Đạo đức trong thời đại khoa học - kỹ thuật lên ngôi

GS.TS Phạm Tất Dong
13:00 - 05/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Xét về khía cạnh nào đó, đạo đức xã hội tạo ra sự hưởng thụ công bằng cho tất cả mọi người khi nền kinh tế dần phát triển đi lên.

Đạo đức trong thời đại khoa học - kỹ thuật lên ngôi

Việc mang thai hộ là kỹ thuật vượt ra khỏi quy luật sinh đẻ tự nhiên của loài người. Ảnh: Times Michigan

Đạo đức có tỉ lệ thuận với mức độ phát triển công nghệ - kỹ thuật?

Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ 20, người ta bắt đầu bàn tán, tranh luận về một vấn đề mới lúc bấy giờ: Việc mang thai hộ (Surrogate parenthood).

Đó là hiện tượng thuê người mang thai và đẻ hộ đứa con "chính hiệu" của cặp vợ chồng không có khả năng sinh con vì người vợ mất điều kiện mang thai và sinh đẻ. Cuối thập niên ấy, ở Mỹ đã có hơn 1000 cháu bé ra đời nhờ vào các bà mẹ thay thế. Trong xã hội Mỹ, người đồng tình và người phản đối dịch vụ mang thai hộ tranh luận dữ dội.

Một phụ nữ da đen được vợ chồng người Mỹ da trắng nhờ mang thai hộ. Hợp đồng ghi rõ ràng điều kiện phải thực hiện giữa hai phía. Trước ngày sinh nở, bà mẹ da đen thấy thương yêu đứa bé da trắng đang nằm gọn trong bụng mình, mặc dù biết nó chẳng có mảy may huyết thống của mình, nhưng người phụ nữ ấy tuyên bố đẻ xong sẽ không giao đứa bé cho vợ chồng người da trắng. Thế là đôi bên phải đưa nhau ra tòa án.

Vào thời điểm ấy, cô Christa mới 22 tuổi, do không có tử cung nên bàn với chồng là Kenvin Uchytil nhờ mẹ đẻ là bà Arlette Schweitzer mang thai hộ. Thương con gái và con rể, bà đồng ý. Năm ấy, bà Schweitzer mới 42 tuổi, nghĩa là bà rất sung sức trong việc mang thai, bảo đảm cháu mình sẽ được nuôi dưỡng tốt trong bụng mình. Tại bệnh viện Minneapolis, bà Arlette Schweitzer đã sinh ra đứa cháu ngoại, một sản phẩm của sự kết hợp trứng của Christa và tinh trùng của Kevin. Ca đẻ thành công "bà tròn cháu vuông". Thiên hạ không đồng tình bởi nhiều người bảo là một sự lạ bà ngoại đẻ ra cháu, có cái gì đó sai về đạo lý!

Cừu Dolly - sự nhân bản vô tính thách thức loài người?

Ngày 5/7/1996, báo chí trên thế giới công bố về sự ra đời của con cừu Dolly - một động vật cấy nhân tạo đầu tiên bằng kỹ thuật dòng hóa. Dòng hóa thường được gọi là nhân bản vô tính, là quá trình tạo ra các tế bào hoặc những cá thể giống nhau về mặt di truyền từ một hoặc một số tế bào ban đầu một cách tự nhiên hoặc nhân tạo.

Con cừu Dolly là kết quả của sinh sản vô tính, tức là sinh ra nhờ phương pháp sinh sản đơn không thông qua thụ tinh (không phân biệt giới tính). Con cừu này được tạo ra từ một tế bào vú của một con cừu cái. Thông qua quá trình sử dụng công nghệ sinh sản vô tính, Dolly ra đời y như một bản photocopy của mẹ nó. Nó giống mẹ nó từ hình dáng, kích thước, màu lông, màu mắt và cả tuổi tác. Nó là sản phẩm khác biệt với các cừu khác ở chỗ, những con cừu kia là sản phẩm bằng cách kết hợp vật chất di truyền từ hai sinh vật, một đực và một cái.

Để có Dolly, phòng thí nghiệm phải tốn sức gấp bội so với cách sinh đẻ tự nhiên của tạo hóa. 277 trứng được sử dụng để tạo ra 29 bào thai, trong đó chỉ có 3 phát triển và chỉ có một sống sót. Đó là Dolly.

Sau khi Dolly ra mắt thế giới, các nhà khoa học đã làm ra 70 con cừu khác qua 9000 thử nghiệm, nhưng có trên 50 chết ngay khi sơ sinh. Con lừa Prometea được cấy tạo thành công sau 328 lần thử nghiệm.

Đạo đức trong thời đại khoa học - kỹ thuật lên ngôi

Cừu Dolly - động vật có vú đầu tiên được nhân bản vô tính từ một tế bào trưởng thành năm 1996 trong một thí nghiệm của Viện Roslin, trực thuộc Đại học Edinburgh, Scotland. Ảnh: Thomas

Tháng 7/1988, tại trung tâm nghiên cứu gia súc Ishikawa (Nhật Bản), người ta thành công trong việc tạo ra 2 con bò Noto và Kaga bằng sinh sản vô tính.

