Thành phố Hồ Chí Minh: Đã có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng

Dũng Minh
06:59 - 26/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sau khi được Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế cấp giấy chứng nhận xuất xưởng, 6.000 lọ thuốc ProIVIG do Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại Dược phẩm Duy An nhập khẩu đã được Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phân phối cho các bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối.

Thành phố Hồ Chí Minh: Đã có thuốc điều trị bệnh tay chân miệng nặng - Ảnh 1.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước nghiên cứu sản xuất Immunoglobulin từ huyết tương hiến máu trong nước để giảm thiểu sự phụ thuộc vào thuốc ngoại. Ảnh: VOV

Cần sớm triển khai mua sắm tập trung cho bệnh tay chân miệng và nhóm dịch bệnh lưu hành

Đây là loại thuốc Immunoglobulin tiêm tĩnh mạch (IVIG) có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tay chân miệng nặng ở trẻ em, giúp giảm nguy cơ biến chứng và tử vong.

IVIG là một chế phẩm của globulin người, được tổng hợp từ huyết tương của những người hiến máu khỏe mạnh và có khả năng trung hòa các loại enterovirus gây bệnh. IVIG làm tăng miễn dịch thụ động cho bệnh nhân nhờ cung cấp kháng thể và kích thích phản ứng kháng thể - kháng nguyên.

Do IVIG được điều chế từ huyết tương người nên việc sản xuất phụ thuộc vào nguồn hiến máu, không dễ dàng tăng cường khi có nhu cầu đột biến. Tại Việt Nam, chưa có công ty nào sản xuất được IVIG nên phải nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguồn cung ứng huyết tương trên toàn cầu đã giảm sút nghiêm trọng trong 2 năm qua. Vì vậy, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn trương thực hiện các thủ tục để mua sắm thuốc ProIVIG và đảm bảo không bị gián đoạn trong công tác điều trị bệnh tay chân miệng.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất, Bộ Y tế sớm triển khai mua sắm tập trung các thuốc hiếm đảm bảo cung ứng thuốc cho nhóm dịch bệnh lưu hành (sốt xuất huyết, tay chân miệng…) và một số bệnh nguy hiểm, ít gặp khác.

Đồng thời, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng khuyến khích các doanh nghiệp dược trong nước nghiên cứu sản xuất Immunoglobulin từ huyết tương hiến máu trong nước để giảm thiểu sự phụ thuộc vào thuốc ngoại.

Bệnh tay chân miệng đang diễn biến phức tạp ở khu vực phía Nam

Theo Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu năm đến nay, miền Nam đã có khoảng 9.000 ca mắc bệnh, trong đó 7 ca đã tử vong. Ngày 23/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương đã họp trực tuyến với các tỉnh thành phía Nam để thống nhất các biện pháp phòng chống dịch.

Số ca mắc bệnh tay chân miệng ở miền Nam thấp hơn 45% so với cùng kỳ năm 2022, nhưng đang có xu hướng tăng từ cuối tháng 4 đến nay. Đặc biệt, số ca nặng và số ca tử vong cũng đang gia tăng và đã cao hơn cùng kỳ năm trước. Trong tuần qua, miền Nam đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc, tăng hơn 23,3% so với tuần trước.

Phân tích dựa trên các ca nặng cho thấy An Giang, Bình Dương, Đồng Nai, Kiên Giang, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh là những tỉnh thành có tỷ trọng ca nặng cao. Virus EV71 là chủng gây bệnh nặng và nguy cơ tử vong cao. Hiện đã xác định được 5 ca tử vong do virus này, còn 2 ca tử vong trên biến chứng lâm sàng chưa có kết quả.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh nhận định rằng các địa phương chưa báo cáo rõ ràng về phân độ lâm sàng tay chân miệng, gây ảnh hưởng đến việc đánh giá độ nặng và xu hướng của bệnh tật. Ông cũng cho biết bệnh sẽ có nguy cơ lây lan nhiều hơn khi trẻ bước vào năm học mới.

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết rằng khoảng 80% người lớn mắc bệnh này không có triệu chứng lâm sàng nhưng vẫn có thể lây cho trẻ em. Do đó, việc phòng ngừa bệnh này không chỉ tập trung ở trẻ nhỏ, bảo mẫu, trường mầm non mà cả người lớn cũng phải thực hiện rửa tay sạch, vệ sinh sạch…nhằm bảo vệ các bé.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết đang gia tăng và phức tạp. So với năm 2022, các tỉnh đã chủ động hơn trong công tác nhân lực và kinh phí chống dịch. Tuy nhiên, cần khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2023, trong đó đảm bảo 4 tại chỗ. Bà Hương cũng nhấn mạnh việc giám sát chặt chẽ các phòng khám tư nhân và cơ sở y tế nhỏ lẻ, vì nhiều người dân thường đến điều trị khi bệnh nhẹ. Ngoài ra, cần tăng cường truyền thông trong cộng đồng và trường học để ngăn ngừa sự lây lan của bệnh.