Không khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, 5 thanh niên ở Bình Định bị phạt 150 triệu đồng

Lam Linh
12:44 - 03/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, 5 thanh niên ở tỉnh Bình Định bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 150 triệu đồng.

Không khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, 5 thanh niên ở Bình Định bị phạt 150 triệu đồng- Ảnh 1.

Khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự là việc thực hiện khám, phân loại, kết luận đối với công dân được gọi do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự thực hiện sau khi sơ tuyển sức khỏe. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Phạt hành chính đối với 5 thanh niên trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự

Ngày 3/1, thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Hoài Ân (tỉnh Bình Định) cho biết, ông Nguyễn Hữu Khúc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện đã ký các quyết định xử phạt hành chính đối với 5 thanh niên không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Cụ thể, các thanh niên bị xử phạt gồm: N.L.B. (sinh năm 2002; trú thôn Lộc Giang, xã Ân Tường Tây), N.V.H. (sinh năm 2000; trú thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa), T.P.M.T. (sinh năm 2005; trú thôn Tuân Xuân, xã Ân Hảo Tây), L.Đ.N.P. (sinh năm 2004; trú thôn Nghĩa Điền, xã Ân Nghĩa) và T.Q.T. (sinh năm 2001; trú thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa).

Tổng số tiền phạt đối với 5 thanh niên là 150 triệu đồng, mỗi trường hợp vi phạm bị xử phạt 30 triệu đồng.

Tại các quyết định xử phạt nói trên, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hoài Ân giao Ban Chỉ huy quân sự huyện phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện; Những người vi phạm thực hiện nghiêm quyết định xử phạt, nếu quá thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận quyết định không thực hiện nộp phạt sẽ xử lý theo quy định hiện hành.

Không chấp hành lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là hành vi vi phạm pháp luật

Căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 thì nghĩa vụ quân sự được hiểu "là nghĩa vụ vẻ vang của công dân phục vụ trong Quân đội nhân dân. Thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân".

Về độ tuổi đăng ký nghĩa vụ quân sự, Điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định như sau:

- Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.

- Công dân nữ quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật này đủ 18 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, theo Điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự năm nói về độ tuổi gọi nhập ngũ thì công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ bắt buộc từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi. 

Trong trường hợp công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời gian một khóa đào tạo thì sẽ được gia hạn thêm độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.

Như vậy, nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ về quốc phòng và là một trong những nghĩa vụ bắt buộc phải thực hiện của công dân Việt Nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự.

Theo đó, công dân Việt Nam không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, trình độ học vấn, nghề nghiệp và nơi cư trú khi đến tuổi tham gia nghĩa vụ quân sự đều phải thực hiện nghĩa vụ của mình theo quy định của Luật Nghĩa vụ quân sự, dưới hình thức phục vụ tại ngũ hoặc phục vụ trong ngạch dự bị nếu đáp ứng các điều kiện tuyển chọn quân. 

Việc không chấp hành lệnh gọi kiểm tra, khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự được coi là hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Do đó, theo quy định của pháp luật, khi nhận được Lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, công dân có trách nhiệm đến Trạm y tế cấp xã để khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Nếu không thực hiện quy định về nghĩa vụ quân sự sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 37/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Bình luận của bạn

Bình luận