Phạt học sinh đọc sách khi vi phạm nội quy mang lại lợi ích gì?

Ly Hương
13:38 - 29/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Thành phố Hồ Chí Minh phạt học sinh đọc sách nếu vi phạm nội quy của nhà trường.

Phạt học sinh đọc sách khi vi phạm nội quy 

Từ tháng 4/2023, Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng hình thức xử lý mới đối với học sinh vi phạm nội quy như nhuộm tóc, không bỏ áo trong quần, mang giày cao gót, đi trễ nhiều lần... Thay hình thức phạt trước đây bằng việc phạt học sinh đọc sách và viết thu hoạch từ việc đọc. 

Những học sinh vi phạm hàng tháng sẽ được tập trung lên thư viện đọc sách với sự giám sát của giáo viên. Ngoài các đầu sách được gợi ý là "Hạt giống tâm hồn", học sinh có thể lựa chọn loại sách mà mình thích trong thư viện. Sau khi đọc xong, học sinh phải viết cảm nhận và gửi về nhà trường. 

Xử phạt học sinh đọc sách trong thư viện

Xử phạt học sinh vi phạm nội quy trong nhà trường bằng hình thức phải đọc sách trong thư viện. Ảnh: Freeunsplash

Hình thức phạt vi phạm này thay cho viết bản kiểm điểm, chép phạt, dọn nhà vệ sinh trước đây.

Truyền thông dẫn lời ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân cho rằng những hình phạt cũ như làm vệ sinh hay chép phạt, kiểm điểm khó giúp học sinh thay đổi nhận thức, hành vi. Thay vào đó, việc đọc sách giúp bồi đắp tâm hồn, tác động vào nhận thức, suy nghĩ của học sinh.

"Khi các em nhận thức đúng sẽ chuyển biến thành hành động đúng. Nhiều em có những bài viết cảm nhận khá sâu sắc", ông Huỳnh Thanh Phú nói.

Ngoài những đầu sách "Hạt giống tâm hồn", Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân cho hay trường sẽ bổ sung thêm sách về chủ đề gia đình, những câu chuyện nhân văn, phong cách sống, kỷ luật bản thân, khoa học để học sinh có nhiều lựa chọn.

Việc Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân yêu cầu học sinh đọc sách nếu vi phạm nội quy thay vì bị phạt viết bản kiểm điểm, dọn nhà vệ sinh... nhận được nhiều sự quan tâm, đồng tình và hưởng ứng của dư luận.

Cùng với đó, một học sinh của trường này cũng bày tỏ quan điểm: "Em chưa trải nghiệm hình xử phạt "độc lạ" này nhưng em cho rằng dù xử phạt thế nào thì thầy cô cũng mong muốn những điều tốt đẹp nhất tới học trò của mình. Hình phạt lên thư viện đọc sách và viết cảm nhận giúp học sinh vi phạm sẽ thay đổi và còn thể nuôi dưỡng tâm hồn của mình, tích lũy kiến thức khi tạo cho mình thói quen đọc sách".

Hình thức phạt học sinh đọc sách rất nhân văn

Là giáo viên bậc trung học phổ thông nhiều năm, làm chủ nhiệm lớp có nhiều học sinh yếu, thường xuyên vi phạm nội quy kỉ luật nhà trường, thầy giáo Phan Anh, giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh hoàn toàn ủng hộ hình thức "xử phạt" theo cách của Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Bùi Thị Xuân Huỳnh Thanh Phú đang thực hiện.

Bởi lẽ, theo quan điểm của thầy giáo Phan Anh, nguyên tắc đặt ra cho người làm giáo dục (lãnh đạo, giáo viên, nhân viên trường học) là cảm hóa học sinh vi phạm nội quy bằng sự cảm thông, tình yêu thương, lòng bao dung chứ không phải bằng các hình thức trách phạt nặng.

Hình thức xử phạt đọc sách này cũng là một cách làm kiểu "mưa dầm thấm lâu". Mà khi học sinh đã "thấm lâu" thì sẽ có hiệu quả. Các em sẽ nhận ra lỗi lầm, "tâm phục khẩu phục" với cách ứng xử của thầy cô, cảm kích với sự yêu thương để rồi không phạm phải sai lầm.

