Giới trẻ và những "dấu chân kỹ thuật số" trên mạng xã hội

GS.TS Phạm Tất Dong
11:15 - 20/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Dựa vào mô hình "Công dân học tập" đang triển khai trong cả nước theo Quyết định 677/QĐ-TTg, tôi đề cập mô hình "Công dân số" tổ chức học tập cho thanh thiếu niên trong cả 3 môi trường giáo dục: Giáo dục trường học, giáo dục xã hội và giáo dục gia đình.

Mạng xã hội (Social Network) là hệ thống thông tin cung cấp cho bất cứ ai dùng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau như sử dụng dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chat), trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác (theo Bộ Thông tin và Truyền thông).

Giới trẻ và những "dấu chân kỹ thuật số" trên mạng xã hội - Ảnh 1.

Giới trẻ nhìn thế giới qua lăng kính mạng xã hội. Ảnh: Free/image

Thông qua mạng xã hội, con người hiện đại có thể ngồi ở nhà hay tại cơ quan, doanh nghiệp, hoặc trên ô tô, tàu hỏa, tàu thủy...vẫn có thể kết nối với người thân trong gia đình, bạn bè gần xa hoặc những doanh nghiệp mà mình có mối liên hệ nào đó.

Trong thế giới hiện đại, mạng xã hội được coi là một phần quan trọng trong đời sống con người. Thông qua mạng xã hội, cuộc sống của những người tham gia mạng được cải thiện rất nhiều. Không gian như co lại, thời gian thực hiện công việc được rút ngắn rất nhiều, thậm chí tính bằng giây, phút. 

Đặc điểm của mạng xã hội

Mạng xã hội có nhiều hình thức khác nhau, nhưng tựu chung có mấy đặc điểm sau:

- Mạng xã hội là ứng dụng được sử dụng trên nền tảng Internet.

- Tất cả nội dung trên mạng xã hội đều do người dùng tự tạo ra và chia sẻ.

- Mỗi người dùng dịch vụ mạng xã hội đều phải tạo tài khoản và hồ sơ riêng.

- Mạng xã hội sẽ kết nối tài khoản người dùng đến các tài khoản cá nhân hay tổ chức khác thông qua các tài khoản ảo do người dùng tạo ra.

Khi nói mạng xã hội là ứng dụng được sử dụng trên nền tảng Internet, ta hiểu rằng, đó là mạng trực tuyến, qua đó, có sự liên hệ, gắn kết giữa cá nhân với cộng đồng. 

Chẳng hạn, cuối thế kỷ XIX, Samuel Morse gửi đi một bức điện tín từ Washington D.C đến Baltimore (qua mã Morse) không thể coi đó là hình thức mạng xã hội, mà chỉ là sự giao tiếp giữa hai con người, hơn nữa, nó không phải là trực tuyến.

Chức năng của mạng xã hội

Mạng xã hội với tên gọi đầy đủ là "dịch vụ mạng xã hội" hay "trang mạng xã hội".

Chức năng xã hội của mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau thông qua việc tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn, trò chuyện trực tuyến, chia sẻ âm thanh và hình ảnh...

Chức năng văn hóa của mạng xã hội là tập hợp các mối quan hệ giữa các cá nhân, các nhóm, các tổ chức trên môi trường Internet. Mạng xã hội vì thế được coi là một loại hình cộng đồng ảo, bao gồm nhiều cộng đồng trực tuyến nhằm thỏa mãn nhiều nhu cầu tinh thần và vật chất của con người.

Mạng xã hội góp phần xây dựng và phát triển văn hóa cộng đồng. Nhờ các mạng xã hội, thông tin được công khai, minh bạch hơn, vai trò kiểm tra, giám sát hoạt động của nhân dân đối với các hoạt động của Nhà nước được tăng cường, nội lực cộng đồng được phát huy hiệu quả hơn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Thông qua mạng xã hội mà quá trình hội nhập thế giới được thúc đẩy nhanh hơn. Mối quan hệ giữa cộng đồng dân cư trong nước với các cộng đồng người nước ngoài cũng ngày càng mở rộng. Sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc cũng nhờ đó được cải thiện hơn.

Lợi ích của mạng xã hội

Mạng xã hội đã và đang mang lại những lợi ích thiết thực và lớn lao mà trước đây không hề có. Mạng xã hội giúp kết nối các mối quan hệ.

