Đón chào năm 2023 với niềm tin triết lý giáo dục "Học để làm người"

GS.TS. Phạm Tất Dong
17:41 - 29/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đây đang là tuần lễ cuối cùng năm 2022, bên bàn làm việc, tôi hình dung tới những bước phát triển lớn lao trong các lĩnh vực hoạt động của nền kinh tế quốc dân, song lại có những ngại ngùng với những bước đi chậm chạp, đôi khi chệch choạc trong lĩnh vực giáo dục.

Năm 2023 - sự dịch chuyển các thế hệ và vai trò của họ với giáo dục

Bước vào năm 2023, các cháu nhỏ nhiều tuổi nhất của thế hệ Alpha tròn 10 tuổi. Chúng bắt đầu vào học lớp đầu cấp trung học cơ sở. Nền giáo dục của nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đều đặt những hi vọng lớn lao vào thế hệ này. Họ cho rằng, lũ trẻ được tắm mình trong môi trường số và sẽ sống và làm việc trong thế giới hiện thực - ảo, mang lại một bộ mặt mới cho xã hội. 

Chính thế hệ Alpha sẽ viết lại nhiều khái niệm, trước hết là những khái niệm về giáo dục, học tập, trường học, văn hóa học đường… và chắc chắn sẽ không có bóng dáng của một nền giáo dục lấy thi cử làm cứu cánh, lấy bằng cấp làm hộ chiếu vào đời, lấy những lời sáo rỗng để che lấp những lỗ hổng về tri thức và kỹ năng làm việc.

Đón chào năm 2023 với niềm tin triết lý giáo dục "Học để làm người" - Ảnh 1.

Thế hệ Alpha mới của Việt Nam và sự kì vọng mới về giáo dục. Ảnh: Mi Pham/IT-image

Bước vào năm 2023, những lứa đầu tiên của thế hệ Z đã học xong đại học, trở thành những lao động thực thụ trong một quốc gia chuyển đổi số. Hi vọng những thanh niên thế hệ Z nếu làm nghề dạy học hoặc quản lý giáo dục sẽ không chấp nhận một nền giáo dục khép kín, đào tạo con người theo khuôn mẫu. 

Chính thế hệ Z sẽ là những người tạo nên một hệ thống đào tạo giải phóng những năng lực cho từng người học, một hệ thống giáo dục thực học thực nghiệp, kết hợp hướng học với hướng nghiệp, khởi nghiệp và lập nghiệp. Nhờ đó, họ làm chủ các công nghệ hiện đại, là những công dân số. 

Tôi tràn đầy hy vọng thế hệ Z sẽ có nhiều người trở thành công dân toàn cầu, không bị rào cản về ngôn ngữ, văn hóa và việc làm trong ngôi nhà toàn cầu của thế kỷ 21.

Bước vào năm 2023, những lao động thuộc thế hệ Y và những lứa cuối của thế hệ X đang là lực lượng đông đảo trong toàn bộ hệ thống kinh tế quốc dân. Để trở thành nhân lực tại chỗ chất lượng cao, họ cần một nền giáo dục Mở với những thiết chế đào tạo không chính quy. 

Thông qua những thiết bị thông minh, những cơ sở đào tạo không chính quy sẽ có những khóa học trực tuyến để lực lượng lao động này học tập và tự học nhằm tích lũy được nhiều tri thức và kỹ năng mới. Họ sẽ học tại nhà, tại nơi làm việc, tại những hội thảo hay hội nghị trực tuyến… Họ cần ngành giáo dục xây dựng hệ sinh thái học tập suốt đời, trong đó có một nguồn tài nguyên giáo dục mở đáp ứng nhu cầu đa dạng về học vấn của họ. Họ mong mỏi những cơ hội học tập với họ được mở rộng, những điều kiện học tập được tạo ra ngày càng nhiều, các lối dẫn đến sự tiếp cận với học vấn sẽ không có rào cản vô lối.

Hơn ai hết, những người của thế hệ Y và X này phải trở thành những công dân số có năng lực làm chủ việc học tập trên Internet ngay trong giai đoạn chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025.

Giáo dục mở - những cánh hoa muôn màu

Bước vào năm 2023, mỗi công dân đều mong mỏi nhà trường của chúng ta, trước hết là trường phổ thông, hãy biến những khẩu hiệu "Giáo dục phát triển năng lực", "Nhà trường lấy học sinh làm trung tâm", "Cấp trung học phổ thông là cấp hướng nghiệp" v.v… thành hiện thực sinh động và hiệu quả thiết thực.

Với những đứa trẻ bước chân vào lớp Một cho đến những thanh niên tốt nghiệp đại học hay các trường dạy nghề, xin bỏ đi cái nhìn đầy thiên kiến và lối tư duy cứng nhắc cố định khi phân biệt học sinh kém và học sinh giỏi. 

Lối tư duy ấy (trong tiếng Anh gọi là Fixed Mindset) vô cùng nguy hiểm. Nó làm cho một bộ phận học sinh có tâm lý "thất bại học đường". Trong tác phẩm "Học tập - một kho báu tiềm ẩn", Jacques Delors và những cộng sự của ông (gồm nhiều nhà khoa học của những quốc gia khác nhau) đã phê phán kịch liệt lối tư duy thiển cận này.

