Dòng họ học tập - từ truyền thống đến hiện đại

GS.TS Phạm Tất Dong
17:30 - 01/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Dòng họ ở Việt Nam hiện vẫn tồn tại như một thiết chế có tổ chức chặt chẽ, có sự giao lưu, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các gia đình. Dựa vào dòng họ để có sức mạnh phát triển và tồn tại bền vững là hướng đi đúng ở mỗi người.

Dòng họ là một cộng đồng huyết thống, bao gồm nhiều gia đình trong cùng một cây phả hệ. Nhiều dòng họ hợp lại thành cộng đồng dân tộc. Nói đến nhân dân trong cả nước với nhiều dân tộc cùng chung sống, người xưa thường dùng thuật ngữ bách tính (trăm họ), nghĩa cơ bản cũng là nhiều họ hợp thành. Hội nghị Diên Hồng đời Trần là hội nghị "bách tính", tức là hội nghị của những người đại diện cho các tầng lớp nhân dân đến bàn việc nước.

Ngày nay, chúng ta không dùng thuật ngữ "bách tính" để chỉ về cộng đồng đông đảo những người dân trong một nước.

Trả lời câu hỏi: "Người Việt Nam chúng ta hiện nay có bao nhiêu họ?", PGS.TS Lê Trung Hoa trả lời:

"Trong cuốn Họ và Tên người Việt Nam (Nhà Xuất bản Khoa học xã hội – 1992) thì tổng số họ của người Việt Nam hiện là 1023 họ. Trong lần in đầu năm 2005 (tái bản lần 3), người đọc thống kê được số họ là 1020, trong đó số họ của người Kinh là 165".

Khi lập Gia phả, người ta vẽ cây phả hệ, từ thân cây phân chia thành nhiều cành, mỗi cành lại chia thành nhiều nhánh. Mỗi nhánh lại tiếp tục được chia thành chi nhánh. Chi nhánh có nhiều nhóm (hay còn gọi là dài).

Trong phong trào thi đua xây dựng các Dòng họ học tập, về thực chất, đơn vị của dòng họ đăng ký thi đua thường là một chi nhánh (chi), và nếu đơn vị ấy đạt được các tiêu chí thì được phong danh hiệu "Dòng họ học tập". Vì thế, chúng ta không lấy làm ngạc nhiên là có năm, nhân dân bầu chọn hàng chục nghìn "Dòng họ học tập", trong khi số lượng Họ chỉ là hơn 1000.

Dòng họ học tập - từ truyền thống đến hiện đại  - Ảnh 2.

Họ Dương - Dòng họ học tập tổ chức ngày hội văn hóa mùa xuân họ Dương năm 2023. Ảnh: Họ Dương VN

Dòng họ Ngô Thì hiếu học vang danh trong lịch sử 

Trong nhân dân, đời nào cũng có những dòng họ hiếu học, dòng họ khoa bảng, đóng góp vô giá cho sự phát triển của cộng đồng, dân tộc và đất nước. Lịch sử nước nhà còn lưu danh dòng họ Ngô Thì với những con người tài ba và uyên bác. Dòng họ này nổi danh ở thế kỷ 18 như một dòng tộc của những con người "khổng lồ" về tính cách và năng lực siêu việt của họ. Viễn tổ của dòng họ Ngô Thì vốn là những người bình thường. Bắt đầu từ Ngô Thì Ức (1709 – 1796), rồi đến Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780) và tiếp đến là Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803). Những vị này đã để lại cho đời một tập hợp các bộ sách đồ sộ của một dòng tộc mà tư tưởng nghệ thuật trong đó đã hình thành nên một Ngô gia văn phái nổi tiếng trên đời.

Ngô Thì Ức hiệu là Tuyết Trai cư sĩ, là danh sĩ đời Lê trung hưng (người làng Tả Thanh Oai, Thanh Oai, Hà Nội). Ngô Thì Ức học giỏi, đàn giỏi, lại có nghề thuốc. Ông là cha của Ngô Thì Sĩ và là ông nội của Ngô Thì Nhậm.

Ngô Thì Ức để lại đời cho 2 tập thơ lớn:

- Tập Nam trình liên vịnh tập, gồm 30 bài thơ.

