Ngành học "lạ đời" trên thế giới: Ngành tang lễ
Trong những năm gần đây, ngành tang lễ đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng tại nhiều nước trên thế giới. Với cơ hội nghề nghiệp rộng mở và mức thu nhập tốt, ngành học này đã và đang thu hút rất nhiều bạn trẻ theo học.
Ngành tang lễ ở Trung Quốc
Dịch vụ tang lễ ra đời từ thời cổ đại, nổi tiếng nhất là kỹ thuật ướp xác của người Ai Cập. Tại Trung Quốc, ngành Tang lễ bắt đầu ra đời từ năm 1995. Trong những năm gần đây, ngành Tang lễ tại nước này đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Một mặt, với sự phát triển của nhu cầu xã hội, số lượng các cơ sở dịch vụ và nhân viên trong ngành Tang lễ ở Trung Quốc đã tăng lên trong vòng một thập kỷ qua. Ngoài ra, các hình thức kinh doanh mới cũng đang lần lượt xuất hiện để đáp ứng thị hiếu của người dân.
Theo báo cáo từ Tân Hoa Xã, từ năm 2009, ngành Tang lễ của Trường Cao đẳng Kỹ thuật và nghề dân sự tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc đã có tỷ lệ về thí sinh đạt kỷ lục, đó là 5:1. Trong những năm qua, ngôi trường này đã cung cấp gần 5.000 sinh viên tốt nghiệp cho ngành Tang lễ trên toàn Trung Quốc.
Theo một thống kê từ trang The Paper của Trung Quốc, nước này hiện chỉ có 5 trường đào tạo chuyên ngành "Công nghệ và Quản lý Tang lễ hiện đại". Trong những năm gần đây, tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành này của các trường nêu trên chỉ khoảng 500 đến 600 sinh viên. Trong khi đó, nhu cầu về nhân lực của ngành Tang lễ hàng năm ở Trung Quốc là khoảng 10.000 người, trong khi số lượng người được đào tạo tại các trường đại học và cao đẳng ở Trung Quốc chỉ khoảng 500 - 600 người/năm.
Theo đề cương do Bộ Giáo dục Trung Quốc xây dựng cho chuyên ngành tang lễ tại nước này, thời gian học là 3 năm. Để có thể tốt nghiệp chuyên ngành Tang lễ, các sinh viên cần phải học tập thường xuyên và hoàn tất 4 phần chính, bao gồm: Thiết bị, dịch vụ, bảo quản thi hài và nghĩa trang.
Các môn học liên quan đến ngành tang lễ giúp sinh viên tại đây có thể học và hiểu được những nghi thức trong các đám tang hiện đại. Sinh viên theo học ngành tang lễ không những có thể vận hành một nhà hỏa táng, trang điểm cho người đã khuất, mà còn biết cách đối đãi, điều hòa cảm xúc với người thân và bạn bè của người quá cố.
Ngành tang lễ ở Hàn Quốc
Tại Hàn Quốc, để đáp ứng nhu cầu khâm liệm thi thể nữ giới ngày càng tăng tại nước này đã có nhiều phụ nữ làm nghề hộ tang. Số sinh viên học ngành tang lễ cũng vì thế mà tăng lên.
Nhu cầu này xuất phát từ việc những năm gần đây, số phụ nữ nổi tiếng qua đời khi còn trẻ ngày càng tăng, số vụ tấn công tình dục nhằm vào phụ nữ cũng gia tăng, dẫn đến sự thay đổi ý thức về sự nhạy cảm giới.
Bên cạnh đó, ngày càng có nhiều lời kêu gọi trấn áp tội phạm tình dục, bao gồm cả việc triệt phá nạn đặt camera quay trộm hay các mạng lưới online lừa ép phụ nữ gửi hình hoạt động tình dục hoặc hình tự xâm phạm bản thân.
Đầu những năm 2000, chỉ 30% số người học ngành tang lễ là nữ, còn giờ tỷ lệ đó đã tăng lên 60%, Lee Jong-woo, một giáo sư Đại học Eulji nói. Học ngành tang lễ, sinh viên sẽ đến nhà xác để thực hành. Nhu cầu này gia tăng cũng một phần các gia đình có người mất là nữ giới sẽ thấy được an ủi hơn khi người hộ tang là nữ.
Ngành tang lễ ở Mỹ
Trước thế kỷ 20, người Mỹ chưa coi trọng nhân viên tổ chức lễ tang. Sau này, nhiều người nghiên cứu xác ướp, biến nó thành một phần trong lĩnh vực y khoa.
Học sinh tốt nghiệp trung học có thể nghiên cứu sâu về xác chết và dịch vụ lễ tang khi theo học ngành Khoa học Tang lễ tại Đại học Quận Columbia, Mỹ. Ngoài ra, hơn 30 bang ở Mỹ có đại học, cao đẳng đào tạo ngành này. Trong đó, 4 bang Illinois, Mississippi, New York, Texas, mỗi nơi có đến 4 trường đào tạo về ngành tang lễ.
Sinh viên ngành Khoa học Tang lễ tại Mỹ sẽ được tìm hiểu các kiến thức bệnh lý, sinh lý và giải phẫu để đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp tương lai.
Các giảng viên của ngành này cũng sẽ giới thiệu với sinh viên tất cả các giai đoạn của dịch vụ tổ chức lễ tang và giúp sinh viên phát triển kỹ năng cần thiết để đáp ứng tiêu chuẩn trong việc đảm bảo sức khỏe, an toàn cùng những phúc lợi liên quan việc chuẩn bị tang lễ và chăm sóc người chết.
Bên cạnh việc nâng cao kiến thức, các trường đào tạo ngành tang lễ của Mỹ còn chú trọng bồi dưỡng đạo đức và nhân phẩm cho sinh viên.
Để tốt nghiệp ngành tang lễ tại xứ sở cờ hoa, sinh viên phải hoàn thành các môn học như Giải phẫu học, Sinh lý học, Bệnh lý học, Định hướng Dịch vụ Tang lễ, Lý thuyết Xác ướp, Kỹ thuật ướp xác, Nghệ thuật Phục hồi thi thể, Luật Dịch vụ Tang lễ và Quản trị Kinh doanh.
Không chỉ vậy, sinh viên ở Mỹ còn phải tham gia các hoạt động ngoại khóa, bao gồm khóa đào tạo kỹ năng diễn thuyết trước đám đông để chuẩn bị cho nghề tang lễ trong tương lai khi họ phải nói chuyện, an ủi bạn bè và gia đình người đã khuất vượt qua đau buồn.
Chương trình học ngành tang lễ của Mỹ kéo dài từ 2 đến 4 năm, tùy từng trường. Trong đó, sinh viên sẽ thực tập khoảng 1 năm. Sau khi kết thúc khóa học, các sinh viên ở nước này sẽ phải vượt qua kỳ thi khảo sát để nhận bằng cử nhân Khoa học Tang lễ.
Học ngành tang lễ, cơ hội nghề nghiệp rộng mở
Trong khi ngày càng nhiều người gặp khó khăn về việc làm thì những bạn trẻ chọn ngành học Tang lễ ở một số nước lại có nhiều cơ hội với mức thu nhập ổn định ngay sau khi tốt nghiệp.
Theo Bộ Dân chính Trung Quốc, mức lương của nhân viên nhà tang lễ tại nước này trung bình 6.000 tệ/tháng (hơn 21 triệu đồng), mức cao hơn từ 7.000-8.000 tệ (24-28 triệu đồng). Mức hàng chục nghìn tệ tương đối hiếm. Tuỳ từng công việc sẽ có mức lương khác nhau. Cụ thể, công việc càng tiếp xúc gần thi hài người quá cố thì thu nhập càng cao, ví dụ như người vận chuyển thi hài, trang điểm...
Công việc này thường đi kèm các lợi ích như người lao động được đăng ký tham gia chương trình bảo hiểm quốc gia, được trợ cấp nhà ở và bữa ăn. Và quan trọng nhất là có việc làm suốt đời.
Nhiều người trẻ Trung Quốc cảm thấy mệt mỏi khi đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường việc làm, bị đẩy ra ngoài ở tuổi 35 vì "quá già", thì một công việc ổn định sẽ trở nên hấp dẫn hơn, ngay cả khi công việc đó khiến họ chán nản. Thực tế công việc trong nhà xác ít cạnh tranh hơn nhiều so với các ngành nghề khác.
Đặc biệt, nếu chỉ nhìn vào tỷ lệ việc làm, sinh viên của ngành tang lễ rất "đắt hàng" đối với các nhà tuyển dụng bởi các nhà tang lễ có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đã cướp đi tính mạng của hàng triệu người. Chẳng hạn như dịch COVID-19, theo số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info, tính đến 17h30 ngày 10/8 (giờ Hà Nội), thế giới ghi nhận 6.442.481 ca tử vong vì dịch bệnh này.
Hay tại Mỹ, sau khi tốt nghiệp, sinh viên học ngành tang lễ có thể lựa chọn trở thành nhân viên tại các nhà tang lễ, bệnh viện hay làm việc tại các văn phòng giám định y khoa, giảng viên các trường y hoặc nhân viên điều tra những cái chết bất thường.
Nhiều thách thức khi học ngành tang lễ
Khoa học Tang lễ là ngành học độc đáo, yêu cầu sinh viên phải có tâm lý tốt và nắm vững kiến thức sinh lý. Họ phải tiếp xúc thường xuyên với xác chết. Dù ngành Tang lễ đang có sự phát triển nhanh chóng và nghề này cũng đang được nhiều bạn trẻ săn đón, nhưng những người theo học ngành học này vẫn còn phải đối mặt với không ít thách thức.
Mặc dù tang lễ đã phát triển thành một ngành học được đào tạo chính quy tại các trường đại học ở Mỹ, Trung Quốc hay Hàn Quốc… nhưng sinh viên ngành này vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn khi lựa chọn ngành học "lạ đời" và được nhiều người xem là "trái khoáy".
Áp lực tâm lý
Không ít sinh viên học ngành tang lễ thường cảm thấy áp lực trước những nghi vấn và thái độ thiếu thiện cảm từ sinh viên ngành khác. Thực tế, những người theo học ngành Khoa học Tang lễ đôi khi chỉ có thể kết bạn, giao lưu với bạn bè trong khoa.
Trương Vũ, một sinh viên tốt nghiệp ngành Tang lễ ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc chia sẻ: Ban đầu, ngoài nỗi sợ khi chạm vào xác của người đã khuất, điều khiến anh lo lắng hơn cả chính là thái độ của những người xung quanh.
Tại Trung Quốc, các lớp học dày đặc ngay từ năm thứ hai cho thấy ngành tang lễ vốn không hề đơn giản. Ví dụ như cách đối đãi với người thân, bạn bè của người quá cố hay công nghệ ướp xác hiện đại, làm sạch thi thể người đã khuất.
Những sinh viên ngành tang lễ cảm thấy mình giống các bác sỹ pháp y. Họ được học sát trùng bề mặt, sát trùng cơ thể người quá cố. Nếu người qua đời chết vì tuổi già, cách xử lý hài cốt đơn giản nhất. Sợ nhất là gặp xác chết bởi tai nạn.
Ngoài ra, họ cũng gặp các vấn đề tâm lý khi phải tiếp xúc thường xuyên thi thể. Một số sinh viên cho biết, lần đầu học tại nhà xác thường khó khăn nhất. Sau đó, tuy quen dần với công việc nhưng nhiều người vẫn không thể chịu nổi loại mùi này.
Nguy cơ nhiễm bệnh
Sinh viên ngành Khoa học Tang lễ, cũng như nhân viên nhà xác, đều phải đối mặt nguy cơ nhiễm bệnh cao khi tiếp xúc tử thi và chất formaldehyde trong quá trình ướp xác.
"Đứng trước người chết, cảm giác đầu tiên là sợ hãi", Giai Âm, một học viên năm cuối hồi tưởng ngày đầu cô đi thực tập. Cô cho hay, bất kể ngày đêm, nhiều hôm bất thình lình nhận được cuộc gọi yêu cầu phải xử lý một xác chết nào đó. "Bạn sẽ không biết người này là ai. Nếu đó là một xác chết tai nạn khiến găng tay y tế bị dính máu, bạn bất giác hỏi liệu người chết có bị bệnh AIDS hay bệnh truyền nhiễm nào khác không".
Khi đến nơi làm việc, nhân viên phải đối mặt với những xác chết thật, khác hoàn toàn so với xác chết mô hình trong trường.
Công việc nặng nhọc
Công việc của những người làm trong ngành Tang lễ thường khá nặng nhọc. Trong đó, có một số loại công việc phải tiếp xúc với xác chết như vận chuyển thi hài, trang điểm cho người đã khuất, hỏa táng....
Hầu hết các công ty mai táng đều nghỉ 4 ngày một tháng, có nơi 6 ngày. Tuy vậy, nhân viên của nhà tang lễ có thể phải sẵn sàng làm việc bất kể giờ nào, dù là đêm hay ngày, ngày trong tuần hay các ngày lễ, tết.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google