Bệnh tay chân miệng do chủng virus EV71 tiếp tục diễn biến phức tạp

Hồng Ngọc
18:20 - 25/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tình trạng bệnh tay chân miệng tăng nhanh từ đầu tháng 5 và có nhiều ca biến chứng nặng do EV71 gây ra (đặc biệt tại các tỉnh thành phía Nam). Bộ Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế cần phân loại và chuyển tuyến phù hợp để bệnh không chuyển nặng, giảm thiểu nguy cơ tử vong.

50% người lớn mắc tay chân miệng không có triệu chứng, dễ lây sang cho trẻ

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc bệnh tay chân miệng đến khám, với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó có 20% - 30% trường hợp là nhiễm chủng virus Enterovirus 71 (EV71).

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương thông tin, tác nhân EV71 thường gây bệnh tay chân miệng nặng với nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn và có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng bệnh tay chân miệng tăng mạnh trong 3 tuần gần đây dù thời điểm hiện tại chưa phải vào mùa cao điểm. Đặc biệt trong đó số ca diễn tiến nặng tăng gấp 2,5 lần so với những năm trước, và đã có 4 ca tử vong.

Bệnh tay chân miệng do chủng virus EV71 tiếp tục diễn biến phức tạp - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương thăm bệnh nhi mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Bệnh viện Nhi đồng 1

Những ngày qua, Bệnh viện đã tiếp nhận hơn 10 bé mắc bệnh tay chân miệng nặng phải thở máy, trong khi 2 tuần trước không có ca nào cần hồi sức tích cực. Ngày 21/6, Bệnh viện nhận liên tiếp 5 ca tay chân miệng rất nặng, được điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực chống độc. Ngoài ra, hơn 60 bé mức độ ít nặng hơn đang điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh.

Ngày 23/6, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế đã họp trực tuyến về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng tại điểm cầu Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp phòng chống dịch bệnh (EOC) - Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh với 20 điểm cầu tại 20 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

Tại cuộc họp này, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng - Phó Viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua đã ghi nhận hơn 2.000 ca mắc tay chân miệng mới ở khu vực phía Nam, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đã có 5 ca từ vong xác định do chủng Enterovirus 71 (EV71), 2 trường hợp tử vong khác.

Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng cho biết, hiện thống kê dựa trên số ca mắc bệnh nặng nhập viện, còn số ca nhẹ chưa thống kê có thể cao hơn nhiều. Trong đó, số ca mắc tay chân miệng chủng EV71 chiếm ưu thế. Đặc biệt phân độ tay chân miệng hiện chưa được báo cáo rõ ràng, 81% ca bệnh ở Thành phố Hồ Chí Minh chưa được phân bổ lâm sàng, gây ảnh hưởng đến đánh giá lâm sàng, xác định xu hướng bệnh tật.

Ngoài ra, Tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng cũng cho biết có 50% người lớn mắc bệnh nhưng không có triệu chứng, đây là nguồn lây quan trọng nhưng vì không có triệu chứng nên rất dễ lây sang trẻ em. Nhiều trường hợp khác cũng mắc bệnh nhưng biểu hiện không rõ ràng. Do vậy, cần lưu ý đưa chẩn đoán quan tâm phát hiện sớm, trẻ nhập viện sớm phòng biến chứng, tử vong.

Tại Đồng Tháp, theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) tỉnh Đồng Tháp, dịch tay chân miệng cũng đang diễn tiến phức tạp. Tính đến tuần 24 năm 2023, tỉnh đã ghi nhận 902 ca, trong đó ca mắc dưới 3 tuổi chiếm 68%, vừa có 1 trường hợp tử vong.

Đồng Nai cũng ghi nhận 1.694 ca mắc tay chân miệng, giảm 56,37% so với cùng kỳ 2022 (3.883 ca); không ghi nhận ca tử vong. Tuy nhiên, số ca mắc có xu hướng tăng từ đầu tháng 3, đặc biệt từ tháng 5 tăng mạnh, mỗi tuần có 200-300 ca nhập viện.

Cách nhận biết, phân loại bệnh tay chân miệng

Bệnh nhẹ, có thể chăm sóc tại nhà

Theo Bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh tay chân miệng thường bắt đầu với triệu chứng sốt, kém ăn, khó chịu và đau họng. Từ 1 đến 2 ngày sau khi bị sốt, các nốt mụn lở xuất hiện trong miệng gây đau rát. Ban đầu là những nốt phồng rộp màu đỏ và thường phát triển thành các vết loét. Các vết loét này chủ yếu ở trên lưỡi, lợi và bên trong má.

Phát ban không ngứa xuất hiện trong 1-2 ngày với các tổn thương màu đỏ phẳng hoặc gồ lên, một số kèm theo bọng nước. Phát ban thường tập trung nhiều trong lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân; cũng có thể xuất hiện ở mông và/hoặc ở cơ quan sinh dục. Bệnh nhi cũng có thể không có triệu chứng điển hình hoặc có thể chỉ bị phát ban hoặc loét miệng.

Người chăm trẻ phải được hướng dẫn đầy đủ về cách chăm sóc bệnh nhi mắc tay chân miệng, cách phát hiện sớm các dấu hiệu chuyển nặng để đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời.

Ưu điểm của chăm sóc tại nhà là trẻ được hưởng điều kiện vệ sinh tốt hơn, môi trường xung quanh sạch sẽ và đặc biệt là giảm được nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn.

Bệnh nặng, cần nhập viện điều trị

Bệnh được đánh giá là nặng khi có các biểu hiện sau:

Sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ nhiệt;

Mệt mỏi, không chơi, bỏ ăn, ngủ nhiều, lơ mơ...;

Giật mình nhiều (>= 2 lần trong 30 phút) ;

Vã mồ hôi, lạnh toàn thân hoặc ở tay, chân ;

Thở nhanh, thở bất thường: ngưng thở, thở nông, rút lõm ngực, khò khè…;

Run chi, run người, ngồi không vững, đi loạng choạng.

Do bệnh tay chân miệng chuyển biến nhanh, khó lường nên khi phát hiện trẻ mắc bệnh, gia đình nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, để được tư vấn về cách chăm sóc, cách phát hiện triệu chứng nặng, từ đó kịp thời điều trị. Cha mẹ không nên tìm hiểu trên mạng rồi tự ý dùng thuốc, có thể khiến bệnh của trẻ nặng thêm.

Ngành y tế cảnh báo, tay chân miệng là bệnh thường gặp, tuy nhiên, có thể diễn tiến nặng nhanh, đe dọa tính mạng người bệnh. Người dân, đặc biệt là các gia đình có trẻ dưới 5 tuổi nên thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh như sau:

- Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy cho trẻ và người chăm sóc trẻ.

- Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hàng ngày.

- Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám tại cơ sở y tế gần nhất.

- Theo dõi sát khi trẻ bệnh để phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng như giật mình, sốt cao liên tục, quấy khóc liên tục, mạch nhanh, đã nổi bông tím, yếu tay chân.

Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh