Dòng họ học tập với chức năng thúc đẩy phong trào học tập

GS.TS Phạm Tất Dong
14:47 - 01/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Mô hình "Dòng họ học tập" sẽ là giúp Việt Nam trở thành một quốc gia học tập và hội nhập sâu hơn vào xu thế phát triển xã hội học tập trên thế giới.

Trong giai đoạn 2012-2020, nhân dân ta đã đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong từng gia đình và từng dòng họ theo Quyết định 281/QĐ-TTg. Theo báo cáo tổng kết việc triển khai Quyết định này, cả nước đã có 16.635.366 gia đình đạt danh hiệu "Gia đình học tập", 84.785 chi tộc đạt danh hiệu "Dòng họ học tập". Tính theo tỷ lệ thì số gia đình học tập chiếm 72,11% tổng số gia đình trong cả nước, còn số dòng họ học tập chiếm 66,51% tổng số các chi tộc.

Dòng họ học tập với chức năng thúc đẩy phong trào học tập - Ảnh 1.

Dòng họ Đỗ ở khu Phú Thanh Tây (Uông Bí, Quảng Ninh) lưu giữ hình ảnh về truyền thống hiếu học của dòng họ. Ảnh: Yến Vi

Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 387/QĐ-TTg (25/3/2022), phê duyệt Chương trình "Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị giai đoạn 2021-2030". Việc xây dựng các mô hình học tập trong Quyết định này được đặt trước những yêu cầu cao về chất lượng, tác dụng và điều kiện so với giai đoạn 2012-2020. Đề ra yêu cầu cao hơn là do trong giai đoạn 2021-2030, việc triển khai Quyết định 387/QĐ-TTg phải theo hướng tiếp cận với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hơn nữa, lại phải đặt các mô hình học tập vào trong môi trường kỹ thuật số mà Chương trình chuyển đổi số quốc gia quy định.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước, trước những sự kiện lớn, liên quan đến vận mệnh quốc gia, ông cha ta luôn đặt hi vọng vào việc ủng hộ, đồng lòng của các dòng họ và các gia đình thành viên trong dòng họ. Sự đoàn kết và đồng thuận của "bách tính" và "muôn nhà" là yếu tố quyết định mọi thắng lợi, bảo đảm quốc gia bền vững, dân tộc trường tồn.

Kế thừa kinh nghiệm các thế hệ đi trước, ngày nay, để có được một cuộc vận động học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, chúng ta phải tính đến và đề cao vai trò của dòng họ. Từ đó, huy động được sức mạnh của mọi gia đình. Bởi lẽ, sự đồng lòng của dòng họ tất sẽ cuốn hút các gia đình, bao gồm những con cháu của dòng họ thành một lực lượng để thực hiện một sự nghiệp cụ thể.

Trong bối cảnh này, sự nghiệp đó là xây dựng xã hội học tập.

Ý nghĩa lớn của việc huy động sức mạnh của bách tính

Cụm từ "bách tính" (trăm họ) dùng để chỉ một tập hợp đông đảo người, đại diện cho toàn quốc. 

Trong cuộc sống, mỗi người dân đều mang một họ. Không có ai ra đời lại không có gốc gác của mình. Những người vì lý do gì đó không hiểu được mình ở dòng họ nào thì đều phải lấy một dòng họ khác để thay thế. Toàn dân đều có họ và tên. Vì thế, nói toàn dân mà dùng một từ khái quát "bách tính - trăm họ" để biểu thị là một cách nói hay, đầy đủ ý nghĩa.

Hội nghị Diên Hồng năm 1284 tại Kinh thành Thăng Long do Thượng hoàng Trần Thánh Tông tập hợp là một sự kiện lịch sử vĩ đại. Tham dự Hội nghị là các vị bô lão mà nhiều nhà viết sử gọi là "Hội nghị bách tính", đại diện cho toàn dân trong nước. Các vị bô lão tập trung ở trước thềm điện Diên Hồng để nhà vua trưng cầu ý kiến nhân dân đối phó với việc 50 vạn quân Nguyên Mông sắp tràn từ phía Bắc xuống, kết hợp với 10 vạn quân của Toa Đô từ phía Nam lên. Kết quả là bách tính đã quyết định "Đánh" chứ không "Hoà".

Đại hội quốc dân được Đảng Cộng sản Đông Dương tổ chức tại Tân Trào (Tuyên Quang) vào ngày 16/8/1945 cũng có tính chất giống như Hội nghị Diên Hồng. Đại hội đã thảo luận 2 vấn đề lớn: Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban dân tộc giải phóng. Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Chủ tịch là ông Trần Huy Liệu. Đại hội đã thông qua "10 chính sách của Việt Minh" trước đại biểu nhiều tầng lớp nhân dân dự Đại hội. 

Qua hai sự kiện quan trọng trên, chúng ta đều thấy rằng, vai trò của nhân dân (được thể hiện ở những người đại diện mà ta hiểu là người thay mặt dòng họ) đối với việc bảo vệ quốc gia là không thể thay thế.

Dòng họ học tập với chức năng thúc đẩy phong trào học tập - Ảnh 3.

Dòng họ hiếu học đóng góp vai trò xây dựng xã hội học tập. Ảnh: Lê Dũng

Sự nghiệp xây dựng xã hội học tập và sự đóng góp của các dòng họ

Tham gia các cuộc vận động cách mạng là nhiệm vụ không của riêng ai. Sự hy sinh xương máu cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc cũng ghi nhận không có dân tộc nào, dòng họ nào không góp phần. 

Ngày nay, trước chủ trương xây dựng và phát triển xã hội học tập, thực hiện toàn dân học tập suốt đời, nhân dân trên mọi địa bàn dân cư đều tham gia xây dựng mô hình gia đình học tập và dòng họ học tập, và từ hai mô hình cơ bản này sẽ hình thành các mô hình cộng đồng học tập và đơn vị học tập trên địa bàn hành chính xã/phường/thị trấn.

Tính đến tháng 12/2022, dân số Việt Nam đã đạt 99.270.628 người, bao gồm 54 dân tộc, trong đó dân tộc Kinh chiếm 86,20% dân số (85.571.257 người). 53 dân tộc còn lại chiếm 14,70% dân số (13.699.347 người).

Theo số liệu điều tra mới nhất, 54 dân tộc ở Việt Nam bao gồm 1023 dòng họ, trong đó dân tộc Kinh có 165 dòng họ, dân tộc thiểu số gồm 859 dòng họ.

Trong 165 dòng họ dân tộc Kinh, đông nhất là họ Nguyễn, chiếm 31,5%. Xếp theo tỷ lệ giảm dần, dòng họ Trần: 10,9%; họ Lê: 8,9%; họ Phạm: 5,9%... Họ có tỉ lệ người thấp là họ Cù: 0,021%.

Trong 859 dòng họ của 53 dân tộc thiểu số, đông nhất là dân tộc Tày (1.845.492 người); Thái (1.820.950 người); Mường (1.452.095 người); H'Mông (1.393.547 người); Khmer (1.319.652 người); Nùng (1.083.298 người)... Ít người nhất là dân tộc Pu Péo (903 người): Rơ Măm ( 639 người); Brâu (525 người). Ơ Đu (428 người) và Rục (414 người).

Dòng họ học tập với chức năng thúc đẩy phong trào học tập - Ảnh 4.

Ông Đinh Liễn (dân tộc Bru - Vân Kiều) tại Quảng Bình và các con cháu trong dòng họ. Ảnh: Nguyễn Thành Phú

Với gần 85.000 chi tộc đạt danh hiệu "Dòng họ học tập" năm 2020 và hàng chục nghìn chi tộc đang cố gắng đạt chỉ tiêu quy định về Dòng họ học tập, có thể nói đây là một lực lượng hùng hậu xây dựng xã hội học tập.

