Dịch tay chân miệng đang vào mùa - lưu ý để bệnh không trở nặng

H.Ngọc
18:07 - 09/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12 hàng năm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tay chân miệng là căn bệnh hiện phổ biến ở rất nhiều quốc gia châu Á và cứ vài năm lại xảy ra một đợt ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, tại Việt Nam, số ca mắc tay chân miệng có xu hướng tăng trong khoảng từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12 hàng năm. Bệnh có nguy cơ lây nhiễm mạnh nhất trong tuần đầu tiên sau khi một bệnh nhân nhiễm bệnh và có thể kéo dài vài tuần do virus khu trú trong phân.

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, từ đầu năm đến nay đã có hơn 100 trường hợp trẻ nhập viện do tay chân miệng, chỉ tính riêng từ ngày 13-29/3/2023 có 37 trường hợp nhập viện. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, một số trường hợp, bệnh có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.

Vì vậy, Bệnh viện Nhi Trung ương đã đưa ra những cảnh báo phụ huynh cần lưu ý để hạn chế nguy cơ bệnh tay chân miệng ở trẻ diễn biến nặng:

Bệnh tay chân miệng đang vào mùa, lưu ý để bệnh không trở nặng - Ảnh 1.

Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương

Mới đây, Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Công văn số 1437/SYT-NVY về việc tăng cường triển khai phòng, chống dịch bệnh mùa hè và dịp nghỉ lễ.

Theo Sở Y tế Hà Nội, hiện nay thời tiết đã chuyển sang mùa hè nóng ẩm, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh phát triển và gia tăng như tay chân miệng, thủy đậu, sốt xuất huyết, sởi, tiêu chảy cấp, viêm não Nhật Bản… Bên cạnh đó, các dịch bệnh nguy hiểm như cúm A(H7N9), A(H5N6), Marburg… tiềm ẩn nguy cơ xâm nhập.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội cũng có văn bản về việc đảm bảo công tác vệ sinh phòng chống dịch trong trường học, gửi các Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã.

Theo đó, trước tình hình dịch tay chân miệng đang có nguy cơ gia tăng, dịch cúm A H5N1 có thể xuất hiện; nhằm đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, chủ động trong công tác chăm sóc sức khỏe và phòng chống dịch bệnh cho học sinh trong trường học, CDC Hà Nội đề nghị Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn triển khai hướng dẫn các trường học xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trong trường học trong đó tập trung vào các bệnh có nguy cơ cao như dịch bệnh tay chân miệng, cúm, sởi, COVID-19...

 

Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương, Sở Y tế Hà Nội