- Tập Tuyết trai thi tập, gồm 161 bài thơ.

Theo Phan Huy Chú thì Ngô Thì Ức còn có tác phẩm An Nam nhất thống chí.

Ngô Thì Sĩ là nhà văn hóa, nhưng cũng là nhà giáo. Ông để lại cho đời những tác phẩm lớn như:

- Về Sử: các bộ sách Việt sử tiêu án. Đại Việt sử ký, tiền biên và một phần của bộ Đại Việt sử ký tục biên.

- Về Chính sự: các tập Khoa sớ tập biên, Sách Chế khải tập, Bản chướng hoành mô.

- Về Văn học: có các tập Anh ngôn thi tập, Anh ngôn phú tập, Quan lan sao tập, Ngô Phong văn tập, Khuê Ai lục.

Ngô Thì Nhậm: Đỗ tiến sĩ năm 1775, làm quan tại triều Lê – Trịnh. Khi triều Lê – Trịnh suy tàn, ông về ở ẩn, viết sách Xuân thu quản kiến. Sau này, khi nhà Lê sụp đổ hoàn toàn, Ngô Thì Nhậm được Nguyễn Huệ tin dùng. Ông có công lớn trong việc giúp Nguyễn Huệ phá tan 29 vạn quân Thanh. Sau chiến thắng Đống Đa, Ngô Thì Nhậm được giao nhiệm vụ ngoại giao với nhà Thanh rồi làm Thượng thư bộ lại, sau đó làm Tổng tài Quốc sử quận.

Dòng tộc thành đạt nhiều vô số kể 

Nói đến các dòng tộc thành đạt, cũng cần kể tới dòng họ Lê Hữu Danh (1642 - ...). Ông là danh sĩ đời Lê Hy Tông, người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, Hải Dương. Năm 1670, ông đỗ Hoàng Giáp, làm quan đến Hiến sát sứ, được phong tước Bá Uyên.

Lê Hữu Danh có 10 người con đều học giỏi, đỗ đạt, tạo nên một gia đình khoa bảng. Trong số con đẻ, Lê Hữu Kiều làm đến chức Tể tướng. Cháu nội của ông là Lê Hữu Trác, lang y, được coi là ông tổ của ngành y học cổ truyền với danh hiệu "Hải Thượng Lãn Ông". Con rể là Lê Quý Đôn, một nhà bác học lớn của Việt Nam thời phong kiến.

Những dòng họ khoa bảng ở nước ta kể ra không hết, như dòng họ của Nguyễn Dương Hiền, đỗ tiến sĩ năm 1475 (các em đều đỗ tiến sĩ); Chử Phong, đỗ tiến sĩ năm 1476 (con trai và cháu trai cũng là tiến sĩ); Nguyễn Huy Mãn, đỗ tiến sĩ năm 1721 (Anh, em và cháu có 4 người cũng đỗ tiến sĩ) v.v... Hàng nghìn chi tộc trong các dòng họ ngày xưa đã hướng tới sự thành đạt của mình chủ yếu theo con đường khoa bảng, đã tạo nên những giá trị văn hóa, mang lại cho dân tộc một bản sắc rất riêng, mà nhờ đó dân tộc ta trải qua bao sóng gió vẫn trở thành chính mình.

Những dòng họ khoa bảng ngày xưa được hình thành từ những gia đình khoa bảng nhờ tinh thần hiếu học được nuôi dưỡng trong từng gia đình. Sự hình thành những dòng họ khoa bảng hoàn toàn là công việc riêng của các gia đình thành viên.

Những người thành đạt trên con đường khoa bảng ngày trước phần lớn là những người đi học để thi ra làm quan. Cũng có người đỗ đạt, được triều đình mời ra giúp việc nước, nhưng vì lý do nào đó họ không nhận lời, mà về nhà kiếm kế sinh nhai. Hầu như các vị không nhận lời ra làm quan cũng như các vị ra làm quan rồi "từ quan" thường về dạy học hoặc làm nghề thầy thuốc.

Dòng họ học tập - từ truyền thống đến hiện đại  - Ảnh 3.