Thầy giáo Phan Anh cho biết, mỗi khi học sinh nhận thức đúng về những việc làm sai trái thì bản thân các em sẽ không vi phạm nữa. Không chừng học sinh còn lan tỏa được suy nghĩ tích cực, hành vi tích cực bằng những việc làm đúng cho các bạn khác noi theo.

Ngoài ra, thực tế dạy học cho thấy, khi phương tiện nghe nhìn lên ngôi thì văn hóa đọc sách ở học sinh ngày càng mai một, dẫn đến nhiều hệ lụy nhãn tiền và sau này. Việc lười đọc, ít đọc sách sẽ dẫn đến sự thiếu hụt kiến thức đối với học sinh khiến các em không có chiều sâu tri thức, lười vận động, thiếu năng lực nghiên cứu tìm tòi.

Vậy nên, việc xử phạt đọc sách các học sinh vi phạm nội quy, sau đó cho học sinh viết bài thu hoạch cảm nhận hoặc điểm sách, ghi nhật kí đọc sách nên được nhận rộng ở nhiều trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Tuy nhiên, phạt học sinh đọc sách chưa đủ răn đe đối với các trường hợp ngoan cố

Tuy vậy, theo thầy giáo Phan Anh, đối với những học sinh vi phạm nội quy kỉ luật của nhà trường một cách có hệ thống, nếu chỉ bắt các em lên thư viện đọc sách và viết cảm nhận thì vẫn chưa đủ sức răn đe, khó giáo dục các em thành người tốt.

"Với tôi, học sinh vi phạm một số lỗi phổ biến như đi học trễ, ăn mặc lôi thôi lếch thếch, nói chuyện riêng trong lớp... thì sẽ bị xử lí theo nhiều cách, dĩ nhiên phải có trong nội quy nhà trường hoặc được hiệu trưởng cho phép.

Trước hết, tôi yêu cầu học sinh làm kiểm điểm, sau đó mang về đưa cho cha mẹ các em hoặc người giám hộ kí xác nhận để gia đình có sự hợp tác với giáo viên chủ nhiệm. Tiếp đến, tôi cho học sinh vi phạm làm trực nhật thay các bạn hoặc dọn dẹp vệ sinh với các cô chú lao công. Tùy theo mức độ vi phạm mà các em bị phạt một ngày, một tuần hay nhiều hơn nữa.

Cuối cùng, giờ sinh hoạt lớp tôi sẽ phân tích lỗi vi phạm của học sinh, ghi nhận sự tiến bộ của các em thời gian qua. Quan điểm của tôi là không phê bình học sinh trước lớp mà chỉ rút ra bài học chung cho cả tập thể", thầy giáo Phan Anh nói thêm về cách kỉ luật tích cực dành cho học sinh vi phạm nội quy.

Những bài học mà thầy giáo Phan Anh từng dạy cho học sinh là, nếu các em ăn mặc bất lịch sự thì sau này đi xin việc có khi bị rớt ngay từ "vòng gửi xe". Hoặc học sinh đi học trễ, nói chuyện riêng trong lớp thì sẽ trở thành thói quen xấu, có nguy cơ trở thành bản chất và rất khó thay đổi thành người tốt.

Và thầy giáo Phan Anh đúc kết, nếu các em không được rèn luyện, sửa chữa ở trường học thì sau này ra đời khả năng cao là sẽ vi phạm pháp luật. Lúc đó thầy cô cũng ăn năn, cảm thấy có một phần trách nhiệm vì lúc ở trường không giáo dục các em đến nơi đến chốn.

"Những chia sẻ chân thành, có lí có tình của tôi hầu như đều được các em học sinh thấu hiểu, nghe lời và hợp tác. Phụ huynh học sinh và lãnh đạo nhà trường cũng đồng tình với cách xử lí này nên công việc giáo viên chủ nhiệm của tôi nhiều năm khá trôi chảy.

Tôi nhận thấy, việc áp dụng kỉ luật tích cực đối với học sinh vi phạm nội quy không mấy khó khăn nhưng cần phải được thực hiện đồng bộ nhiều phương pháp cùng với sự nhẫn nại và tấm lòng bao dung của người thầy thì mới dần mang lại hiệu quả", thầy Phan Anh chia sẻ thêm về phương pháp giáo dục học sinh vi phạm nội quy.

Bình luận của bạn

Bình luận