Nhìn lại kết quả xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2014 - 2020 theo Quyết định 281/QĐ-TTg, chúng ta thấy các dòng họ đã có những đóng góp đáng kể:

1. Hầu hết các dòng họ đều quan tâm giáo dục truyền thống tốt đẹp cho con cháu như truyền thống hiếu học, truyền thống khoa bảng, truyền thống nghề nghiệp, truyền thống cách mạng... để thúc đẩy, động viên các gia đình, đặc biệt là các con cháu đang là học sinh, sinh viên học chăm, học giỏi, học để có nghề và thành đạt trong nghề.

Năm học 2022-2023, trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Hà Nội có 142 học sinh trung học phổ thông đạt giải. Số học sinh tương ứng ở Nghệ An là 87, Vĩnh Phúc là 79, Hải Phòng: 76, Đại học Quốc gia Hà Nội: 84... Tổng cộng trong cả nước có 2.238. Kết quả này không chỉ là do thầy, cô dạy giỏi, nhà trường chăm lo, mà nguyên nhân chính là sự đầu tư công sức và sự giáo dục thường ngày của các gia đình cùng sự động viên của các dòng họ.

Một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử phát triển xã hội ở nước ta là sự xuất hiện những học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu của các dòng họ thuộc dân tộc thiểu số.

Kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia năm 2020 có hơn 2000 em đạt giải, trong đó có 142 em người dân tộc thiểu số. Đặc biệt hơn nữa, có 4 em thuộc các dân tộc mà số người của mỗi dân tộc chưa đến 1000 người.

Học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số vượt khó, học giỏi như:

Dương Niê Quốc Phong, dân tộc Ê Đê (Đăk Lăk), học sinh giải nhì Quốc gia môn Lịch sử.

Hồ Thị Nữ, dân tộc Tà Ôi (Quảng Trị), sinh viên tiêu biểu Đại học Sư phạm, Hà Nội.

Trương Hồng Hà, dân tộc Pu Péo (Tuyên Quang), sinh viên xuất sắc Đại học Tân Trào.

Lò Thị Quỳnh Trang, dân tộc Kháng, sinh viên xuất sắc Đại học Tây Bắc.

Triệu Thị Thinh, dân tộc Dao, nữ quân nhân Binh đoàn đặc công, sinh viên xuất sắc.

Những con số này cho thấy, rồi đây, các gia đình và các dòng họ chắc chắn sẽ làm tốt việc giúp con em trở thành công dân học tập giai đoạn 2021-2030.

2. Dòng họ là kết quả liên kết của những người cùng huyết thống. Đây là hình thức tập hợp có từ rất sớm trong lịch sử. Tập hợp đó thường tạo nên những khu vực cư trú như các bản làng hoặc các nhóm buôn bán, sản xuất như các phường hội.

Từ xa xưa, sự cố kết có tính huyết thống đã tạo ra những bản làng của một dòng họ mà ngày nay ta còn thấy những cái tên như thôn Trần, làng Nguyễn. Sau này, nhiều người khác đến ngụ cư làm cho những cộng đồng dân cư ban đầu chỉ gồm một họ thì nay có nhiều họ chung sống.

Mặt khác, nhiều người rời bỏ quê hương đi làm ăn tại các địa phương trong nước. Họ không cùng gốc huyết thống, nhưng cùng mang chung một họ nên dễ tạo nên sự liên kết, chặt chẽ dần theo thời gian. Ở đô thị, trong một tổ dân phố, nhiều người mang chung một họ đã gắn bó và đăng ký là một dòng họ.

Hiện nay, trong giai đoạn đổi mới, những dòng họ học tập đã góp phần quan trọng vào việc xây dựng cộng đồng học tập cấp xã. Mỗi thôn bản, tổ dân phố thực chất là một tập hợp các cộng đồng huyết thống mà ta gọi là dòng họ. Thực ra, đó là những chi, những ngành của một dòng họ cụ thể. Những cộng đồng huyết thống này đạt danh hiệu "Dòng họ học tập" càng nhiều thì số gia đình học tập đương nhiên cũng càng nhiều. 

