Nhiều khác biệt trong kiểm tra định kỳ ở các trường phổ thông đối với môn Ngữ văn

Nguyễn Khanh
07:07 - 20/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Bắt đầu từ năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo nhằm đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở trường phổ thông bằng Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH, ban hành ngày 21/7/2022.

Theo hướng dẫn, việc đánh giá kết quả học tập cuối học kì, cuối năm học, cuối cấp học, tránh dùng lại các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết để đánh giá chính xác năng lực học sinh, khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn.

Đặc biệt, Bộ cũng đã tập huấn cho đội ngũ cốt cán ở các địa phương về hình thức kiểm tra trắc nghiệm kết hợp với tự luận đối với những lớp đang giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 và nhiều tỉnh, thành đã tập huấn cho giáo viên.

Hai hình thức kiểm tra môn Ngữ văn ở các trường phổ thông hiện nay

Ngày 22/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành 4020/BGDĐT-GDTrH hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022-2023. Theo đó, Công văn đã nhấn mạnh: "Đối với môn Ngữ văn, thực hiện kiểm tra, đánh giá theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH ngày 21/7/2022 của Bộ GDĐT đối với khối lớp 6, lớp 7, lớp 10; khuyến khích các nhà trường vận dụng kiểm tra, đánh giá theo Công văn này đối với khối lớp 8, 9, 11 và lớp 12".

Như vậy, về cơ bản bắt đầu từ học kỳ I, năm học 2022-2023 thì cấp Trung học cơ sở và Trung học phổ thông sẽ thực hiện việc kiểm tra Ngữ văn theo có nhiều thay đổi so với trước đây. Những lớp thực hiện chương trình 2018 bắt buộc phải dùng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa để "liệu xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết". Các lớp đang thực hiện chương trình hiện hành (chương trình 2006) thì chỉ khuyến khích thực hiện kiểm tra theo Công văn số 3175/BGDĐT-GDTrH.

Tuy nhiên, đối với những lớp thực hiện chương trình mới, bên cạnh việc lấy ngữ liệu ngoài sách giáo khoa thì nhiều địa phương đã thực hiện hình thức kiểm tra định kỳ (giữa kỳ, cuối kỳ) bằng trắc nghiệm khách quan kết hợp với tự luận theo tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo đó, đề kiểm tra sẽ gồm phần đọc hiểu và phần viết. Phần Đọc hiểu sẽ có 8 câu trắc nghiệm (4,0 điểm) và 2 câu tự luận (mỗi câu 1,0 điểm). Phần Viết sẽ có 1 câu (4,0 điểm).

Việc thực hiện kiểm tra môn Ngữ văn theo hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận sẽ giúp cho học sinh dễ lấy điểm hơn trước đây. Hơn nữa, cấu trúc đề kiểm tra cũng nhẹ hơn hình thức kiểm tra tự luận hoàn toàn.

Bởi vì trước đây, khi thực hiện tự luận hoàn toàn ở môn Ngữ văn thì phần đọc hiểu có tháng điểm từ 3- 4 điểm; phần làm văn (viết) có thang điểm từ 6-7 điểm. Chính vì vậy, nếu học sinh không nắm được phần làm văn cũng đồng nghĩa sẽ phải nhận điểm yếu, kém trong kiểm tra học kỳ.

Bây giờ, khi các lớp đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận trong kiểm tra định kỳ sẽ giúp cho học sinh thuận lợi hơn trong kiểm tra. Phần đọc hiểu đã ấn định là 6,0 điểm mà có trắc nghiệm nên học sinh chỉ cần nắm được kiến thức cơ bản cũng dễ dàng lấy 5,0 điểm. Phần viết 4,0 điểm thì học sinh cũng không khó để lấy điểm 2. Vì thế, khi kiểm tra môn Ngữ văn bằng hình thức trắc nghiệm kết hợp với tự luận thì phần nhiều học sinh sẽ đạt ngưỡng 5-6 điểm trở lên.

Tuy nhiên, điều mà giáo viên ở các nhà trường là hiện nay đối với những lớp đang giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa có sự thống nhất về hình thức kiểm tra. Bộ Giáo dục và Đào tạo giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục quyết định hình thức kiểm tra học sinh. 

Cần thống nhất hình thức kiểm tra môn Ngữ văn

Khi một số địa phương tiến hành tập huấn "ma trận" đề kiểm tra môn Ngữ văn đối với những lớp thực hiện chương trình 2018 và thông tin này được phản ánh qua các phương tiện thông tin đại chúng. Ngày 18/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chính thức thông tin về việc có hay không sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận trong kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn.

Theo thông tin Bộ cung cấp cho báo chí thì Bộ không có văn bản nào hướng dẫn hoặc chỉ đạo việc bắt buộc sử dụng hình thức trắc nghiệm khách quan kết hợp tự luận trong kiểm tra đánh giá định kì đối với môn Ngữ văn.

Theo đó, để triển khai thực hiện Chương trình 2018, Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tập huấn giáo viên cốt cán toàn quốc nhằm nâng cao năng lực của giáo viên về xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá các môn học theo chương trình mới. Một trong những nội dung tập huấn là hướng dẫn kĩ thuật viết câu hỏi trắc nghiệm khách quan (đây là phần chung dành cho tất cả các môn học).

Việc tập huấn nhằm giúp giáo viên nắm được các công cụ đánh giá khác nhau, tính ưu việt của từng công cụ, qua đó quyết định sử dụng phù hợp, hiệu quả từng công cụ trong đánh giá, đảm bảo phát huy được năng lực, phẩm chất của học sinh. Trên nguyên tắc giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục về chuyên môn, giáo viên căn cứ vào yêu cầu cần đạt của Chương trình Giáo dục phổ thông môn Ngữ văn để lựa chọn các hình thức kiểm tra, đánh giá theo đúng quy định.

Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tập huấn cho đội ngũ cốt cán, tài liệu đã phát ra và gửi đến các nhà trường. Nhiều địa phương đã tiến hành tập huấn đại trà cho giáo viên và chỉ đạo sẽ áp dụng đối với những lớp thực hiện chương trình mới (lớp 6, lớp 7 và lớp 10) nên đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện hình thức kiểm tra trắc nghiệm kết hợp với tự luận khi kiểm tra môn Ngữ văn.

Thời điểm này, các địa phương, nhà trường đã chuẩn bị bước vào kiểm tra cuối học kỳ I và phần nhiều các địa phương đã thực hiện hình thức kiểm tra trắc nghiệm kết hợp với tự luận khi kiểm tra môn Ngữ văn đối với những lớp giảng dạy chương trình mới. Những lớp thực hiện chương trình 2006 thì vẫn thực hiện như trước đây, chỉ khác là ngữ liệu phần đọc hiểu lấy hoàn toàn ngoài sách giáo khoa.

Điều này cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ động thống nhất hình thức kiểm tra đối với môn Ngữ văn bởi không thể để tình trạng mỗi nơi mỗi kiểu. Vì các học sinh cũng sẽ đi tới một kỳ thi chung ở lớp 12.

Nếu để địa phương tự quyết định hình thức kiểm tra như hiện nay, khi đối diện với kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, học sinh nhiều nơi sẽ lúng túng với cách ra đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Một chương trình đã cùng hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực cho học sinh, cùng thống nhất đầu ra thì lẽ nào để mỗi nơi thực hiện kiểm tra, đánh giá khác nhau?