Dẹp đội sao đỏ trong trường học để triệt để chống bạo lực học đường

Hà My
16:29 - 04/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Cách quản lý "lấy học trò quản học trò" - loại nhau, tìm ra lỗi phạt, chỉ trích nhau không tạo ra sự phát triển mà đôi khi kéo lùi nhau xuống. Nhất là khi mâu thuẫn ghét bỏ nhau đỉnh điểm không hóa giải được thì dẫn tới bạo lực học đường có nguyên nhân.

Dư luận từng dậy sóng vì sự việc học sinh trường trung học phổ thông… kêu cứu vì trực sao đỏ bị giang hồ chặn đánh trước cổng trường. Phải chăng đội sao đỏ là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn và dễ dẫn đến bạo lực học đường?

Thế lực sao đỏ trường học phát sinh bạo lực học đường?

Vài năm trước đây, một đoạn clip phát lời kêu cứu của một học sinh mặc đồng phục của Trường Trung học phổ thông Trần Quốc Tuấn (ở Gia Lai) gây sốc. Nhân vật trong clip kêu "thầy cô và các chú công an cứu cháu với". 

Nam sinh này đã kể lại việc trực sao đỏ và ghi lỗi vi phạm của học sinh lớp 11 do đi học muộn. Sau đó, học sinh bị ghi lỗi gọi một nhóm côn đồ đến chặn đường đánh học sinh trực sao đỏ. 

Đây không phải là trường hợp duy nhất học sinh bị đánh vì đã ghi lỗi của bạn. 

Cần nói thêm rằng, trong các trường học từ cấp tiểu học đến bậc trung học phổ thông, ngày nào cũng có những cuộc xích mích, cãi vã, "đụng độ", dằn mặt nhau giữa học sinh sao đỏ và học sinh vi phạm.

May mắn thì có vụ được thầy cô phát hiện giảng hòa. Nhưng chủ yếu là những vụ đánh nhau ngoài trường chẳng ai biết. Có em về nhà còn giấu cả cha mẹ vì đã bị bạn khống chế, hù dọa. Khi mọi chuyện vỡ lở thì những học sinh ấy cũng đã no đòn từ khá lâu rồi. 

Để giảm thiểu những vụ đánh nhau, một số trường học bậc trung học cơ sở cử các em khối 6 (chủ yếu là nữ) để theo dõi học sinh khối 9.

Biện pháp này cũng có hiệu quả đôi chút vì mấy anh chị khối 9 thường không đánh mấy em nhỏ khối 6 nhất là con gái. Nhưng, học sinh vi phạm (học sinh khối 9) chỉ cần ra lệnh "không được ghi" thì các em khối 6 cũng chẳng dám trái lời.

Tuy thế, cũng chỉ hạn chế được một phần. Nếu lúc nào cũng ghi tốt cả thì chẳng phải là đội sao đỏ nữa. Lớp nào cũng không có ai vi phạm trong khi tổ giám thị lại ghi đầy trong sổ?

Theo dõi không chặt chẽ, sao đỏ cũng bị thầy cô giám thị rày la, nhắc nhở. Cờ đỏ bị kẹt giữa 2 lằn ranh "ghi cũng khổ mà không ghi cũng khổ".

Dẹp đội sao đỏ trong trường học để triệt để chống bạo lực học đường - Ảnh 2.

Nhiều trường học tự hào vì không duy trì đội sao đỏ nhưng các học sinh vẫn ngoan, học tốt. Ảnh: Châu Nữ

Khi sao đỏ ghi các bạn vào sổ "thiên tào"

Cuối mỗi tuần, sổ sao đỏ được nộp lên phòng Đội hoặc phòng giám thị để bộ phận theo dõi tổng hợp, xếp thứ hạng các lớp.

Hạng của lớp cũng ngầm hiểu như hạng của thầy cô giáo chủ nhiệm. Bởi thế, có mặt trong sổ sao đỏ (với lỗi vi phạm) thì xem như được nhận những cơn phẫn nộ, lôi đình của thầy cô chủ nhiệm vào cuối tuần.

Có lẽ vì thế mà học sinh vô cùng sợ mình bị xuất hiện trong cuốn sổ với những lỗi bản thân mắc phải. Thường thì em nào vi phạm thì hay tái phạm. 

Vì thế, thay vì tìm cách để khắc phục, có em lại tìm cách lấy lòng sao đỏ để không bị ghi sổ. Có người cầu cạnh, làm thân đôi khi còn được cả cha mẹ của sao đỏ, thậm chí cả thầy cô xin xỏ giúp học sinh. Thế nên đội sao đỏ nhiễm thói huênh hoang, hách dịch vì luôn thấy mình quan trọng.

Những học sinh trong đội sao đỏ thường tỏ ra mình là người có chút uy quyền, đặc biệt học sinh khối 7, khối 8 hoặc khối 10, 11, tới lớp theo dõi thì soi từng cọng rác.

Có em kĩ đến mức miết tay xuống nền phòng học để kiểm chứng độ sạch, dơ. Có đội sao đỏ còn đuổi theo bạn chạy vào tận lớp để vạch bảng tên ghi vào sổ. Có em còn tỏ thái độ yêu ghét để du di hoặc ghi thẳng tay… Thế là mâu thuẫn xảy ra và đánh chửi nhau chỉ trong tích tắc.

Có em đã biết dùng uy quyền khống chế bạn để mưu lợi về cho mình. Như bắt bạn mỗi ngày phải nộp vài nghìn mua quà, hay có đồ ăn ngon phải "cống nạp", những bạn phục tùng thì không ghi, những bạn trái ý "thì mày sẽ biết tay tao" và tên xuất hiện đầy trong sổ.

Có bạn uất ức quá phản kháng lại sẽ bị đánh. Có bạn về nhà gọi bố mẹ hay anh chị vào trường đánh dằn mặt. Đã có những vụ đánh nhau gây thương tích mà nguyên nhân cũng chỉ bắt nguồn từ sự đàn áp của đội sao đỏ.

Đã có khá nhiều ý kiến cho rằng cần dẹp bỏ đội sao đỏ trong trường học. Thế nhưng bao năm qua, đội sao đỏ vẫn tồn tại và trở thành trợ thủ đắc lực cho tổ giám thị của nhà trường.

Không phải giáo viên không biết, không hiểu những mặt trái của đội sao đỏ, nhưng nhiều trường học hiện vẫn đang bế tắc trong công tác quản lý, theo dõi học sinh. Biết rằng việc lập ra đội sao đỏ sẽ làm hỏng tuổi học trò của các em, tạo môi trường tiêu cực, theo dõi lẫn nhau nhưng không quyết liệt tìm ra biện pháp khác. 

Cách quản lý "lấy học trò quản học trò" - loại nhau, tìm ra lỗi phạt, chỉ trích nhau không tạo ra sự phát triển mà đôi khi kéo lùi nhau xuống. Nhất là khi mâu thuẫn đỉnh điểm không hoá giải được thì dẫn tới bạo lực học đường có nguyên nhân. 

Bởi thế, duy trì đội sao đỏ vẫn được xem là cách duy nhất quản trò đối với các trường phổ thông. Thế nhưng nguy cơ tiềm ẩn bên trong là bạo lực học đường sẽ có nguy cơ bùng phát bất cứ lúc nào. Nguy cơ xấu đi hình ảnh học trường, học trò nhiều hơn ích lợi.