Công nghệ số có phải là xu hướng đào tạo mới của giáo dục đại học Việt Nam?

Trịnh Nguyễn
17:00 - 21/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Những năm gần đây, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam không chỉ đẩy mạnh tuyển sinh với các lĩnh vực Công nghệ thông tin và thương mại điện tử mà rất nhiều mã ngành mới liên quan đến công nghệ số cũng đã ra đời. Phải chăng, đó là xu thế tất yếu của thời đại số hoá?

Công nghệ số có phải là xu hướng đào tạo mới của giáo dục đại học Việt Nam? - Ảnh 1.

Ngành học Mỹ thuật đa phương tiện mới đối với giáo dục đại học Việt Nam. Ảnh: IT/image

Rất nhiều ngành học mới trên nền tảng số đã ra đời

Có rất nhiều ngành học mới trên nền tảng số đã được nhiều đại học đưa vào chương trình và tích cực tuyển sinh. Có thể nói đến một số ngành như truyền thông số, mỹ thuật đa phương tiện, quản trị số, kinh tế số…

Xem ra, việc các đại học cho ra đời những ngành học này cũng là đòi hỏi thực tế để đón bắt nhu cầu về nhân lực số của các nhà tuyển dụng. Và đương nhiên, một khi đã là nhu cầu của thị trường nhân lực thì việc thu hút sinh viên nhập học và đóng học phí cũng là một thực tế mà các trường phải chủ động tuyển sinh. Trong công cuộc này, các đại học tư thục xem ra có phần nhanh nhạy hơn so với các trường công lập.

Chia sẻ về thực tế này, một giảng viên cao cấp cho biết, giáo dục đại học không chỉ là đào tạo những thứ mình có mà phải là đào tạo những gì mà xã hội đang cần không chỉ với nhu cầu hiện tại mà cả là trong tương lai. Và đòi hỏi đó càng là cấp thiết trong cơ chế thị trường, khi mà các đại học phải làm sao đáp ứng được nhu cầu của các nhà tuyển dụng một cách thiết thực nhất. Đặc biệt là xu thế ứng dụng công nghệ thông tin và số hoá trong mọi lĩnh vực của các nhà tuyển dụng đã và đang là thực tế diễn ra từng ngày, từng giờ.

Còn về phía các nhà tuyển dụng, đương nhiên ở nhiều nơi cũng cho biết là trong thời đại mà công nghệ thông tin và Internet đang là một thực thể không thể thiếu với họ thì nguồn nhân lực đã và sẽ tuyển dụng cũng cần phải có sự thích ứng cho thực tế đó. Lý tưởng nhất là làm sao họ không phải mất quá nhiều công sức để đào tạo lại với đội ngũ sinh viên đến xin việc mà làm sao chính các trường đã trang bị cho sinh viên những kiến thức của thời đại 4.0.

Tuy nhiên, trong một tổng thể chung của nguồn nhân lực số thì cho đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa chính thức đưa ra chiến lược phù hợp với thực tế này. Chính vì thế, việc một số đại học chủ động mở thêm các mã ngành mới với sự tích hợp kiến thức số vào đó mới chỉ là tự phát mà thôi.

Giới trẻ Việt Nam sẽ chủ động nắm bắt công nghệ số như thế nào?

Đối với giới trẻ Việt Nam, Internet và mạng xã hội đã trờ thành không thể thiếu với họ. Số đông sinh viên hỏi các vấn đề kiến thức và viết tâm sự trên mạng xã hội nhiều hơn cả giao tiếp với các giáo viên của họ. Những bạn trẻ có kiến thức còn hạn chế nhưng rất thành thạo trong các thủ thuật sử dụng máy tính và Internet. Nhờ có sự phổ biến của Internet, mọi học sinh và sinh viên đều dễ dàng nhanh chóng tìm kiếm những thông tin mà mình đang cần. Thậm chí, nếu không giỏi ngoại ngữ thì cũng không thành vấn đề vì đã có các công cụ dịch thuật trực tuyến được cung cấp miễn phí. Tuy nhiên, giữa việc tra cứu tìm kiếm thông tin trên mạng và năng lực tự học thì về cơ bản vẫn còn một khoảng cách rất lớn.

Đương nhiên, đã nói đến giới trẻ trong thời đại số thì không chỉ nói đến thế hệ học trò mà phải nói đến cả các bậc thầy. Và có lẽ thích nghi với thời đại số thì xem chừng đội ngũ giảng viên trẻ ở các trường đại học dễ thực hiện được hơn so với các thế hệ đi trước. 

Song, việc cần làm là phải số hoá được tri thức của các thế hệ đi trước để những người kế cận có nhiều thuận lợi hơn trong trong việc kế thừa và phát huy các tri thức đó.

Dẫu vậy, vẫn có những ý kiến cho rằng thay vì để giới trẻ tự mò mẫm tìm kiếm và học hỏi trên đại dương thông tin trực tuyến thì rất cần có những sự hướng đạo cho họ từ các ngành giáo dục và các tổ chức xã hội. Sớm muộn, sẽ có một môn học phải được các đại học ở Việt Nam đưa vào chương trình đào tạo của mình là Tương lai học.

Tại các nước phát triển, Tương lai học là ngành học đã được mở ra cách đây gần nửa thế kỷ. Vì sao giáo dục đại học của các nước phát triển phải có ngành học này? Nguyên nhân cũng thật dễ hiểu vì tốc độ phát triển của khoa học công nghệ đã và đang rất nhanh. Vì thế, những kiến thức mà các bậc thầy giảng dạy hôm nay rất có thể sẽ trở thành lạc hậu khi mà sinh viên chưa kịp tốt nghiệp ra trường.

Cũng chính vì thế, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Khoa học và Công nghệ sớm có những nghiên cứu chính thức về Tương lai học để sớm đưa những kiến thức này vào chương trình đại học ở Việt Nam trong một tương lai gần. Trong khi Việt Nam chưa có nhiều, thậm chí là rất ít chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực này thì nên chăng Chính phủ nên có định hướng ưu tiên để cấp ra các học bổng cho các du học sinh có nguyện vọng về ngành học Tương lai học đầy mới mẻ này. Không chỉ có vậy, tin rằng các nước phát triển cũng sẽ không hẹp hòi gì để cấp ra những học bổng cho du học sinh Việt Nam muốn theo học với chuyên ngành này.