Tháng 8/2005, Hwang Woo-suk (Hàn Quốc) cho ra đời con chó Snuppy.

Bây giờ, chí ít đã có khoảng 25 loại động vật ra đời bằng công nghệ nhân bản vô tính, trừ con người. Các quốc gia đều đang cấm tạo ra con người theo công nghệ này, tuy nhiên, ở đâu đó người ta vẫn nghi ngờ có những phòng thí nghiệm vẫn âm thầm, bí mật tạo ra những con người mà không có lý lịch, họ hàng thân thuộc.

Sinh sản vô tính đang chứng minh sự tích cực của nó trong việc tạo ra những thực phẩm được cải thiện về chất lượng và an toàn. Nó cũng giúp vào việc khắc phục nguy cơ tuyệt chủng của một số loài... Con người hoan nghênh mặt tích cực này, song rất nhiều người hỏi: Tại sao lại cấm làm ra những con người bằng phương pháp nhân bản vô tính?

Chính phủ các nước hết sức đắn đo về vấn đề đạo đức trước câu hỏi này.

Vâng, nếu có một đạo luật cho phép tạo ra con người bằng sinh sản vô tính thì ai đó thích tạo ra chính mình được chăng? Và tất cả mọi người đều muốn có nhân vật giống mình từ màu da, màu tóc, làn mi cong, nước da trắng hồng và giọng nói dễ thương như chính mình - nghĩa là có cái "Tôi" thứ hai thì số lượng thực trên thế giới có đủ cho nhân loại bỗng dưng tăng gấp rưỡi, gấp đôi hay không?

Vâng, nếu người yêu của bạn chết đi, bạn muốn có một hình dáng ấy tái tạo lại để bạn bớt đau khổ thì việc xuất hiện lại một người từ quá khứ sẽ ra sao?

Vâng, nếu có một cuộc chiến nổ ra, nhiều người sợ ra trận, song nếu như có hàng trăm người như bạn được làm ra từ các phòng thí nghiệm (được làm sẵn như một đội quân dự trữ) sẽ ra chiến trường và hi sinh, bạn có khóc thương họ không hay yên tâm có bản photocopy của ta đã làm nghĩa vụ cho ta rồi?

Lúc đó, đạo đức con người lên tiếng, lương tâm sẽ mở phiên tòa ảo xét xử bạn!

Đạo đức trong thời đại chúng ta

Trên đây chỉ là một giả định, một dòng tư duy phản biện trước một hiện tượng mới của thời đại. Tôi sưu tầm 2 câu chuyện này để tạo thành một thông điệp:

Khi trong tay chúng ta có một kỹ thuật thật hiện đại, khi làm chủ một công nghệ cao, cũng là khi ta phải đối mặt với đạo đức bằng một thái độ cực kỳ nghiêm túc.
Đạo đức trong thời đại khoa học - kỹ thuật lên ngôi- Ảnh 4.Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong

Bây giờ trở lại câu chuyện đạo đức thường ngày của chúng ta.

Năm 2002, được sự tài trợ của chương trình hợp tác y tế Việt Nam - Thụy Điển, tôi đã cho ra mắt độc giả cuốn sách "User fee, Health insurance and utilization of health services" (Viện phí, bảo hiểm y tế và sử dụng dịch vụ y tế) mà tôi đứng chủ biên.

Một trong những nội dung tôi chú ý phân tích là sự công bằng trong hưởng thụ dịch vụ y tế không tự có do tăng trưởng kinh tế. Tôi nói chuyện về chuyên đề này ở nhiều nơi, khiến ông phụ trách chương trình hợp tác, người Thụy Điển, gọi đùa tôi là Ông "bảo hiểm".

Ngày ấy, cách đây tròn 20 năm. Ông bạn Thụy Điển hỏi tôi: Ông "bảo hiểm" ơi, các cán bộ như ông đều có thẻ bảo hiểm y tế chứ?

- Đương nhiên là có

- Họ dùng có thuận lợi không?

- Họ ít dùng và thường không dùng, bởi dùng thì phiền toái lắm. Dùng thẻ bảo hiểm y tế để đi khám bệnh thì còn lâu mới đến lượt mình.

Nói thế là ông ta thấy có sự tiêu cực trong vấn đề này. Nguyên nhân là "cái phong bì".

Không biết từ bao giờ, ở ta, "cái phong bì" được coi là chìa khóa vạn năng để giải quyết công việc chóng vánh, thuận lợi và hiệu quả. Khám bệnh, chữa bệnh, xin học cho con cái, thi cử, chuyển trường, làm chứng minh thư không chờ đợi lâu v.v... chỉ cần có "cái phong bì" là được ưu tiên. Phong bì với giá trị càng cao thì hiệu quả công việc càng lớn.

Cái "phong bì" ấy lâu dần trở thành một biểu tượng về sự thiếu đạo đức trong nghề nghiệp của không ít cán bộ, nhân viên tại các cơ quan, các tổ chức.

Đó là một dạng, trong nhiều hình thức ăn tiền. Bây giờ phong bì không trao tay nữa mà chuyển tài khoản, tinh vi hơn nữa là núp bóng đầu tư, tài trợ. Đằng sau đó là những ưu tiên qua các chữ ký có sức nặng không tưởng tượng được.