Đồng muối Quất Lâm nhộn nhịp trở lại
Mấy năm trước, những cánh đồng muối ở Quất Lâm (huyện Giao Thủy, Nam Định) bị bỏ hoang, nhưng đầu vụ năm nay, giá muối lên cao, diêm dân đã tấp nập canh tác trở lại.
Với diêm dân Quất Lâm, sản xuất muối chỉ tập trung vào từ tháng 4 -11 hàng năm vì thời gian này có thời lượng giờ nắng cao trong ngày. Quất Lâm hiện có 3 hợp tác xã sản xuất muối là Hòa Bình, Thống Nhất và Cồn Tàu, tổng diện tích trên 150ha, chiếm 40% tổng diện tích làm muối toàn huyện. Mấy năm trước, sản xuất muối gặp nhiều khó khăn do phụ thuộc vào thời tiết, giá muối thiếu ổn định và dịch COVID. Diện tích muối ở các hợp tác xã ngày một thu hẹp, đồng muối bị bỏ hoang hoặc chuyển sang nuôi trồng thủy sản.
Nhưng đến đầu năm 2022, giá muối hiện tại đồng ở Quất Lâm đạt 2.400đ/kg, cao hơn năm ngoái 1.200đ. Chính yếu tố được giá này khiến những vuông muối lâu nay bỏ hoang đã được diêm dân tái sản xuất lại. Ông Ông Phạm Văn Toản - Chủ nhiệm Hợp tác xã muối Cồn Tàu cho biết: "Mấy năm trước, muối rớt giá thảm hại, người dân càng sản xuất thì càng lỗ, nhiều diện tích canh tác muối bị bỏ hoang, người lao động địa phương bôn ba đi tứ xứ kiếm sống. Nhưng đến đầu mùa hè năm nay, diêm dân lại tập trung về để canh tác".
Tính đến tháng 8 này, toàn bộ 150 diện tích canh tác muối của Quất Lâm đã phủ kín một mầu trắng muối kết tủa. Anh Nguyễn Văn Cương, một diêm dân trên cánh đồng muối Cồn Tàu hồ hởi khoe: "Nếu trời nắng cứ kéo dài khoảng thêm 1 tháng nữa và giá muối vẫn ổn định như thời điểm này thì diêm dân chúng tôi sống khỏe. Như nhà tôi, canh tác khoảng 1,5ha, với ba lao động mỗi ngày cũng làm được khoảng 400kg muối, tương đương với gần 1 triệu đồng".
Được biết, để khuyến khích diêm dân duy trì phát triển sản xuất muối, hàng năm địa phương đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng và tu tạo cơ sở hạ tầng nghề muối. Gần đây nhất, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn tỉnh Nam Định, Cồn Tàu và các hợp tác xã muối của huyện Giao Thủy đã triển khai thí điểm mô hình chuyển vị trí chạt lọc trên diện tích 2ha (chạt lọc là lấy nước biển hòa tan muối kết tụ trong cát, thu được nước chạt, đưa nước chạt từ hệ thống đã được lắng lọc đổ lên ô kết tinh, tiếp tục phơi nắng đến khô nước, hạt muối kết tinh, diêm dân tiến hành nạo muối thu hoạch và bảo quản). Thực tế cho thấy, mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao so với chạt lọc ở sân phơi, tiết kiệm công lao động và thời gian vận chuyển cát. Đây là cơ sở để huyện Giao Thủy định hướng nhân rộng ra toàn huyện, từng bước thay thế phương thức sản xuất muối truyền thống, nâng cao hiệu quả kinh tế, tiết kiệm đầu tư cho diêm dân.
Ông Phạm Văn Toản - Chủ nhiệm Hợp tác xã muối Cồn Tàu cho biết thêm, sau khi đánh giá hiệu quả của dự án này, huyện Giao Thủy đã chủ trương trích ngân sách địa phương và huy động vốn hỗ trợ để khuyến khích diêm dân yên tâm đầu tư, duy trì ổn định nghề sản xuất. Đây chính là bước đi hữu hiệu để diêm dân nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google