Giáo dục khai phóng - trụ cột của giáo dục hiện đại

GS.TS.Phạm Tất Dong
13:46 - 12/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Giáo dục khai phóng được coi như một triết lý giáo dục. Nó cung cấp cho người học một nền tảng kiến thức rộng cùng những kỹ năng có thể chuyển đổi và một cảm nhận mạnh mẽ về các giá trị đạo đức mà nhờ đó có thể can dự vào đời sống công dân.

Đi tới triết lý giáo dục "học để làm người"

Giáo dục khai phóng mang tính đa nguyên và toàn cầu. Nó có thể bao gồm một chương trình học tổng quát, cung cấp nhiều cơ hội tiếp cận những lĩnh vực học tập, nhiều chiến lược học tập bên cạnh các chương trình học chuyên sâu trong ít nhất một lĩnh vực học thuật nào đó.

Giáo dục khai phóng - trụ cột của giáo dục hiện đại - Ảnh 1.

Giáo dục khai phóng giúp người học nâng bản thân mình lên một tầm cao, thông qua các môn học khai phóng mà "xác định ta là ai, ta có những năng lực gì, ta có thể làm những việc gì và sẽ trở thành con người như thế nào trong tương lai".

Những môn học khai phóng không nằm trong chương trình đào tạo chuyên nghiệp thuộc một lĩnh vực nào đó, mà bao gồm những bài học có tính huấn nghiệp hay kỹ thuật. Ví dụ, một sinh viên khoa Luật có thể học môn khai phóng về nghệ thuật hùng biện, năng lực biện hộ, trình bày vấn đề mạch lạc và logic, tinh thần đạo đức trong các phiên tòa.

Các môn học khai phóng mang tính mở. Sinh viên khoa Tâm lý học có thể vừa học môn khai phóng về tâm lý học, nhưng đồng thời vẫn có thể theo học các môn khai phóng về lịch sử, triết học, ngôn ngữ học.

Giáo dục khai phóng hướng tới đào tạo những con người tự chủ, tự trị, tự do – tức là tạo ra mẫu người nhận thức được những quy luật của cuộc sống để tự vươn lên thành chính mình, không là "cái bóng" của người khác. Cụm từ "Tự do" ở đây theo tư tưởng triết học của Hegel: "Tự do là sự nhận thức được cái tất yếu".

Trong những hội thảo khoa học về triết lý giáo dục, tôi thường nêu lên triết lý giáo dục "học để làm người". Một là, "học để làm người" là sự đúc kết kinh nghiệm giáo dục nghìn năm của ông cha ta. Hai là, UNESCO cũng coi "Learning to be" (học để trở thành) là một trong 4 trụ cột giáo dục hiện đại. 

Bản thân tôi đã nhiều lần suy nghĩ về giáo dục khai phóng, kiến tạo, khởi nghiệp, tuy chưa nghĩ tới đó là một triết lý giáo dục của Việt Nam lúc này. Nhưng tôi khẳng định rằng, không quan tâm đến tinh thần khai phóng, kiến tạo và khởi nghiệp, chắc chắn giáo dục của chúng ta sẽ xa lạ với thế giới hiện đại.
GS.TS.Phạm Tất Dong

Phát triển giáo dục khai phóng đang là một xu thế trên thế giới

Quốc gia được coi là mảnh đất màu mỡ của giáo dục khai phóng là Hoa Kỳ. Những trường khai phóng hàng đầu của họ như Williams, Amherst, Swarthmore, Wellesley, Pomona, Bowdoin, Claremont McKenna, Middlebury, Carleton, Washington and Lee... Cựu Tổng thống Barrack Obama vốn là sinh viên trường đại học khai phóng Occidental College ở Los Angeles (California).

Những trường đại học khai phóng trên thế giới có rất nhiều, như Viện đại học Mount Allison, Viện đại học Bishop, Viện đại học St.Thomas (Canada); Viện đại học John Cabat ở Rome (Ý); Viện đại học Bard Berlin (Đức); Trường đại học Maastricht (Hà Lan); trường đại học Shalem ở Jerusalem (Israel); Trường đại học Campion ở Sydney (Australia); Trường đại học Yale – NUS (Singapore)...

Ở Việt Nam, hiện có trường Đại học Việt – Nhật (Thành lập ngày 21/7/2014 theo Quyết định 1186/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), trường Đại học Fulbright (thành lập vào ngày 16/5/2016 theo Quyết định 819/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) là 2 đại học có chương trình đào tạo khai phóng.

Giáo dục khai phóng - Ảnh 1.

Nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho người học triết lý giáo dục của Trường Đại học Fulbright. Ảnh: Fulbright University

Khai phóng - kiến tạo - khởi nghiệp

Đại học Fulbright ở thành phố Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo đại học phi lợi nhuận. Nhà trường có chương trình khai phóng trong khi cung cấp cho sinh viên và các người lớn theo học những vấn đề về chính sách công, quản trị kinh doanh, cơ khí, máy tính, khoa học, nghệ thuật tự do, mà như Barack Obama nói về trường này, nghệ thuật tự do có nhiều lĩnh vực, từ thơ Nguyễn Du đến triết lý của Phan Chu Trinh và toán học của Ngô Bảo Châu.

Còn đại học Việt – Nhật ở Hà Nội có một mạng lưới đối tác rất rộng ở Nhật Bản. Đó là những trường đại học như Tokyo, Osaka, Tsukuba, Yokohama, Waseda, Ritsumeikan và Ibaraki. Chắc chắn rằng, những môn học khai phóng ở đây sẽ giúp người học trải nghiệm, học tập và nghiên cứu theo phong cách Nhật Bản; đó là một cơ hội để người học Việt Nam có thêm được những tri thức rộng rãi và trình độ học vấn sẽ toàn diện hơn.

Nhà trường của chúng ta vẫn thấy giáo dục khai phóng như một điều xa lạ. Hiện tượng đó nói lên rằng, giáo dục đại học của ta còn chưa hội nhập sâu vào xu hướng phát triển giáo dục đại học thế giới.

Không quan tâm đến giáo dục khai phóng lúc này, chúng ta sẽ rất khó triển khai giáo dục kiến tạo và giáo dục khởi nghiệp. Một số nhà khoa học trong nước đã đề nghị lấy 6 chữ "khai phóng, kiến tạo, khởi nghiệp" làm triết lý giáo dục Việt Nam.