Cô giáo Lê Thị Dung ở Nghệ An bị kết án 5 năm tù: Đã xử đúng người đúng tội?

Tuyết Trinh
15:18 - 06/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hình phạt và cách áp dụng hình phạt với một cô giáo đã có nhiều năm lao động, cống hiến cho nền giáo dục khiến dư luận thắc mắc. Số tiền "gây thiệt hại cho Nhà nước" là 45 triệu đồng lãnh một bản án 5 năm tù giam liệu có là khắc nghiệt?

Thông tin trên Báo Tuổi trẻ: Cô giáo chiếm đoạt 45 triệu đồng bị tuyên 5 năm tù. Theo đó, nhân vật chính là bà Lê Thị Dung (cựu giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) bị tuyên án 5 năm tù vì gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 45 triệu đồng trong 6 năm.

Những quyết định chưa thuyết phục

Có thể nói, trong những ngày qua, thông tin về vụ việc cô giáo tại Nghệ An đã bị kết án 5 năm tù về tội "gây thiệt hại cho Nhà nước" số tiền 45 triệu đồng thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều người theo dõi và cả các chuyên gia cũng đã lên tiếng đặt dấu hỏi về hình phạt nặng nề này. 

Bên cạnh đó cũng có những ý kiến phân tích trái chiều, soi rõ hành vi phạm tội và những người liên quan trong vụ việc.

Trên Facebook, tác giả Hoàng Nguyên Vũ đã đưa ra những quan điểm của mình về cách xử trí khiến nhân vật phải "kêu oan" đã là một điều không đáng có trong ngành xét xử. Tác giả cũng khẳng định quan điểm, việc xử cô Dung 5 năm tù đã thể hiện sự không minh bạch và thiếu công bằng.

Tuy nhiên, tác giả cũng đề cập tới một góc nhìn khác về sự việc, khi soi rõ hành vi phạm tội của cô giáo có liên quan tới một số nhân vật khác...

Cũng từ sự việc này, có nhiều dư luận khác nhau, nhưng chúng ta có thể nhìn nhận sự việc dưới góc độ cảm thông và chia sẻ như quan điểm của Nhà báo Nguyễn Đức Hiển - Phó tổng biên tập báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh.

Vì sao bị kêu oan? Chúng ta chưa thể có được những bằng chứng chính xác và phân tích rõ ràng về tình huống phạm tội. Vì thời gian diễn tiến của vụ việc cũng khá dài. 

Tuy nhiên, xét ở góc độ xã hội, các thầy cô giáo đều là những bậc đáng kính, đặc biệt, đối với những thầy cô giáo đang nắm giữ vị trí, vai trò quan trọng trong xã hội.

Với truyền thống tôn sư trọng đạo của người Việt Nam, có hai nghề trong xã hội luôn nhận được nhiều sự kính trọng, yêu thương và che chở đó là nghề thầy thuốc và thầy giáo.

Đôi khi trong cuộc sống, chúng ta sẽ bắt gặp sai sót của một vài cá nhân. Như câu chuyện mới đây, về một bác sĩ giỏi đã "gặp nạn" trong quá trình bị đưa ra xét xử về tội vi phạm quy định về "đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng". Cộng đồng xã hội tiếc cho vị bác sĩ có tài này phải chịu án tù.

Hay như trường hợp một hiệu trưởng lĩnh án tù mà Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học cũng đã từng đưa tin: cô hiệu trưởng đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm 50 lớp học thu tiền của phụ huynh trái quy định, các khoản thu bao gồm: Quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh; lệ phí học nghề; in sao đề thi và giấy thi; hỗ trợ tiền điện; lập Quỹ Thắp sáng ước mơ và nộp về cho thủ quỹ... Số tiền này lên tới hơn 1,4 tỉ đồng - một con số khá lớn, khiến dư luận hết sức bất bình.

Tuy nhiên, những trường hợp trên đây đều hiếm gặp trong môi trường giáo dục và y đức. Ở góc độ nghề nghiệp, những con người phải sống trong những áp lực lớn lao về trách nhiệm, tay nghề và sự tâm huyết khi xử tội cần được nhìn ở thêm một chút bao dung.

Dưới "chiếc áo" áp lực và trách nhiệm

Áp lực và trách nhiệm là những điều khó khăn vô hình với nghề giáo hay nghề y. Những khái niệm đó là thử thách lớn đối với con người - vốn có những lúc yếu đuối và sai lầm.

Không ai trên đời có thể thoát khỏi vấp ngã. Dù là bác sĩ hay nhà giáo, nếu họ phạm tội, vẫn cần áp dụng đúng luật, đúng tội. 

Nhưng cũng không vì thế mà chúng ta đánh mất tình cảm và sự bao dung, để những bản án "gây hậu quả nghiêm trọng" liệu có thực sự nghiêm trọng? 

Trở lại với chuyện cô giáo Dung, được biết ở vị trí của cô, phải luôn giữ mình vừa là một cô giáo tâm huyết, có tay nghề chuyên môn nghiệp vụ cao, vừa là một Đảng viên bản lĩnh, gương mẫu và trong sáng. Vì đâu lại phải chịu một bản án tù giam một cách nghiêm khắc?