Trên các trang mạng, chúng ta có thể hàng ngày, hàng giờ gặp gỡ người thân, bạn bè, đồng nghiệp, khách hàng, kết bạn mới, chuyện trò với họ, cho dù họ ở cách xa chúng ta hàng chục, hàng trăm và thậm chí nửa vòng trái đất. Qua Facebook, ta có thể gửi lời chúc mừng năm mới tới người thân đang ở Cà Mau, tới những bạn học cũ ở Berlin hay Paris, tới cả trăm người trong và ngoài nước đã kết bạn trên mạng này.

Trong mùa dịch COVID-19, mặc dù phải cách ly tại nhà, nhưng bạn bè, người thân đã đến với ta qua mạng khiến ta cảm thấy mình vẫn sống chan hòa với mọi người.

Nhìn những đứa trẻ dán mắt vào smartphone, có bà mẹ lo lắng, sợ con mình ru rú góc nhà, lâu ngày sẽ như kẻ tự kỷ. Nhưng thực ra nó đang trao đổi với bạn nó về một bài toán hóc búa, hoặc đang tâm sự với chị nó về nỗi buồn mà cha mẹ chưa thông cảm, hoặc đang trao đổi những tấm ảnh với tập thể lớp chụp hôm nhà trường tổ chức tham quan đâu đó.

Nhờ mạng xã hội, con người ngày nay có thể thiết lập hàng trăm mối quan hệ với những người trong nước và quốc tế. Mạng xã hội giúp người dùng cập nhật kiến thức, thông tin và những xu thế phát triển.

Nền kinh tế tri thức đòi hỏi phải có được một xã hội học tập, trong đó mỗi con người vừa có quyền lợi vừa có nghĩa vụ học tập suốt đời. Học tập sẽ là chìa khóa để mở ra sự phát triển bền vững của xã hội.

Học tập suốt đời (Lifelong Learning) trong thời đại kỹ thuật số vượt ra khỏi khuôn khổ chật hẹp của nhà trường. Học tập trực tuyến sẽ là phương thức học tập mà bất cứ người dân nào cũng phải có kỹ năng thực hiện. Các mạng xã hội sẽ giúp con người học kịp thời những điều cần học (By day learning), học mọi lúc mọi nơi (Ubiquitous Learning). Sử dụng những công nghệ học tập hiện đại là yêu cầu cơ bản để bất cứ công dân nào cũng truy cập được tri thức, kỹ năng trên các mạng xã hội.

Mạng xã hội là nơi chia sẻ cảm xúc

Chia sẻ tâm tư, tình cảm, những niềm vui và những nỗi buồn, là một nhu cầu thường trực trong con người. Những trang viết trên Facebook, những lời chia sẻ trên Zalo, những bức ảnh về gia đình, tình yêu nam nữ, những kỷ niệm học đường... có một sức mạnh giúp con người sống tốt hơn, yêu đời hơn, tử tế hơn, khoan dung hơn. Với những người xa nhà, người thân, xa bạn bè bao giờ cũng mong được mọi người chia sẻ những thông tin. Mạng xã hội giúp con người thực hiện được nhu cầu thư giãn, giải trí rất hiệu quả.

Mạng xã hội đã mang lại cho con người những hình thức thư giãn, giải trí đa dạng và hiệu quả. Chỉ cần một máy tính để bàn thông minh hay một smartphone, những người ở châu Á, châu Âu hay châu Đại Dương vẫn có thể xem một trận quyền Anh tại New York hay Canada, xem vở ba lê số 20 Hồ Thiên Nga của P.I Tchaikovsky tại Moskva hay nghe một ca sĩ Cuba hát bài La Paloma tại nhà hát lớn Habana. Mạng xã hội luôn cho ta thưởng thức các giải bóng đá, bóng chuyền, các đại hội thể thao thế giới cũng như giúp chúng ta đi tham quan các quốc gia mà ta không phải ra khỏi nhà.

Mấy điều cần lưu ý khi thanh thiếu niên tham gia mạng xã hội

Tham gia các mạng xã hội là một phần trong đời sống của con người sống trong xã hội số. Một số người dùng Facebook, Instagram... đã có quyết định "cai mạng" bởi thấy có hại, nhưng rồi lại có những nhu cầu nào đó thúc đẩy họ tiếp tục lướt mạng mỗi ngày. Những người thực sự đoạn tuyệt với mạng xã hội ít hơn nhiều so với những người tham gia thêm mỗi ngày.

Mạng xã hội không có mặt trái, mà vấn đề là ở người dùng mạng. Chẳng hạn, khi bị lừa đảo, bị mất tiền qua một tin nhắn trên Facebook, Zalo..., người bị hại đăng xuất mạng để tránh bị hại tiếp tục. Nhưng, việc bị hại là do kẻ xấu, bản thân mạng xã hội chỉ là phương tiện, không làm gì nên tội.

