Đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại vụ cô giáo Lê Thị Dung

Lam Linh
13:06 - 13/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tại phiên tòa phúc thẩm, do có nhiều tình tiết chưa được làm rõ trong bản án sơ thẩm xét xử bị cáo Lê Thị Dung nên đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị huỷ bản án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại từ đầu.

Sáng 13/6, ngày thứ hai diễn ra phiên toà phúc thẩm xét xử bị cáo Lê Thị Dung (nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) và Nguyễn Thị Hương (nguyên Kế toán Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Phiên phúc thẩm được mở do có đơn kháng cáo của bị cáo Lê Thị Dung và kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An.

Đề nghị hủy án sơ thẩm, điều tra lại vụ cô giáo Lê Thị Dung - Ảnh 1.

Bị cáo Lê Thị Dung (áo trắng) trong phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ảnh: Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An

Vì sao Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị hủy bản án sơ thẩm vụ cô giáo Lê Thị Dung?

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, ngày 25/4, bị cáo Lê Thị Dung kháng cáo bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Hưng Nguyên với các nội dung sau: Thông tư số 28/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo mà các cơ quan tố tụng huyện Hưng Nguyên sử dụng để buộc tội bị cáo không áp dụng cho Trung tâm Giáo dục thường xuyên; Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên được xây dựng, áp dụng cho mọi thành viên trong trung tâm, không chỉ áp dụng riêng cho giám đốc; Có vi phạm tố tụng trong việc thu thập chứng cứ, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử; Đề nghị cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ vụ án.

Xét đơn kháng cáo của bị cáo Lê Thị Dung, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An cho biết, trong Kết luận điều tra số 62 của cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Hưng Nguyên, kết luận bị cáo Lê Thị Dung đã kê khai một số nội dung thanh toán 2 lần đối với một nghiệp vụ tài chính phát sinh trong giai đoạn 2012-2017.

Cụ thể, bị cáo Lê Thị Dung đã thanh toán lần 1 các nội dung: bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bị cáo Lê Thị Dung vẫn tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) với số tiền hơn 44,7 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được chuyển vào số tài khoản cá nhân của bị cáo Lê Thị Dung.

Ngoài ra, bị cáo Lê Thị Dung còn trực tiếp kiểm tra, ký duyệt, đồng ý cho các cán bộ, giáo viên khác thanh toán tiền thừa giờ không có trong quy định tại Thông tư số 28 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo với tổng số tiền hơn 175 triệu đồng.

Nguyễn Thị Hương là kế toán của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, phát hiện một số nội dung kê khai hoạt động chuyên môn, thanh toán tiền thừa giờ của bà Lê Thị Dung chuyển đến không đúng quy định pháp luật.

Nhưng vì là cấp dưới của bà Lê Thị Dung, để thuận lợi trong công tác nên bà Nguyễn Thị Hương vẫn làm các thủ tục chứng từ cho bà Lê Thị Dung để thanh toán.

Các khoản tiền nêu trên qua giám định tài chính đều xác định gây thiệt hại cho ngân sách của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. 

Tuy nhiên khi đánh giá tính chất, mức độ tội phạm, bản án sơ thẩm của tòa án Hưng Nguyên lại xác định: "Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao của Lê Thị Dung là Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên đã nhiều lần (trong đó có hai lần, mỗi lần trên 10 triệu đồng vào các năm học 2014-2015, 2015-2016) chiếm đoạt tài sản từ nguồn ngân sách nhà nước cấp với tổng số tiền hơn 48 triệu đồng". 

Nguyễn Thị Hương cũng nhiều lần giúp sức cho bị cáo Lê Thị Dung chiếm đoạt số tiền 48 triệu đồng nên đủ yếu tố cấu thành tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" quy định tại điểm b, khoản 2, điều 356 Bộ luật Hình sự.

Bản án sơ thẩm của Tòa án Nhân dân huyện Hưng Nguyên cũng nhận định: Bị cáo Lê Thị Dung đã tự kê khai và một số giáo viên khác cũng tự kê khai quy đổi ra tiết dạy cho từng năm học. Bị cáo Lê Thị Dung đã ký, duyệt chi thanh toán không đúng quy định của Nhà nước số tiền của bản thân là 103 triệu đồng và các giáo viên khác là 175 triệu đồng.

Như vậy, quá trình điều tra chưa xác định rõ được trách nhiệm đầy đủ của bị cáo Lê Thị Dung, Nguyễn Thị Hương và những người liên quan khác đối với số tiền đã chi cho bị cáo Lê Thị Dung là hơn 103 triệu đồng, chi cho các giáo viên khác là hơn 175 triệu đồng.

Riêng đối với khoản tiền trên 48 triệu đồng nằm trong tổng số tiền hơn 103 triệu đồng bị cáo Lê Thị Dung lập chứng từ thanh toán, cấp sơ thẩm kết luận bị cáo Lê Thị Dung chiếm đoạt, vi phạm tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ” là không đáp ứng cấu thành của điều 356, Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là trường thuộc hạng 5, theo Thông tư số 48 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo quyết định của Uỷ ban Nhân dân huyện Hưng Nguyên, Trung tâm Giáo dục thường xuyên là loại hình đơn vị sự nghiệp có thu, tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên và thực hiện chế độ tự chủ.

Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An cho rằng, quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cấp sơ thẩm chưa làm rõ được nội dung việc đi học cao học, tập huấn, việc kiểm tra trong ngày làm việc bình thường, trực hè, bí thư chi bộ bồi dưỡng cho giáo viên, tuyển sinh.

Từ các nội dung trên, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An nhận định, cấp sơ thẩm chưa làm rõ được các nội dung cần thiết để bảo đảm việc xét xử và việc giải quyết vụ án một cách toàn diện, triệt để.

Do đó, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Nghệ An đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ điểm c khoản 1 điều 355 và điểm d khoản 1 điều 358 Bộ luật Hình sự, hủy bản án sơ thẩm số 17 ngày 24/4/2023 của Tòa án Nhân dân huyện Hưng Nguyên để để điều tra, xét xử lại vụ án.

Trước đó, trong các ngày 7, 10, 11, 17 và 24/4, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm công khai vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" đối với bị cáo Lê Thị Dung (51 tuổi), nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Theo hồ sơ vụ việc, với chức vụ Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, bị cáo Lê Thị Dung đã kê khai một số nội dung thanh toán 2 lần đối với một nghiệp vụ tài chính phát sinh trong giai đoạn 2012-2017.

Cụ thể, bị cáo Lê Thị Dung đã thanh toán lần 1 các nội dung: bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bị cáo Lê Thị Dung vẫn tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) với số tiền hơn 44,7 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được chuyển vào số tài khoản cá nhân của bị cáo Lê Thị Dung.

Bà Lê Thị Dung bị bắt tạm giam từ ngày 28/3/2022.

Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Hưng Nguyên truy tố bà Lê Thị Dung tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điểm b, khoản 2, điều 356 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 5 đến 10 năm tù.

Sau 4 ngày xét xử, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung 5 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam.