởng sáng tạo và tiết kiệm nhưng nó chỉ có thể triển khai khi có sự đồng thuận từ chính các phòng ban đó. Ở chiều ngược lại, các sáng kiến do sinh viên hoặc các bộ phận riêng lẻ đề xuất cũng cần được ban lãnh đạo tiếp nhận, xem xét để có kế hoạch thực hiện nếu khả thi. 

Các trường đại học ở châu Âu trong nỗ lực dẫn đầu “chuyển đổi xanh” - Ảnh 6.

Dự án Green Campus (Khuôn viên đại học xanh) do EU tài trợ. Dự án triển khai tại Đại học Calabria, Italy. Ảnh: Euronews

Chuyển đổi xanh trong lĩnh vực học thuật có yếu tố then chốt đối với các mục tiêu xanh của châu Âu, đặc biệt là trong bối cảnh các trường đại học cũng góp phần không nhỏ vào nguồn phát thải một lượng lớn khí nhà kính. Đó cũng là lý do vì sao các tổ chức trong lĩnh vực học thuật cần tích cực hơn và phối hợp chặt chẽ hơn trong việc chuyển đổi theo hướng xanh và bền vững.

Nguồn: Science Business