Các dòng họ học tập ngày nay coi trọng việc khích lệ, động viên trao học bổng để thế hệ trẻ trong họ theo đuổi sự học. Ảnh: Họ Dương VN

Dòng học học tập ngày nay kế thừa sự hiếu học 

Dòng họ học tập ngày nay được phát triển qua phong trào khuyến học, tức là qua cuộc vận động toàn dân học tập suốt đời theo chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng xã hội học tập. Trên cơ sở phát huy truyền thống hiếu học của các dòng họ, chương trình hoạt động khuyến học hướng các dòng họ thúc đẩy các gia đình thành viên của mình học tập thường xuyên theo yêu cầu cụ thể do Nhà nước quy định trong từng giai đoạn để có năng lực phát triển sản xuất, nâng cao tay nghề, cải thiện đời sống văn hóa nhằm bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội.

Trên bình diện xây dựng xã hội học tập, dòng họ thể hiện tính trội trong tác dụng thúc đẩy cá nhân và gia đình thành viên của mình ở những địa bàn dân cư mà dòng họ vẫn đang là một cộng đồng huyết thống được tổ chức chặt chẽ. Sự vận động nhân dân học tập thường xuyên tại những nơi đó rất cần đến sự tác động tích cực của dòng họ. 

Tuy nhiên, ở những nơi mà người trong cùng một dòng họ không sống gần gũi, thiếu sự liên hệ, hỗ trợ, tương tác thường xuyên, thì ý thức về dòng họ, nhất là ý thức về những truyền thống tốt đẹp mà mỗi gia đình riêng lẻ vẫn lưu giữ như những giá trị tốt đẹp như là động lực để gia đình tham gia vào cuộc vận động học tập suốt đời được tốt hơn. Điều này thể hiện ở một số đô thị với những tổ dân phố có nhiều gia đình mang họ khác nhau. 

Có những gia đình hạt nhân, chỉ có cha mẹ và một con nhỏ họ vẫn giữ được nề nếp sinh hoạt của dòng họ. Việc thờ cùng tổ tiên, việc tham gia ngày giỗ tổ... họ vẫn thực hiện. Chính vì thế, công tác khuyến học đối với những gia đình riêng lẻ này cần giúp họ duy trì văn hóa dòng họ để từ đó họ thể hiện trong việc thực hiện học tập suốt đời.

Lưu ý đối với việc vận động xây dựng Dòng họ học tập

Trước hết, cần phải đặt dòng họ vào chuỗi liên kết quan hệ "Công dân học tập – gia đình học tập – Dòng họ học tập – cộng đồng học tập – đơn vị học tập".

Trong chuỗi các quan hệ này, Dòng họ học tập là một thiết chế gắn kết cá nhân và gia đình cùng huyết thống để động viên, thúc đẩy, giáo dục các thành viên của mình phát huy các truyền thống tốt đẹp trên nền tảng học tập. Những truyền thống đó trong các dòng họ là khác nhau như truyền thống nghề nghiệp, truyền thống khoa bảng, truyền thống cách mạng, truyền thống hiếu học... cùng những đặc trưng về gia phong, gia giáo. Những giá trị đó sẽ được dòng họ nhân lên trên cơ sở mọi thành viên của mình đẩy mạnh học tập, đủ năng lực thích ứng với xã hội hiện đại và bổ sung những giá trị mới vào hệ giá trị truyền thống đã có.

Mặt khác, dòng họ sẽ gắn kết với các dòng họ sống trên cùng địa bàn, tạo nên một cộng đồng cùng nhau thúc đẩy việc học tập suốt đời.

Ngày trước, thời phong kiến, rất nhiều làng chỉ có một dòng họ. Giờ đây, những tên làng đó vẫn còn được lưu giữ nhưng có thể đang chung sống nhiều họ khác nhau như Ngô Xá, Đỗ Xá, Đặng Xá, Trịnh Thôn v.v... Các dòng họ cùng đạt tiêu chí học tập thì thôn, làng sẽ được gồm những dòng họ đó được công nhận danh hiệu "Cộng đồng học tập". Văn hóa thôn làng chính là sự giao thoa văn hóa của các dòng họ.

