Trên làng biển Đồng Châu

Trịnh Thông Thiện
12:36 - 08/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Biển Đồng Châu khi thủy triều bắt đầu rút, trên cánh đồng cát rộn rã tiếng cười. Một vụ mùa đích thực, những con ngao trắng, to đều dưới bàn tay con người dần lộ trên cát.

Ở Đồng Châu (thuộc xã Đông Minh, huyện Tiền Hải, Thái Bình) có cánh đồng và ngôi làng không xanh rì màu lúa, lũy tre mà nằm xâm xấp dưới nước biển. Thấp thoáng trên mặt nước lấp lánh, bàng bạc là các nhà chòi canh dựng trên cà kheo để nuôi ngao, tạo nên cảnh tượng vừa độc đáo vừa bình dị nơi vùng đất có lịch sử lấn biển lập làng.

Biển Đồng Châu khi thủy triều bắt đầu rút, trên cánh đồng cát rộn rã tiếng cười. Một vụ mùa đích thực, những con ngao trắng, to đều dưới bàn tay con người dần lộ trên cát.  Anh Nguyễn Văn Thành, ở xóm Đồng Châu cho biết: "Làng chúng tôi có tất cả 78 hộ dựng nhà trên biển. Mỗi "ngôi nhà" như thế này, dựng xong cũng mất từ 30- 50 triệu đồng tiền mua vật liệu, đó là còn chưa tính đến công sức bà con chòm xóm đến giúp".

Làng biển Đồng Châu chạy dọc vươn ra biển minh chứng cho con người Tiền Hải hôm nay vẫn tiếp bước cha anh, từ thời Nguyễn Công Trứ - người có công đưa dân đến khai phá, lấn biển phát triển thành huyện Tiền Hải từ Thế kỷ 18.

Ông Bùi Văn Sáng là một trong những cư dân đầu tiên dựng nhà chòi trên biển nuôi ngao cho biết: "Để nuôi ngao thành công phải nắm vững kỹ thuật, trước khi thả ngao giống phải vệ sinh bãi triều như dọn bỏ các vỏ nhuyễn thể, san phẳng bãi; con giống nên thả giống ngao lớn sẽ nhanh thu hoạch và đỡ bị thất thoát; bãi thả ngao có nền đất cát hoặc cát pha bùn, bãi nuôi phải bằng phẳng để thích hợp nhất cho ngao phát triển. Ngao sống hoàn toàn bằng nguồn thức ăn tự nhiên, chủ yếu là phù du, tảo biển".

Ông Bùi Duy Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Minh cho biết: Đông Minh có gần 500ha nuôi ngao, trong đó ngao thương phẩm chiếm 70%, ngao giống 30%. Để nuôi ngao phát triển theo hướng bền vững, chính quyền xã đã quy hoạch vùng nuôi ngao thương phẩm và ngao giống bảo đảm yêu cầu kỹ thuật đề ra. Chính quyền đã phối hợp với ngành chuyên môn tăng cường tập huấn, phổ biến kiến thức ương nuôi, chăm sóc con giống để người dân từng bước làm chủ khoa học kỹ thuật, cung cấp con giống chất lượng cho bà con trong vùng. Thường xuyên khuyến cáo các hộ nuôi tuân thủ các biện pháp kỹ thuật và quy trình nuôi, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh".

Trên làng biển Đồng Châu - Ảnh 1.

Người dân xã Đồng Minh dựng nhà lều trên vùng biển nhận thầu nuôi ngao khi thủy triều rút. Nhưng ngôi
nhà lều canh ngao này phải cao khoảng 5m để khi thủy triều dâng lên không bị ngập.

Trên làng biển Đồng Châu - Ảnh 2.

Mỗi vuông ngao được các hộ dân Đồng Châu đánh dấu bằng cách dựng các hàng rào cọc.

Trên làng biển Đồng Châu - Ảnh 3.

Vụ thu hoạch ngao trên biển Đồng Châu.

Trên làng biển Đồng Châu - Ảnh 4.

Mỗi vuông ngao ở Đồng Châu có diện tích từ 2 – 5 ha, đến mùa thu hoạch
phải huy động hàng trăm nhân công.

Trên làng biển Đồng Châu - Ảnh 5.

Một số ngư dân cào ngao với dụng cụ đơn giản là chiếc bồ cào bằng sắt, cào dọc bãi ngao khi gặp vật cản hoặc nghe thấy tiếng kêu có nghĩa là đã chạm vào con ngao.

Trên làng biển Đồng Châu - Ảnh 6.

Để kịp bàn giao ngao cho thương lái, mỗi chủ vuông ngao phải thuê nhân công, đa số là phụ nữ,
với giá 300 nghìn đồng/ngày.

Trên làng biển Đồng Châu - Ảnh 7.

Người cào ngao ở Đồng Châu thường chọn thời điểm khi thủy triều xuống để bắt đầu công việc,
thường từ sáng sớm hoặc xẩm chiều. Lúc này nắng không gay gắt và thời tiết nhìn chung mát mẻ.

Trên làng biển Đồng Châu - Ảnh 8.

Chị Nguyễn Thị Lan - một chủ vuông ngao ở xã Đông Minh cho biết: "Mỗi mùa ngao đầu tư giống,
công sức phải mất 500 triệu đồng. Cuối mùa thu hoạch cũng được gấp đôi".

Trên làng biển Đồng Châu - Ảnh 9.

Khi thu hoạch, gặp những chú ngao nhỏ, người dân Đồng Châu giữ lại để nuôi trồng vụ mới.

Trên làng biển Đồng Châu - Ảnh 10.

Cánh đồng ngao Đồng Châu vào vụ thu hoạch.

Trên làng biển Đồng Châu - Ảnh 11.

Khi thủy triều dâng, làng biển Đông Châu chỉ nhô lên những nhà lều và phương tiện đi lại
trong "làng" chủ yếu bằng thuyền.

Hiện nay, làng ngao Đồng Châu chú trọng nuôi ngao thương phẩm, xuất bán hàng nghìn tấn ngao cho Công ty TNHH Nghêu Thái Bình để chế biến sản phẩm ngao đông lạnh xuất khẩu sang các nước: Bỉ, Italia, Tây Ban Nha. Năm 2021, nghề nuôi ngao mang lại lợi nhuận cho người dân Đông Minh trên 100 tỷ đồng.

Ngao Đồng Châu được thị trường trong Nam ngoài Bắc ưu chuộng, giá bán cho thương lái tại nơi thu hoạch là từ 12 – 30 nghìn/kg tùy loại ngao lớn bé.