Theo tiêu chí đánh giá công nhận danh hiệu "Cộng đồng học tập", thôn bản hay tổ dân phố phải có 70% số gia đình trở thành gia đình học tập. Muốn có nhiều gia đình học tập như thế, việc vận động các dòng họ phấn đấu đạt chuẩn "Dòng họ học tập" càng nhiều thì số lượng các gia đình học tập càng lớn. Từ đó, tỉ lệ 70% gia đình trong một thôn bản, tổ dân phố sẽ không khó để đạt được.

3. Trên thực tế, dòng họ bao giờ cũng đóng vai trò tập hợp và quản lý các gia đình thành viên thực hiện những quy ước của dòng họ như giữ gìn truyền thống tốt đẹp lâu đời, phát huy văn hóa dòng họ, giáo dục con em thực hiện gia phong, gia giáo... 

Trưởng họ có một vai trò không nhỏ trong gắn kết các gia đình thành viên. Nhà thờ họ trong thôn bản, tổ dân phố là nơi sinh hoạt của dòng họ. Về thực chất, dòng họ ở Việt Nam từ trước đến nay vẫn là một môi trường giáo dục của những gia đình với tư cách là cộng đồng huyết thống.

4. Mỗi dòng họ đều có văn hóa như một tổng thể văn hóa cá nhân và văn hóa gia đình cùng một tổ tiên. Văn hóa dòng họ tạo nên thanh danh cho từng dòng họ. Văn hóa dòng họ là một mắt xích trong văn hóa làng xã. Như trên đã nói, từ xa xưa, thường thì mỗi thôn, bản chỉ là tập hợp của những người trong một dòng họ, nhưng những di biến động trong dân cư đã phá vỡ mô hình này. 

Cuộc sống cộng cư chỉ có thể tốt lên khi văn hóa của các dòng họ chung sống được dung hòa, tạo nên những mắt xích văn hóa đa dạng, thống nhất mà không bài xích nhau, trở thành văn hóa làng xã. Văn hóa dòng họ và văn hóa làng xã khăng khít, tạo nên quan hệ "trong họ, ngoài làng". Nhìn vào từng dòng họ chung sống, người ta thấy thanh danh của riêng từng dòng họ, nhìn vào làng xã, người ta thấy diện mạo của từng thôn làng hay tổ dân phố.

Hiện nay, những dòng họ học tập trong cùng một địa bàn dân cư đều bộc lộ đặc điểm này, và để việc xây dựng xã hội học tập từ cơ sở luôn phát triển bền vững. Hội khuyến học các cấp phải giữ gìn mối quan hệ gắn bó giữa các dòng họ trên một địa bàn dân cư, sao cho những mắt xích văn hóa giữa các dòng họ không bị đứt gãy.

Dòng họ học tập với chức năng thúc đẩy phong trào học tập - Ảnh 7.

Gia đình ông Lý Văn Thành, xã Bình Sơn (thành phố Sông Công, Thái Nguyên) ôn lại truyền thống hiếu học của dòng họ Lý. Ảnh: Cổng TTĐT Thái Nguyên

Những yêu cầu mới đặt ra đối với việc xây dựng các Dòng họ học tập giai đoạn 2021-2030

Quyết định 1373/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành đã yêu cầu các Dòng họ học tập giai đoạn 2021-2030 phải tự nâng cao chất lượng. Điều này có nghĩa là, những tiêu chí về dòng họ học tập theo Quyết định 281/QĐ-TTg sẽ không còn hiệu lực trong giai đoạn 2021-2030. Để xác định chất lượng mới này như thế nào, việc xây dựng những tiêu chí đánh giá công nhận danh hiệu "Dòng họ học tập" nhất thiết phải tiếp cận với những sự kiện sau đây:

Nền sản xuất hiện đại sẽ được trang bị những công nghệ cao như Trí tuệ nhân tạo, Robot 3D, Internet kết nối vạn vật và nhiều thiết bị thông minh. Để làm việc trong điều kiện này, việc cập nhật những tri thức mới và rèn luyện những kỹ năng mới là vô cùng cần thiết. Người lao động phải học tập kịp thời để đáp ứng nhanh chóng và tức thì những thay đổi về kỹ thuật. Nhiều nghề cũ sẽ được thay thế bằng nhiều nghề mới, nhiều việc làm sẽ buộc người lao động phải nhanh chóng nâng cao hơn nữa những kỹ năng đã có (Upskills) hoặc thay đổi kỹ năng (Reskills), nếu không sẽ bị loại ra khỏi hệ thống sản xuất.

