Bản án 5 năm tù dành cho cô giáo Lê Thị Dung có áp dụng sai quy định pháp luật?

Lam Linh
06:30 - 07/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Liên quan tới vụ án cô giáo Lê Thị Dung - Giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) nhận mức án 5 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ", dư luận cho rằng Hội đồng xét xử đã áp dụng sai luật và bản án này quá nặng.

Tòa án Nhân dân huyện Hưng Nguyên, Nghệ An có làm sai luật khi xét xử cô giáo Lê Thị Dung?

Bản án 5 năm tù dành cho cô giáo Lê Thị Dung có áp dụng sai quy định pháp luật? - Ảnh 1.

Luật sư Lê Minh (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội). Ảnh: NVCC

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Công dân và Khuyến học, Luật sư Lê Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Vì không được tiếp xúc với hồ sơ vụ án nên tôi không có đủ cơ sở để khẳng định việc cô giáo Lê Thị Dung chi sai cụ thể là như thế nào và có cố ý chi sai hay không. Tuy nhiên, nếu có đủ cơ sở để xác định rằng cô giáo Lê Thị Dung không cố ý chi sai chế độ (ví dụ: mặc dù chi không đúng quy định, nhưng chi theo đúng hướng dẫn của các cơ quan quản lý) thì không thể kết tội cô giáo Lê Thị Dung. Bởi lẽ, tội phạm theo quy định tại điều 356 Bộ luật Hình sự phải được thực hiện với lỗi cố ý".

Luật sư Lê Minh cho rằng, nếu hành vi của cô giáo Lê Thị Dung đã thỏa mãn yếu tố cấu thành tội phạm, thì từ thông tin báo chí có thể thấy việc áp dụng khoản 2, điều 356 - Bộ luật Hình sự thay vì áp dụng khoản 1, điều 356 - Bộ luật Hình sự của tòa án sơ thẩm là không sai nguyên tắc hướng dẫn tại Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.

Trường hợp này cần áp dụng khoản 2, Điều 4, Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Sau khi thông tin vụ việc của cô giáo Lê Thị Dung được đăng tải, một số người cho rằng tòa án sơ thẩm áp cô giáo Lê Thị Dung phạm tội "2 lần trở lên" với số tiền thiệt hại là 45 triệu đồng để định khung 5-10 năm tù là không đúng theo quy định tại khoản 2, điều 8, Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Bàn về điều này, Luật sư Lê Minh nhận định ý kiến trên là không phù hợp. Theo Luật sư Lê Minh, khoản 2, điều 8, Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chỉ hướng dẫn về trường hợp tội phạm thỏa mãn cả hai tình tiết định khung trong cùng một điều luật.

Bình luận về bản án 5 năm tù dành cho cô giáo Lê Thị Dung, Luật sư Lê Minh nói thêm: "Xét về tính chất, mức độ phạm tội thì cần linh hoạt áp dụng các quy định về tình tiết giảm nhẹ. Điều 54 - Bộ luật Hình sự cho phép áp dụng hình phạt dưới khung thấp nhất của khoản liền kề. Trong khi khoản 1, điều 356 - Bộ luật Hình sự có quy định hình phạt là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm".

"Cho nên theo tôi, có thể áp dụng hình phạt quy định tại khoản 1, điều 356 - Bộ luật Hình sự dành cho cô giáo Lê Thị Dung" - Luật sư Lê Minh bày tỏ ý kiến.

Như vậy, bản án 5 năm tù mà Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) tuyên phạt cô giáo Lê Thị Dung là không sai quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, luật sư Lê Minh cho rằng, đối với trường hợp cô giáo Lê Thị Dung, tòa án có thể linh hoạt áp dụng các quy định về tình tiết giảm nhẹ.

Có thể áp dụng tình tiết giảm nhẹ trong bản án dành cho cô giáo Lê Thị Dung?

Theo cáo trạng, trong giai đoạn 2012-2017, cô giáo Lê Thị Dung - khi đó là bí thư chi bộ, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (nay là Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên), đã nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt số tiền hơn 48,3 triệu đồng từ ngân sách nhà nước.

Cụ thể, trong quá trình công tác, cô giáo Lê Thị Dung đã chủ trì xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó có một số khoản chi không đúng quy định pháp luật. Một số khoản thanh toán 2 lần cho một nội dung như: đã nhận được phụ cấp cấp ủy nhưng vẫn được tính 3 tiết/tuần cho chức danh bí thư chi bộ; đã được hỗ trợ khi đi học cao học nhưng vẫn được tính 2 tiết/tuần để thanh toán…

Tổng số tiền gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước theo cáo trạng là 48,3 triệu đồng. Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên đã rút xuống còn gần 45 triệu đồng.

Viện Kiểm sát nhân dân huyện Hưng Nguyên cho rằng, do bà Lê Thị Dung thanh toán nhiều lần trong nhiều năm nên rơi vào trường hợp "phạm tội nhiều lần" và bị truy tố ở khung hình phạt 5-10 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Sau đó, bà Lê Thị Dung bị Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 5 năm tù về tội danh trên theo khoản 2, điều 356, Bộ luật Hình sự.

Trước đó, trong các ngày 7, 10, 11, 17 và 24/4, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm công khai vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" đối với bị cáo Lê Thị Dung (51 tuổi), nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Theo hồ sơ vụ việc, với chức vụ Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, bị cáo Lê Thị Dung đã kê khai một số nội dung thanh toán 2 lần đối với một nghiệp vụ tài chính phát sinh trong giai đoạn 2012-2017.

Cụ thể, bị cáo Lê Thị Dung đã thanh toán lần 1 các nội dung: bí thư chi bộ; hỗ trợ học cao học và tập huấn, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, bị cáo Lê Thị Dung vẫn tiếp tục quy đổi các nội dung này ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ (thanh toán lần 2) với số tiền hơn 44,7 triệu đồng. Toàn bộ số tiền này được chuyển vào số tài khoản cá nhân của bị cáo Lê Thị Dung.

Bà Lê Thị Dung bị bắt tạm giam từ ngày 28/3/2022.

Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Hưng Nguyên truy tố bà Lê Thị Dung tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" theo điểm b, khoản 2, điều 356 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt từ 5 đến 10 năm tù.

Sau 4 ngày xét xử, Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên tuyên phạt bị cáo Lê Thị Dung 5 năm tù, thời hạn tù tính từ ngày tạm giữ, tạm giam.