Dịch tay chân miệng ở Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng giảm

Minh Châu
12:06 - 11/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tốc độ gia tăng số ca mắc bệnh tay chân miệng trong các tuần gần đây tại Thành phố Hồ Chí Minh có xu hướng chậm dần.

Ca mắc bệnh tay chân miệng trong các tuần gần đây có xu hướng chậm dần

Theo Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy số ca mắc bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng từ giữa tháng 5 và tăng rất nhanh 1 tháng sau đó. Tuy nhiên, tốc độ tăng nhanh trong tuần qua có xu hướng giảm nhẹ. 

Tính đến ngày 6/8, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 16.355 ca mắc bệnh tay chân miệng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2022 (11.203 ca). Tốc độ gia tăng số ca mắc trong các tuần gần đây có xu hướng chậm dần. 

Trong tuần qua có 2.401 ca mắc, thấp so với tuần trước (2.665 ca) nhưng vẫn còn cao hơn trung bình 4 tuần trước đó. Các quận, huyện vẫn còn ca mắc bệnh tay chân miệng tăng cao như Quận 1, Quận 3, Quận 6, Quận 8, Cần Giờ, Nhà Bè, thành phố Thủ Đức (khu vực 1); và một số quận, huyện đã có xu hướng giảm như Quận 11, Quận 12, Bình Tân, Gò Vấp, Hóc Môn, huyện Bình Chánh, Thành phố Thủ Đức (khu vực 2 và khu vực 3).

Dịch tay chân miệng ở Thành phố Hồ Chí Minh đang có xu hướng "chững lại" - Ảnh 1.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, số ca mắc bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng từ giữa tháng 5 và tăng rất nhanh 1 tháng sau đó. Ảnh minh họa: kiindred.co

Tổng số ca nhập viện bệnh tay chân miệng trong tuần qua là 736 ca, giảm 82 ca so với tuần trước, số ca có địa chỉ tại Thành phố Hồ Chí Minh chiếm 45,2%. Tổng số ca xuất viện trong tuần là 924 ca, nhiều hơn 150 ca so với tuần trước. 

Số ca nhập viện mới mỗi ngày dao động từ 87-145 ca/ngày, trung bình giảm khoảng 5% so với tuần trước. Số ca nặng điều trị dao động từ 19-30 ca/ngày, trung bình giảm khoảng 15% so với tuần trước. 

Số ca nặng bệnh tay chân miệng của Thành phố Hồ Chí Minh dao động từ 1-8 ca/ngày, trung bình giảm khoảng 42% so với tuần trước đó. Hiện Thành phố Hồ Chí Minh chưa ghi nhận ca tử vong.

Tăng cường giám sát phòng, chống bệnh tay chân miệng tại cộng đồng

Trong thời gian qua, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã tăng cường giám sát những hoạt động phòng, chống tay chân miệng tại cộng đồng, các trường học, trường mầm non công lập và tư thục và nhóm trẻ trên địa bàn. 

Tăng cường các hoạt động truyền thông, khuyến cáo cộng đồng về phòng chống dịch bệnh tay chân miệng. Đồng thời, tham mưu Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh gửi tin nhắn cho từng người dân về phòng, chống bệnh tay chân miệng. 

Cùng với đó, tổ chức kiểm tra, giám sát hoạt động truyền thông phòng chống dịch tại các địa phương; tổ chức lớp tập huấn cho các giáo viên các trường mầm non cách phát sớm các triệu chứng nặng của tay chân miệng để đưa trẻ đến các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh kịp thời.

Đồng thời, chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo công tác khám, chẩn đoán và phân độ đúng bệnh tay chân miệng; theo dõi sát diễn biến bệnh và các dấu hiệu chuyển độ để điều trị kịp thời và hạn chế tình trạng chuyển nặng nhanh, nguy kịch; tăng cường hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho tuyến dưới.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục duy trì tổ chức hoạt động giao ban trực tuyến định kỳ hàng tuần với các tỉnh/thành phố phía Nam về công tác thu dung và điều trị bệnh tay chân miệng để cập nhật, đánh giá tình hình dịch bệnh trên toàn khu vực, đồng thời thảo luận, phân tích các ca bệnh nặng, nâng cao năng lực điều trị đối với các bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối của các tỉnh, giúp người bệnh tại tỉnh được điều trị sớm, kịp thời, hạn chế chuyển viện không an toàn.

Bệnh tay chân miệng xảy ra quanh năm, thường gặp nhất từ tháng 3 – 5 và từ tháng 9 – 12. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi, trẻ lớn ít gặp hơn.

Bệnh tay chân miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời.

Bình luận của bạn

Bình luận