Học tập ở nhà, ở nơi làm việc, ở các khóa huấn luyện, học mọi lúc mọi nơi là phương thức học tập bắt buộc phải thích nghi.

Ngoài việc xóa sự dốt nát về kỹ năng lao động, phải nhanh chóng xóa mù công nghệ thông tin, mù ngoại ngữ, mù những kỹ năng mềm và kỹ năng sống. Xóa mù những kỹ năng này là yêu cầu bắt buộc với người lao động. Ai không học thêm (kể cả những người có trình độ đại học và sau đại học), từ chối học thêm, thoái thác việc học lại đều không thể coi là công dân trong xã hội học tập.

Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (Industry 4.0) đã mở ra kỷ nguyên mới là kỷ nguyên số. Trong kỷ nguyên số, máy móc xử lý thông tin và các dữ liệu nhanh và chính xác hơn bộ não con người. Rất nhiều công việc trước đây do con người làm thì nay giao cho trí tuệ nhân tạo. Con người phải định vị lại mình là ai trong kỷ nguyên số. Xu thế mới sẽ kết nối con người với con người bằng công nghệ số trong giây lát.

Kỷ nguyên số làm xuất hiện những dạng thức mới trong đời sống xã hội đương đại như đời sống số, tri thức số, văn hóa số, chính phủ số, kinh tế số, thương mại số, luật lệ số, sức khỏe số... mà quan trọng hơn cả là những công dân số. Tất cả những cái mới đó sẽ tạo nên những đặc trưng mới trong lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất xã hội.

Dòng họ học tập với chức năng thúc đẩy phong trào học tập - Ảnh 8.

Dòng họ hiếu học - Họ Phạm Yên Sơn, Tuyên Quang. Ảnh: Cổng TTĐT Yên Sơn

Dòng họ học tập theo yêu cầu của Quyết định 387/QĐ-TTg phải làm tốt những việc sau đây:

1. Dòng họ học tập coi việc xây dựng mô hình công dân học tập có những năng lực và kỹ năng số là nhiệm vụ trọng tâm. Một mặt, Dòng họ phải thúc đẩy các gia đình thành viên tạo những điều kiện thuận lợi nhất để con em trở thành công dân học tập có đủ những phẩm chất và kỹ năng số, sống và làm việc có hiệu quả trong xã hội số và nền kinh tế số, mặt khác, Dòng họ cần kịp thời tuyên dương, khích lệ, khen thưởng bất cứ thành viên nào thuộc dòng họ đạt danh hiệu "Công dân học tập".

2. Dòng họ thúc đẩy các gia đình thành viên đạt danh hiệu "Gia đình học tập". Đối với những gia đình gặp khó khăn về học tập, Dòng họ có trách nhiệm hỗ trợ cho họ không bị rớt lại trong thi đua xây dựng các gia đình học tập, động viên các gia đình đã đạt danh hiệu "Gia đình học tập" hỗ trợ các gia đình chưa đạt, sao cho tỷ lệ gia đình học tập trong dòng họ phải đạt hoặc vượt tỷ lệ phần trăm về gia đình học tập trong một dòng họ do Nhà nước quy định.

3. Tất cả các Dòng họ học tập trong thôn bản, tổ dân phố phải gắn kết chặt chẽ với nhau để tạo nên một cộng đồng dân cư thôn bản, tổ dân phố đạt danh hiệu "Cộng đồng học tập", tạo thành một khối dân cư đoàn kết, đồng thuận trong việc thực hiện mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

4. Hình thành và phát triển văn hóa học tập của Dòng họ là một nhiệm vụ lớn. Theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, cũng như theo yêu cầu của UNESCO với các quốc gia tham gia mạng lưới Thành phố học tập toàn cầu, văn hóa học tập được coi là một trong các tiêu chí đánh giá các mô hình học tập. Tất nhiên, văn hóa học tập của mỗi dòng họ đều có những nét riêng, tùy thuộc vào những truyền thống của dòng họ. Trên nền tảng ấy, Dòng họ xác định những giá trị vốn có để xây dựng nên văn hóa học tập theo yêu cầu học tập suốt đời.

5. Trên địa bàn hành chính cấp xã, dòng họ có mối liên hệ tương hỗ với cộng đồng dân cư và các tổ chức mà ta gọi là các đơn vị (cơ quan, trường họ, trạm xá, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp... do chính quyền cấp xã quản lý). Mối quan hệ mang tính huyết thống (dòng họ - gia đình) cũng như mối quan hệ giữa cộng đồng huyết thống với cộng đồng dân cư và cộng đồng hành chính - sự nghiệp (dòng họ - thôn bản/tổ dân phố; dòng họ - thôn bản/tổ dân phố; dòng họ - cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp...) đều cần được xác định rõ ràng và được quản lý chặt chẽ. Khi đó, các dòng họ mới phát huy đầy đủ chức năng của mình.

Một số giải pháp phát huy vai trò của Dòng họ học tập trong sự nghiệp xây dựng xã hội học tập

1. Ở Việt Nam, dòng họ có một sức mạnh đặc biệt trong phát triển cộng đồng. Các quốc gia trên thế giới không lấy dòng họ như một điều kiện và như một động lực để xây dựng xã hội học tập. Còn ở nước ta, tiếng nói của dòng họ lại có trọng lượng đặc biệt đối với các gia đình trong dòng họ. Cấp ủy và chính quyền địa phương cần tận dụng tác động lớn lao của dòng họ đến việc xây dựng mô hình công dân học tập và gia đình học tập. Để làm được việc này, Đảng bộ và chính quyền cấp xã cần giúp những trưởng họ thấy được mục tiêu và kế hoạch xây dựng các mô hình học tập để từ đó, dòng họ thúc đẩy các gia đình thành viên của mình làm đúng và vượt mức yêu cầu do lãnh đạo cấp xã đề ra.

2. Cấu trúc nội tại của cộng đồng dân cư thôn bản, tổ dân phố đến các cấp hành chính cao hơn là tập hợp những dòng họ. Xây dựng xã hội học tập có mục tiêu gắn kết cộng đồng, có nghĩa là phải gắn kết các dòng họ. Lãnh đạo Đảng và chính quyền cần có biện pháp gắn kết các dòng họ, làm cho các trưởng họ gắn kết với nhau để rồi toàn bộ các gia đình kết nối thành một sức mạnh. Đảng và Nhà nước đề cao tinh thần đoàn kết toàn dân, UNESCO kêu gọi học để kết nối cộng đồng. Thực hiện điều này, cần phải tính đến vai trò dòng họ.

3. Lâu nay, việc xây dựng xã hội học tập đã được Hội Khuyến học Việt Nam chú ý đến các dòng họ ở cộng đồng cấp xã/phường/thị trấn. Thực chất, những tập hợp người chung huyết thống ấy chỉ là những chi, những nhánh trong cây phả hệ của một dòng họ. Hầu như, những ban liên lạc dòng họ trong cả nước không có thông tin gì về những chi, những nhánh của dòng họ đã đạt danh hiệu "Dòng họ học tập".

4. Nhiệm vụ trọng tâm của Hội khuyến học Việt Nam trong thập niên 2021-2030 là phải tập trung hoàn thành vượt mức những chỉ số phát triển các mô hình học tập theo Quyết định 387/QĐ-TTg và 677/QĐ-TTg, đặc biệt là phải có được mô hình công dân học tập, gia đình học tập và đơn vị học tập chất lượng cao. Nhiệm vụ này sẽ góp phần hoàn thành thắng lợi chương trình xây dựng các mô hình cộng đồng học tập các cấp xã, huyện và tỉnh (xã học tập, huyện học tập, tỉnh học tập) và tạo điều kiện để gia tăng số lượng các khu đô thị tham gia mạng lưới thành phố học tập toàn cầu do UNESCO điều hành.