Bọn trẻ lang thang trên mạng suốt nhiều tiếng liền. Chúng chẳng thể rời các phương tiện để từ đó lướt mạng. Nhiều đứa trở thành Cybercitizens rất sớm. Thông qua mạng, chúng thông minh hơn, hiểu biết nhiều hơn, kỹ năng sử dụng máy tính và các thiết bị thông minh thuần thục hơn. 

Tuy nhiên, lưu ý rằng một số trẻ nghiện mạng xã hội, chạy theo các game, các trò chơi khác, các phim ảnh... mà sao nhãng việc học hành, từ đó không hoàn thành được nhiệm vụ học tập.

Không ít đứa trẻ cứ có thì giờ ngoài học tập là ôm lấy chiếc điện thoại di động, không còn quan tâm đến con người và công việc xung quanh. Cho dù trên điện thoại thông minh, chúng có rất nhiều bạn kết nối, có nhiều người tương tác, nhưng những giao tiếp trực tiếp hàng ngày có những ý nghĩa mà giao tiếp trực tuyến không thay thế được. Ví dụ, khi ông bà ốm, cháu gọi điện thăm hỏi là cần, nhưng cháu đến thăm ông bà ốm, ngồi với ông bà một lúc sẽ làm ông bà vui hơn. Tương tự như vậy, trong ngày sinh nhật của bạn bè, gửi một lẵng hoa đẹp trên Facebook làm bạn vui, nhưng mang một bông hoa thôi, đến nhà bạn để trao trực tiếp, có thể bạn cảm động hơn.

Tuổi trẻ thường bị tác động xấu bởi thông tin xấu (Stupid Pointless Annoying Messages). Đó là những email, nhưng Tweet hoặc những mẩu tin nhắn khiếm nhã, gây khó chịu hoặc có nội dung xấu, độc hại. Người lớn cần quan tâm giúp con em mình biết cách xử lý thông tin độc hại, gây nhiều điều bất lợi cho trẻ.

Khi tham gia mạng, ai cũng để lại dấu chân số (Digital Footprints) hay gọi đầy đủ là "Dấu chân kỹ thuật số". Một Email gửi đi, một "Like" đối với tấm ảnh hoặc một comment từ người khác, một bức chân dung ta gửi cho bạn v.v... Tất cả đều được lưu lại. Người ta có thể xem xét, nghiên cứu để biết con người viết email đó, đánh dấu like đó..., và họ hiểu người viết thích gì, không thích gì, tâm trạng ra sao, tính cách như thế nào, đang có nhu cầu gì. Dấu vết ta để lại đó là một chân dung thu nhỏ. Người ta gọi viết đó là dấu chân số. Hãy giúp trẻ đừng để lại những dấu chân mà kẻ khác có thể lợi dụng bóp méo hình ảnh của trẻ, hoặc qua đó mua chuộc, dọa dẫm, tống tiền trẻ.

Rất nhiều trẻ tham gia mạng đã mờ mắt bởi chịu tác động quá nhiều của ánh sáng xanh trên màn hình. Đứa khác thì thức khuya để lướt mạng, thiếu ngủ nhiều ngày nên rất mệt mỏi. Đứa khác thì lo âu vì bị bắt nạt trên mạng.

Điều này xảy ra do chúng thiếu những kỹ năng số (Digital skills) khi tham gia mạng.

Đề xuất mấy giải pháp có tính giáo dục trẻ khi chúng tham gia mạng

Trong gia đình cũng như trong trường học, người có trách nhiệm phải quản lý việc trẻ sử dụng thiết bị thông minh một cách hợp lý. Không nên để tình trạng trẻ lang thang trên mạng hầu hết thời gian nghỉ ngơi mà bỏ mọi sinh hoạt khác như tập thể dục buổi sáng, tham gia thể thao hay văn nghệ buổi chiều hoặc buổi tối. Trẻ cần có kỹ năng thành thạo về sử dụng các phương tiện, các thiết bị thông minh, nhưng trẻ cũng cần biết đá bóng, biết chơi cầu lông hay biết bơi. Chúng cũng cần biết chơi đàn hoặc biết hát, chí ít là ca hát tập thể.