Hai là, vai trò của dòng họ trong việc xây dựng các đơn vị học tập là rất lớn. Theo Quyết định 677/QĐ-TTg, trong giai đoạn 2021 – 2030, để trở thành gia đình học tập, mỗi gia đình phải bảo đảm có thành viên đạt danh hiệu công dân học tập. Dòng họ phải động viên con cháu của mình phấn đấu trở thành công dân học tập để bảo đảm các gia đình trong dòng họ đạt được yêu cầu về xây dựng mô hình công dân học tập. Điều này không chỉ mang lại chất lượng mới trong thi đua xây dựng mô hình học tập và dòng họ học tập, mà còn tạo điều kiện để các tổ chức trên địa bàn như cơ quan, trường học, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, trại chăn nuôi, hợp tác xã... đạt được tỷ lệ cần thiết về cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được công nhận là công dân học tập. Do đó, trong quá trình phấn đấu đạt danh hiệu "Đơn vị học tập", các tổ chức nhất thiết phải liên kết, phối hợp chặt chẽ với các dòng họ.

Ba là, trong điều kiện gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần, hầu như các gia đình Việt Nam thường phải nương tựa vào dòng họ. Trong phong trào khuyến học, sự giúp đỡ các gia đình không để con em bị "đứt" việc học hành từ phía dòng họ là hết sức cần thiết. Các dòng họ học tập hiện đang làm tốt việc này. Con cái của những gia đình nghèo được các gia đình cùng họ giúp đỡ khiến nhiều cháu không rơi vào tình trạng lưu ban, bỏ học.

Sự cố kết của các gia đình trong họ, dưới sự quan tâm của trưởng họ, sự giúp đỡ nhau để cùng học tập thường xuyên đang ngày càng trở thành một hiện tượng mang tính lan tỏa và phổ biến. Nếu các dòng học duy trì được nét đẹp này, sự tương thân tương ái trong học tập suốt đời sẽ mang thêm giá trị mới cho truyền thống hiếu học của dòng họ.

Dòng họ ở Việt Nam thể hiện rõ nét ở năng lực trường tồn. Tại một số nước ở Châu Âu, Châu Mỹ, khi con cái lớn lên, đến tuổi trưởng thành, họ thường sống tách khỏi cha mẹ. Khi những ông bố, bà mẹ về hưu, họ không nương tựa vào con cái, mà sống độc lập, hoặc họ dựa vào nhà dưỡng lão. Lối sống ấy rất phổ biến ở nước Pháp, Nga, Anh, Đức... Trong lối sống tách rời thế hệ con cái với cha mẹ, mối liên hệ dựa vào các công nghệ liên lạc hiện đại. Chính vì thế, khái niệm dòng họ và mối quan tâm của dòng họ với các gia đình thành viên khá mờ nhạt.

Ở Việt Nam lại khác. Dòng họ hiện vẫn tồn tại như một thiết chế có tổ chức chặt chẽ, có sự giao lưu, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các gia đình. Họ luôn lấy nhà thờ tổ làm nơi gặp gỡ nhau, giữ gìn phong tục giỗ tổ để con cháu luôn nhớ đến cội nguồn, nhớ đến quê hương, làng xóm – nơi mà tổ tiên của họ đã sinh sống, lao động và tạo nên những giá trị mà giờ đây họ kế thừa, lưu giữ và phát huy thành truyền thống của dòng họ.

Những gia đình riêng lẻ, đi làm ăn nơi xa, sống cách ly với các gia đình khác họ, người ta thực hiện phương châm "bán anh em xa, mua láng giềng gần". Đó là một cách sống đúng đắn vì bách tính cũng là những người cùng nòi giống. Sự sống còn là phải dựa vào dòng họ, dựa vào bách tính để có sức mạnh phát triển và tồn tại bền vững.

Cuộc vận động toàn dân học tập suốt đời, xây dựng nước ta thành một xã hội học tập cần coi dòng họ là một lực lượng quan trọng để xây dựng thành công các mô hình học tập theo Quyết định 387/QĐ-TTg và 677/QĐ-TTg.
Bình luận của bạn

Bình luận