Đề Ngữ văn lớp 10 đặt vấn đề "còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo nữa" có đáng tranh cãi?

An Đôn
17:37 - 30/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Yêu cầu học sinh bày tỏ quan điểm về ý kiến cho rằng nên bỏ Tết ta (Tết Nguyên đán) vì "còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo nữa" là một đề Ngữ văn gợi mở.

Ý kiến nên bỏ Tết ta nêu ra từ lúc nào?

Vừa qua, Trường Trung học phổ thông Trưng Vương (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức cho học sinh kiểm tra học kì 1 năm 2021-2022, trong đó đề Ngữ văn nhận được sự quan tâm đông đảo của dư luận xã hội.

Đề Ngữ văn lớp 10 đặt vấn đề "còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo nữa" có đáng tranh cãi? - Ảnh 1.

Đề thi có quan điểm "còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo nữa" của Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ là cơ hội cho học sinh bày tỏ quan điểm của mình.

Theo đó, câu 5 phần đọc hiểu yêu cầu học sinh viết một đoạn văn nghị luận (8 đến 10 câu), bày tỏ quan điểm về ý kiến cho rằng nên bỏ Tết ta (Tết Nguyên đán) vì "còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo nữa" (Giáo sư Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ).

Tuy nhiên, dư luận cho rằng câu nghị luận xã hội trong đề bài không nêu rõ trích dẫn ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân trong bối cảnh nào và nguồn trích dẫn có đảm bảo tính xác thực hay không.

Cần biết thêm, vào thời điểm năm 2014, Giáo sư, Tiến sĩ Võ Tòng Xuân và chuyên gia Phạm Chi Lan đưa ra ý kiến nên đón Tết cổ truyền theo dương lịch và cần sớm có lộ trình gộp Tết ta và Tết Tây. Những ý kiến này cho đến nay vẫn gay tranh cãi. Phần lớn ý kiến dư luận không đồng ý với phương án gộp Tết cổ truyền với Tết của người Tây.

Đề Ngữ văn có đáng tranh cãi?

Chia sẻ về đề kiểm tra "còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo nữa", thầy Phan Anh – giáo viên Ngữ văn ở Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, đây là một đề Ngữ văn gợi mở, cần phát huy với kiểu ra đề kiểm tra, đề thi như thế này. Bởi, đây là một đề vẫn còn nguyên tính thời sự mặc dù câu chuyện "còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo nữa" được nêu ra cách đây gần 10 năm.

"Với đề này, học sinh có quyền tự do bày tỏ quan điểm của giới trẻ chỉ ở độ tuổi 16 là rất thú vị. Chắc chắn các em sẽ có nhiều góc nhìn khác biệt so với suy nghĩ của người lớn như ông bà, cha mẹ, thầy cô. Miễn sao học sinh nêu được chính kiến thuyết phục, phù hợp với các chuẩn mực của đạo đức, văn hóa, pháp luật.

Hiện nay, vẫn còn tình trạng giáo viên bậc trung học cơ sở, trung học phổ phổ ra nhiều đề văn nghị luận xã hội rất nhàm chán vì đi theo lối mòn. Ví dụ, suy nghĩ của em về việc xả rác bừa bãi nơi cộng cộng; viết bài văn về an toàn giao thông; sự cần thiết phải có ý chí, nghị lực… Việc ra đề văn như thế làm giảm sự hứng thú của học sinh và chắc chắn khó tìm ra bài văn mới mẻ, độc đáo", thầy Phan Anh chia sẻ.

Tuy vậy, theo thầy Phan Anh, vẫn còn một chút đáng tiếc đó là, đề yêu cầu học sinh viết một đoạn văn nghị luận (8 đến 10 câu), bày tỏ quan điểm về ý kiến "còn ăn Tết ta, đất nước còn nghèo nữa" thì học sinh khó viết sâu sắc. Lẽ ra, đề nên cho học sinh viết một đoạn văn tối thiểu là 200 chữ hoặc bài văn 500 chữ thì các em sẽ có "đất" phản biện. Như thế, đề kiểm tra cần giảm các nội dung khác sao cho phù hợp với thời gian làm bài của học sinh.

Ra đề Ngữ văn 10 không dễ

Đại diện tổ Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Trưng Vương chia sẻ với báo chí rằng, kỳ kiểm tra diễn ra vào thời điểm cận Tết nên tổ lựa chọn chủ đề ngày Tết với mong muốn học sinh lớp 10 có tâm lý thoải mái vì gần gũi, quen thuộc và các em có không gian sáng tạo trong bài làm của mình. Thông qua việc đưa chủ đề này vào đề kiểm tra Ngữ văn, nhà trường cũng muốn có dịp hiểu những suy nghĩ của người trẻ về vấn đề này như thế nào.

Tuy nhiên, vị đại diện thừa nhận sai sót trong việc không nêu rõ trích dẫn ý kiến của giáo sư Võ Tòng Xuân trong bối cảnh nào đúng là sơ ý khi người ra đề đọc và lấy câu nói của giáo sư Võ Tòng Xuân "Còn ăn tết ta, đất nước còn nghèo nữa". Đồng thời vị đại diện này cũng chia sẻ, việc ra đề kiểm tra Ngữ văn lớp 10 thực sự áp lực và tổ Ngữ văn cũng đã rút kinh nghiệm để biên soạn đề kiểm tra tốt hơn.

Tập thể giáo viên dạy Ngữ văn đồng cảm với sự chia sẻ của đại diện tổ Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Trưng Vương khi ra đề kiểm tra Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bởi nhiều đề kiểm tra Ngữ văn 10 hiện nay ra chưa thật chuẩn khiến học sinh gặp nhiều khó khăn khi làm bài.

"Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, giáo viên nên cho học sinh viết bài luận (nghị luận xã hội) thì mới đánh giá đúng năng lực của các em thay vì yêu cầu phân tích, cảm nhận bài thơ hoàn toàn mới. Chương trình sách giáo khoa chỉ dạy cho học sinh một số phạm vi kiến thức thì các em sẽ không biết phân tích thơ", thầy Phan Anh đề xuất về việc ra đề kiểm tra Ngữ văn.