Trong giảng dạy và huấn luyện trẻ em về sử dụng các thiết bị thông minh, cần phải huấn luyện các kỹ năng số dưới đây:

Truy cập số (Digital Access)

Thương mại số (Digital Commerce)

Truyền thông số (Digital communication)

Kiến thức số (Digital literacy)

Nghi thức số (Digital etiquette)

Luật lệ số (Digital Law)

Quyền và trách nhiệm số (Digital Rights & Responsibilities)

Sức khỏe số (Digital Health & Wellness)

An ninh số (Digital Security)

Mô hình "Công dân số" dùng vào việc tổ chức học tập cho thanh thiếu niên giai đoạn 2023 - 2030

Thế hệ trẻ và mạng xã hội - Ảnh 3.

Mô hình "Công dân số" áp dụng cho lứa tuổi thiếu niên và thanh nhiên.

Dựa vào mô hình "Công dân học tập" đang triển khai trong cả nước theo Quyết định 677/QĐ-TTg (3/6/2022), tôi đề xuất mô hình "Công dân số" (Digital citizen) dùng cho việc tổ chức học tập cho thanh thiếu niên trong cả 3 môi trường giáo dục: Giáo dục trường học, giáo dục xã hội và giáo dục gia đình.

3 năng lực cốt lõi này chọn từ những năng lực cốt lõi của công dân học tập của do OECD và EU đưa ra.

Các kỹ năng thuộc các năng lực cốt lõi phù hợp với những kỹ năng số đã nêu trên.

Những mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay

Những mạng xã hội do nước ngoài thiết kế có tính phổ biến trên thế giới có thể kể đến:

Thế hệ trẻ và mạng xã hội - Ảnh 2.

Những mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay.

Facebook: Mạng xã hội lớn nhất toàn cầu. Đó là phương tiện truyền thông xã hội và dịch vụ mạng xã hội trực tuyến, thành lập vào năm 2004, thuộc sở hữu của Meta Platforms, có trụ sở tại Menlo Park, California (Mỹ).

Facebook là nơi kết nối mọi người trên toàn thế giới, tạo ra một thế giới phẳng - nơi không còn khoảng cách địa lý, cho phép con người đăng tải, chia sẻ mọi thông tin, trạng thái cá nhân và tương tác với người khác.

TikTok: Nền tảng video âm nhạc và mạng xã hội của Trung Quốc, ra mắt vào năm 2017, dành cho các thị trường bên ngoài Trung Quốc. TikTok được xây dựng bởi Trương Nhất Minh - người sáng lập ra ByteDance.

Instagram: Mạng xã hội chuyên chia sẻ ảnh và video được thiết kế trên cơ sở tạo ra những hình ảnh đẹp và thu hút. Instagram cũng cung cấp rất nhiều chế độ chỉnh sửa anh và video theo sở thích của người dùng. Sáng tạo ra Instagram là Kevin Systrom và Mike Krieger (Mỹ) vào năm 2010.

Linked In: Một trang mạng định hướng kinh doanh được thành lập bởi Reid Hoffman (12/2002), có trụ sở tại Mountain View, bang California (Mỹ). Tháng 5/2003, Linked In chuyển đổi thành một trang mạng dịch vụ xã hội, người sử dụng chủ yếu là những thành viên chuyên nghiệp về hệ thống mạng.

Whats App: Một ứng dụng nhắn tin đa nền tảng, cho phép mọi người nhắn tin miễn phí với mạng có sẵn trên thiết bị di động. Whats App do nhà tỷ phú Jan Koum sáng lập, ra mắt vào ngày 24/2/2009. Ông là người Ucraina, nhập cư Mỹ, sống tại Mountain View (California).

Wechat: Ứng dụng nhắn tin của Công ty Tencent, ra mắt vào năm 2011. Allen Zhang là người nghiên cứu Dự án tổ chức Wechat tại Trung tâm Tencent (Quảng Châu - Trung Quốc). Mã Hóa Đằng - CEO của Tencent đặt tên là "Weixin" (Vitin).

Pinterest: Một mạng xã hội chia sẻ hình ảnh từ các nguồn khác nhau, giúp ta lưu trữ những thông tin hình ảnh theo nhóm. Priterest còn là công cụ hỗ trợ SEO (tối ưu công nghệ tìm kiếm) cho các website có hiệu quả. Ben Sibermann, cựu nhân viên Google đã sáng lập Pinterest vào năm 2008. Ben Sibermann là người vùng West Des Moines, Iowa (Mỹ).

Snapchat: Một ứng dụng tin nhắn bằng hình ảnh được phát triển bởi một nhóm sinh viên ở Stanford (Mỹ), người dùng có thể chụp ảnh, quay video, thêm văn bản và hình vẽ, gửi chúng vào danh sách người nhận có kiểm soát. Hình ảnh và video gửi được gọi là "Snaps". Ứng dụng này bắt đầu có từ năm 2011. Người thiết kế Snapchat là Evan Spiegel, Bobby Murphy, Reggie Brown.