Chắc chắn, cô Dung đã không thể chứng minh được mình vô tội. Nhưng đâu đó, vẫn có những băn khoăn: Tại sao chỉ một khoản thu được minh họa qua các khoản trợ cấp (khoảng hơn 300 ngàn đồng/tháng, theo thông tin báo chí đăng tải) cô vẫn phải chịu một bản án khắt khe?

Thêm vào đó, xét về "hành vi phạm tội" của cô Dung có những tình tiết đáng xem xét. Trong đó, với một khoảng thời gian dài (6 năm) và nhận một khoản tiền không quá lớn (khoảng hơn ba trăm ngàn đồng/tháng). "Hành trình" 6 năm ấy có thể nào khiến cô phải ra trước vành móng ngựa? 

Theo chia sẻ của nhà báo Nguyễn Đức Hiển đã bày tỏ về góc nhìn "cô giáo vô tội" (tức không cần xử lý hình sự). Trong đó có 4 luận điểm nhà báo đưa ra bao gồm: Việc bỏ tù (bao gồm cả tạm giam) cô giáo Dung có cần thiết hay không? Theo nhà báo, hoàn toàn có đủ điều điện để cô được tại ngoại theo Điều 121 Bộ Luật Tố tụng Hình sự. 

Ở góc độ mức án, nhà báo chia sẻ, có nhiều điều khiến dư luận nhìn thấy hành vi của cô Dung không nguy hiểm đến mức bị xử lý hình sự. 

Trong đó, chi tiết có tới hàng chục năm để phạm tội "lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi", số tiền chỉ là 45 triệu đồng, tức mỗi tháng Giám đốc Dung "trục lợi" chừng 350 ngàn đồng.

Về mặt chủ quan của tội phạm, cô giáo Dung vẫn cho rằng mình vô tội. Từ đó, nhà báo đã phân tích về thực tế đang có sự hiểu khác nhau về áp dụng phụ cấp công tác đảng và phụ cấp của người đứng đầu cơ sơ giáo dục công lập. Đây là hai khoản mà cô Dung đều được nhận, nhưng bị coi là thanh toán trùng, vi phạm pháp luật. 

Bên cạnh đó, về chỉ đạo và chủ trương của Đảng trong phạm vi pháp luật cho phép, là tìm kiếm và thực thi các giải pháp thay thế một số hoạt động tố tụng.

Chưa kể, theo luật định "những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác".

Như vậy, tác giả đã đặt dấu hỏi: bản án này liệu có được sự tâm phục, khẩu phục của các bên, sự đồng tình của dư luận xã hội, chi phí của Nhà nước và xã hội?

Tăng nặng hay giảm nhẹ, cần gì để răn đe những sai phạm trong ngành giáo dục?

Cũng theo phân tích của Nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Tòa có dấu hiệu vận dụng sai tình tiết định khung tăng nặng.

Được biết, trong công tác xét xử, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ là một trong những căn cứ quan trọng để Tòa án quyết định một mức hình phạt cụ thể đối với người phạm tội.

Để có thể quyết định một mức hình phạt phù hợp tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội thì cần hiểu rõ và phải có kỹ năng để áp dụng đúng nội dung của các tình tiết đó.

Kết quả của việc xem xét các tình tiết sẽ có hai hướng: tăng nặng và giảm nhẹ. Trường hợp được giảm nhẹ sẽ rơi vào có tình tiết nhất định mà tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm giảm xuống một cách khác hẳn so với trường hợp thông thường của một loại tội. Đối với một tội phạm có thể không có, có một hoặc có nhiều khung hình phạt giảm nhẹ.

Quy định pháp luật có thể áp dụng giảm nhẹ trong trường hợp của cô giáo Dung hay không? Đó là việc của pháp luật và các cơ quan xét xử.

Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục, việc xử lý hình sự thường không phải là giải pháp tốt nhất. Ngay cả đối với hàng ngũ giáo viên và học trò.

Thay vào đó, suy xét kỹ càng để giải quyết được bài toán giáo dục thấu đáo, uốn nắn sẽ là giải pháp tốt nếu như hành vi phạm tội không để lại hậu quả quá nghiêm trọng. Bạn có thể thấy được sự nghiêm trọng của việc "biển thủ" mỗi tháng vài trăm ngàn đồng hay không, đó là tùy thuộc vào quan điểm nhìn nhận của mỗi người.

Qua bài học từ chuyện của cô giáo Dung, chúng ta vẫn cần nhắc nhở nhau trong mọi tình huống, tránh những lợi ích nhỏ mà quên đi nghĩa vụ lớn, hiệu quả - thành quả lớn lao là điều được mọi người cùng chung tay xây dựng.

Trong môi trường giáo dục, việc đặt lợi ích của tập thể lên cao nhất lại càng trở nên quan trọng, nếu chỉ một người vì lợi ích cá nhân mà gây hại cho người khác hoặc gây hại cho tập thể, thì sớm muộn gì cũng sẽ chịu những hình phạt nặng nề!

Chúng ta có thể hiểu rằng, hiện tại cô Dung đang phải hứng chịu một hình phạt khá nghiêm khắc, nhưng biết đâu, sau đây, sẽ có nhiều người khác cũng sẽ chịu những hình phạt còn nặng nề hơn. 

Nếu không biết ăn năn, thay đổi cách sống, cách làm việc, cách phối hợp, đặc biệt trong môi trường giáo dục mà yếu tố gương mẫu càng phải tôn lên làm đầu.