Indonesia và kế hoạch thu hút dân "du mục kỹ thuật số"

PV
03:20 - 19/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Indonesia dự kiến cấp thị thực "du mục kỹ thuật số" đặc biệt nhằm giữ chân khách du lịch, góp phần thúc đẩy du lịch và các ngành liên quan.

Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy lãnh đạo của nhiều công ty trên toàn thế giới xem xét áp dụng chế độ làm việc từ xa cho tất cả hoặc một phần lực lượng lao động của mình. 

Nhằm tận dụng cơ hội này, Indonesia có kế hoạch cấp thị thực "du mục kỹ thuật số" đặc biệt nhằm thu hút những người có lối sống "du mục kỹ thuật số" (digital nomad - những người sử dụng công nghệ để làm việc từ xa và thường xuyên di chuyển chỗ ở). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Chính phủ Indonesia cần làm nhiều hơn nữa để thu hút và giữ chân các du khách nước ngoài.

Indonesia và kế hoạch thu hút dân "du mục kỹ thuật số" - Ảnh 1.

Indonesia là điểm đến hàng đầu của những người "du mục kỹ thuật số". Ảnh: Businesstraveller

Phó Chủ tịch Hiệp hội các công ty du lịch và lữ hành Indonesia (ASITA) Budijanto Ardiansjah đề nghị chính phủ cải thiện cơ sở hạ tầng, trong đó có hạ tầng viễn thông, kỹ thuật số và hạ tầng xã hội. Theo ông Budijanto, việc miễn thuế đối với thu nhập từ nước ngoài - nếu được thực hiện như một phần của chương trình thị thực "du mục kỹ thuật số" - cũng cần được xem xét để tạo thuận lợi hơn cho làm việc từ xa.

Theo Bộ trưởng Du lịch và Kinh tế sáng tạo Sandiaga Uno, khoảng 95% những "người du mục kỹ thuật số" được khảo sát cho biết, Indonesia là điểm đến ưu tiên hàng đầu để làm việc từ xa kết hợp với du lịch. Phát biểu tại buổi họp báo hôm 27/6, Bộ trưởng Uno nhấn mạnh: "Thị thực du mục kỹ thuật số phù hợp với mục tiêu thu hút 1,5 triệu khách du lịch nước ngoài đến Bali với thời gian lưu trú dài hơn và chất lượng chi tiêu tăng lên."

Theo luật pháp Indonesia, bất kỳ ai ở nước này 183 ngày trong năm đều được coi là đối tượng cư trú hợp pháp. Tuy nhiên, việc nộp thuế cần có giấy phép lao động với tên gọi "giấy phép lưu trú có giới hạn (KITAS)" vốn không dành cho du khách có thị thực du lịch. Điều này khiến một số khách du lịch rơi vào "vùng xám pháp lý".

Vì vậy, thị thực "du mục kỹ thuật số" đặc biệt có thời hạn 5 năm có thể giúp người du mục kỹ thuật số được miễn thuế nếu không có các nguồn thu nhập sở tại. Bộ trưởng Uno cho biết: "Chương trình thị thực "du mục kỹ thuật số" đặc biệt đã bước vào giai đoạn thảo luận cuối cùng và chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ và cơ quan liên quan".

Indonesia hiện đã loại bỏ hầu hết các hạn chế đi lại, cho phép những du khách đã tiêm phòng đầy đủ nhập cảnh mà không cần xét nghiệm hoặc kiểm dịch. Kết quả, lượng khách du lịch đến quốc gia này đã đạt 111.000 lượt người vào tháng 4/2022, con số cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra.

Trong năm 2022, Indonesia đặt mục tiêu đón 3,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế với hàng loạt sự kiện như các cuộc họp của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các giải thi đấu thể thao.

Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), lượng du khách nước ngoài đến thăm Indonesia trong tháng Tư đã tăng 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy lĩnh vực du lịch của quốc gia Đông Nam Á này đã bắt đầu phục hồi.

Tuy nhiên, hiện việc xin thị thực qua đường chính thống tại Indonesia còn phức tạp, buộc du khách nước ngoài phải lựa chọn các dịch vụ trung gian với giá đắt đỏ hơn. Vì vậy, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý Du lịch Indonesia (ASTINDO) Pauline Suharno kêu gọi chính phủ đảm bảo chương trình thị thực "du mục kỹ thuật số" đặc biệt được triển khai suôn sẻ.

Bà Pauline đánh giá: "Thị thực du mục kỹ thuật số là một ý tưởng hay do ngày càng có nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc từ bất cứ đâu. Chương trình này chắc chắn sẽ thúc đẩy du lịch và các ngành liên quan."

Nguồn: TTXVN