Đón chào năm 2023 với niềm tin triết lý giáo dục "Học để làm người" - Ảnh 3.

Quan điểm về giáo dục của tác giả Jacques Delors. Đồ hoạ: CD&KH

Đừng nghĩ rằng, học sinh có điểm Toán, điểm Văn đạt mức trên cùng của thang điểm mới là giỏi. Thực tế cho thấy, không ít học sinh bị coi là dốt lại trở thành những doanh nhân thành đạt, những người thợ tay nghề cao, những chiến sĩ quân đội gan dạ, dũng cảm… Vậy thì có vấn đề gì ở đây? Đó là vấn đề "năng lực".

Chương trình giáo dục phổ thông mới hiện hành tuyên bố sách giáo khoa của mình, phương pháp chuyển tải tri thức của mình, cách tập huấn giáo viên của mình sẽ làm phát triển năng lực học sinh. Nếu dạy theo lối nhồi nhét kiến thức thì sẽ thành công trong việc xây dựng năng lực học thuộc lòng, mà đã thuộc lòng để đối phó thi cử thì mọi kiến thức được nhồi vào đầu sẽ nhanh chóng bị xóa đi trong ký ức.

Mỗi công dân mong mỏi qua sự dạy dỗ của nhà trường, con em họ gắn được học với hành. Hành là sự biểu hiện chân thực của năng lực. Người có năng lực về một lĩnh vực hoạt động nào đó, nhất là trong sản xuất các sản phẩm vật chất và tinh thần, khi đứng trước một sự vật, họ không chỉ giải thích được "đây là cái gì", mà còn phải trình bày "làm ra cái đó bằng cách nào".

Mỗi công dân - một sự khác biệt

Nhiều phụ huynh phàn nàn rằng, cuối năm học, con họ "bị" phân luồng vào trường dạy nghề vì học kém. Lời tuyên bố ấy chặn lối vào trường đại học đối với chúng. Không ít học sinh phàn nàn rằng, giáo viên đã nói với chúng những lời "thẳng thừng" và rất "sốc": "Em học kém thì đi học nghề, đừng mơ vào đại học".

Trước hết, phân luồng kiểu ấy đã gây ra một ấn tượng xấu về nghề thợ là nghề của những người học dốt. Cách phân luồng như thế sẽ khiến cả phụ huynh lẫn con em họ hiểu như vậy. Thực tế thì mỗi người thợ khéo, thợ hay, thợ giỏi... đều là một loại thông minh riêng biệt và phải giỏi mới có thể làm nghề. 

Hai là, chúng ta đang cần đội ngũ công nhân có tay nghề vững vàng, có năng lực kỹ thuật cao khi trong sản xuất đã từng bước ứng dụng công nghệ cao như robot thông minh, trí tuệ nhân tạo, in 3D v.v… Trong tình hình này, đáng lẽ phải làm tốt hướng nghiệp để tìm ra những học sinh có năng lực khoa học - công nghệ như tư duy kỹ thuật, tưởng tượng không gian, kỹ năng vận hành máy móc, hứng thú kỹ thuật, kỹ năng làm việc theo nhóm và ý thức kỷ luật lao động cao… để đào tạo thành công nhân, nhân viên kỹ thuật, thì lại "hứng" những học sinh "học yếu" không vào được đại học để đào tạo giai cấp công nhân.

Học sinh bị coi là "yếu" không có nghĩa là kém mọi người xung quanh một cách toàn diện. Mỗi người đều mang trong họ nhiều năng lực khác nhau. Người này kém bạn học cùng lớp về môn Toán, người kia kém về môn Văn, người khác lại kém về môn Hóa học. Nhưng có khi ở họ lại có năng lực âm nhạc, năng lực kỹ thuật, năng lực tập hợp và hợp tác người khác... và rất nhiều năng lực khác mà chắc gì người giỏi Toán, giỏi Văn hay giỏi môn Hóa học đã có được.

Nhà trường đừng bao giờ coi một học sinh nào đó là kém năng lực. Học sinh đó có thể kém về năng lực nào đó mà nhà trường mong muốn, nhưng rất có thể chúng lại tiềm ẩn những năng lực mà xã hội ta đang rất cần.

Đón chào năm 2023 với niềm tin triết lý giáo dục "Học để làm người" - Ảnh 4.

Quan điểm về giáo dục của nhà giáo dục, nhà văn Makarenko. Đồ hoạ: TTH

Nhà trường mang tính nhân văn cần một quan niệm đúng về phát triển con người:
Học sinh lười học thường không phải là học sinh học kém.
Học sinh học kém không có nghĩa là nó sẽ học kém cả đời.
Học sinh hư không có nghĩa là học sinh học kém. Hơn nữa, điều đó cũng không thể coi là thực trạng không thể thay đổi được.

Vì thế, trong xã hội cần có một hệ sinh thái giáo dục mở. Ở đó hệ thống trường lớp được tổ chức và quản lý chặt chẽ, có chính sách tháo bỏ các rào cản với mọi cơ hội học tập của công dân, có dịch vụ giáo dục đáp ứng nhu cầu học vấn kiến thức của bất cứ người dân nào. 

Điều cơ bản nhất là đất nước phải xây dựng một nền giáo dục hiện đại, dân chủ, coi "Học để làm người" như một triết lý giáo dục.