Twitter: Mạng xã hội trực tuyến miễn phí cho phép người sử dụng đọc, nhắn và cập nhật các mẩu tin nhỏ gọi là Tweets - một dạng blog. Những mẩu Tweet được giới hạn tối đa 280 ký tự sẽ lan truyền nhanh chóng đến các nhóm bạn. Jack Dorsey cùng với Evan Williams, Biz Stone và Noah Glass đã thành lập Twitter vào năm 2006 tại San Francisco, California (Hoa Kỳ).

Tumblr: Một tiểu blog và mạng xã hội được sáng lập bởi David Karp vào năm 2007, thuộc sở hữu của Automatic. Đây là trang web cho phép người dùng đăng tải các nội dung đa phương tiện lên một trang blog, đồng thời theo dõi blog của những người khác. Tính năng tiêu biểu của Tumblr là bảng điều khiển Dashboard, giúp cho người dùng có những trải nghiệm tốt (Dashboard: những dạng dữ liệu trực quan đã xử lý, hiển thị dưới dạng sơ đồ, biểu đồ).

Những mạng xã hội do người Việt Nam thành lập

Thế hệ trẻ và mạng xã hội - Ảnh 1.

Những mạng xã hội do Việt Nam thành lập.

Zalo: Ứng dụng nhắn tin nhanh đa nền tảng, được phát triển bởi Công ty VNG (Công ty công nghệ và Internet Việt Nam), ra mắt tháng 8/2012.

Ứng dụng này được sử dụng tại Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Úc, Đức, Myanmar và Singapore.

Lotus: Một kênh liên lạc truyền thông, cập nhật tin tức nhanh chóng, được nhiều người chú ý như một trang báo uy tín. Đó là mạng xã hội đa nền tảng, dưới sự điều hành của tập đoàn VCCorp (Công ty cổ phần về công nghệ thông tin), trở thành một cộng đồng thông tin thu hút nhiều người. Lotus ra mắt tháng 9/2019. Đến nay, Lotus đang giảm nhanh hiệu quả hoạt động.

Zing Me: Một trong những dịch vụ tích hợp của Zing.vn (Hệ thống dịch vụ được quản lý và vận hành bởi Công ty giải trí VNG (Vinagame) như là Zing mp3, Zing tv... Zing Me bắt đầu hoạt động từ tháng 8/2009 với nhiều loại game khác nhau.

Tamtay.vn: Một website chạy trên nền tảng Drupal (hệ quản trị nội dung mã nguồn mở miễn phí viết bằng ngôn ngữ lập trình PHP). Tamtay.vn do Trần Thanh Sơn, Công ty Cổ phần Tầm Tay thành lập vào tháng 3/2007. Đến nay, nó đã giải thể.

Mocha: Là ứng dụng nhắn tin, gọi điện miễn phí của nhà mạng Viettel - một phần mềm được người Việt Nam ưa dùng. Mocha được định hướng trở thành trung tâm của hệ sinh thái dành cho giới trẻ điểm đến để đáp ứng nhu cầu nghe nhạc, xem phim, đọc tin, chơi game và kết nối với nhiều ứng dụng khác. Viettel Telecom sở hữu và cho Mocha ra mắt vào cuối tháng 4/2015.

Biztime: Một trang mạng xã hội dựa trên công nghệ Big Data do Vũ Văn Anh thành lập vào tháng 1/2017. Biztime là "dòng thời gian cho công việc và đời sống", phục vụ nhu cầu kết nối bạn bè, kinh doanh hoặc giao dịch của người dùng.

Vietnamta: Một mạng xã hội có nhiều tính năng dành riêng cho người Việt, ra đời năm 2019 do ông Diệp Quang Văn thành lập. Vietnamta có nhiều tính năng gần giống như Facebook, nhưng tiện lợi hơn vì một số tính năng được kết nối cùng trong một ứng dụng.

Hahalolo: Một mạng xã hội định hướng là một siêu ứng dụng, tích hợp các tính năng tiện ích cho người dùng, bao gồm OTA (Đại lý du lịch trực tuyến), mạng xã hội và thương mại điện tử.

Hahalolo ra mắt vào tháng 6/2019 do Công ty cổ phần mạng xã hội du lịch Hahalolo sở hữu.

Gapo: Một dịch vụ mạng xã hội trực tuyến của Việt Nam, được thành lập vào năm 2019 bởi Công ty cổ phần công nghệ Gapo (Trực thuộc tập đoàn công nghệ G-Group), có trụ sở tại Thanh Xuân, Hà Nội.