Tài xế buồn ngủ lái xe khách rơi xuống vực trên cao tốc La Sơn - Túy Loan sẽ đối mặt với mức phạt nào?
Công an đã xác định được nguyên nhân ban đầu vụ xe khách rơi xuống vực khiến nhiều người thương vong đoạn cao tốc La Sơn - Túy Loan là do trời mưa, sương mù và tài xế buồn ngủ.
Vụ xe khách rơi xuống vực cao tốc La Sơn - Túy Loan: ít nhất 2 người chết, nhiều người bị thương
Ngày 23/1, Bộ Công an có báo cáo sơ bộ về vụ xe khách rơi xuống vực tại Km 36+400 đường cao tốc La Sơn - Hòa Liên, thuộc xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng.
Theo báo cáo, lúc 0h30 ngày 23/1, tại cao tốc La Sơn - Hòa Liên, theo hướng Nam - Bắc, xe khách loại 45 chỗ ngồi mang biển kiểm soát 47B 010.67 do tài xế Phương Thanh Tùng (sinh năm 1988, trú huyện Eaka, tỉnh Đắk Lắk) điều khiển. Xe khách này của nhà xe Quỳnh Hương, chạy tuyến Đắk Lắk - Hải Dương. Thời điểm xảy ra tai nạn, trên chiếc xe này chở 22 người (19 hành khách, 3 nhân viên nhà xe).
Vụ tai nạn đã khiến 2 người tử vong tại hiện trường, 20 người bị thương được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng và Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang.
Theo Bộ Công an, nguyên nhân ban đầu được xác định là do trời mưa, sương mù làm hạn chế tầm nhìn của tài xế. Bên cạnh đó, thời điểm trên, tài xế xe khách buồn ngủ nên đã gây tai nạn.
Cụ thể, khi đi đến đoạn km36+400 cao tốc La Sơn - Túy Loan, chiếc xe 45 chỗ bất ngờ lao sang phía đối diện, đâm đổ lan đường rồi rơi xuống vực sâu.
Đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan có chiều dài 66km với điểm đầu là nút giao thông La Sơn (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế) đến Túy Loan (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng).
Dự án có tổng vốn đầu tư gần 11.500 tỉ đồng và được đầu tư theo hai giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 có hai làn xe và giai đoạn 2 mở rộng lên bốn làn xe.
Trước đó, báo chí từng phản ánh về việc tuyến đường La Sơn - Túy Loan (nối Thừa Thiên Huế với Đà Nẵng) dù mới được đưa vào khai thác hơn 1 năm nhưng đang bộc lộ những nguy cơ mất an toàn giao thông.
Tài xế buồn ngủ lái xe khách rơi xuống vực trên cao tốc La Sơn - Túy Loan có bị xử lý hình sự?
Khoản 3 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2015) quy định về Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ như sau:
"3. Phạm tội thuộc một trong các trường sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên".
Như đã thông tin ở trên, vụ tai nạn xe khách do tài xế Phương Thanh Tùng điều khiển đã khiến ít nhất 2 người tử vong và 20 người bị thương.
Ngoài ra, việc quyết định mức phạt còn căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng hoặc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ tai nạn giao thông đoạn cao tốc La Sơn - Túy Loan
Theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, phương tiện giao thông là nguồn nguy hiểm cao độ. Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định pháp luật.
Vậy nên trong trường hợp trên, chủ sở hữu ô tô khách gây ra tai nạn nghiêm trọng phải liên đới cùng với tài xế bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân khi đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng chiếc xe để phục vụ lợi ích cho chính mình.
Ngoài thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của nhiều hành khách thì còn có thiệt hại về tài sản. Những cá nhân có lỗi trong việc gây ra tai nạn sẽ phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản của nạn nhân. Bởi vậy tài sản thiệt hại đến đâu thì sẽ bồi thường đến đó.
Người lái xe ô tô được lái xe tối đa bao nhiêu giờ trong ngày?
Điều 65 Luật Giao thông đường bộ năm 2018 quy định về Thời gian làm việc của người lái xe ô tô như sau:
2. Người vận tải và người lái xe ô tô chịu trách nhiệm thực hiện quy định tại khoản 1 Điều này.
Theo như quy định trên thì trong vòng 1 ngày, thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được vượt quá 10 giờ. Bên cạnh đó, người lái xe ô tô không được lái xe liên tục quá 4 giờ.
Căn cứ vào khoản 6 và khoản 8 Điều 23 Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi bởi điểm b khoản 12 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì người điều khiển xe ô tô chở hành khách, ô tô chở người và các loại xe tương tự xe ô tô chở hành khách, chở người nếu điều khiển xe ô tô quá thời gian quy định tại khoản 1 Điều 65 của Luật giao thông đường bộ thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm nêu trên còn bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.
Theo khuyến cáo, khi có những dấu hiệu sau thì tài xế nên nghỉ ngơi, tránh ngủ gật và gây ra hậu quả đáng tiếc:
- Cảm thấy mệt mỏi, khó chịu;
- Khó tập trung, nháy mắt liên tục và mí mắt trĩu nặng;
- Ngáp không dừng và dụi mắt liên tục, chảy nước mắt, thở nông;
- Không thể giữ đầu thẳng như bình thường;
- Không thể nhớ số km của hành trình vừa trải qua, đi quá lối ra hoặc biển báo giao thông;
- Đầu óc mơ màng, đi chệch làn đường, lái xe chuệch choạng, tốc độ không ổn định...
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào trên, tài xế hãy dừng xe lập tức để đảm bảo an toàn. Cách xử lý tốt nhất là tấp ngay vào trạm xăng hay trạm dừng/nghỉ trên đường để ngủ 1 giấc ngắn 10-15 phút.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google