GS.TS Phạm Tất Dong: Giáo dục người lớn cần được coi trọng ở mọi quốc gia
"Nếu một đất nước nào đó coi nhẹ việc giáo dục người lớn thì quốc gia đó không thể có nguồn lực và nhân lực tại chỗ đáp ứng được yêu cầu của xã hội biến đổi không ngừng", Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam nhận định.
Giáo dục người lớn có từ rất sớm, cùng với sự xuất hiện của xã hội loài người.
Người lớn học tập để kiếm ăn, chăm sóc gia đình, nuôi dưỡng, giáo dục con cái, thích nghi với xã hội,… Tuy nhiên, sự học của người lớn và khoa học giáo dục người lớn đến nay còn chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến sự phát triển của quốc gia.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Tất Dong, cố vấn của Hội Khuyến học Việt Nam chia sẻ với Tạp chí Công dân và Khuyến học về vấn đề giáo dục người lớn ở nước ta hiện nay.
"Người lớn không cần học nữa" là quan niệm sai lầm
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Thưa Giáo sư, xin Giáo sư khái quát định nghĩa về giáo dục người lớn để độc giả có thể hiểu cặn kẽ khái niệm này?
GS.TS Phạm Tất Dong: Giáo dục người lớn là một quá trình mang lại cho người lớn những tri thức, kỹ năng, hiểu biết về công việc của bản thân, về văn hóa, lịch sử của đất nước và thế giới, góp phần vào thành tích chung của nhân loại.
Ở trong góc độ xã hội học tập, khái niệm người lớn được hiểu là những người đã qua vòng giáo dục ban đầu mà họ không còn cơ hội đi học tại các hệ thống chính quy, phải học theo hệ thống không chính quy (chẳng hạn các trung tâm giáo dục thường xuyên) và hệ thống phi chính quy (học qua cuộc trò chuyện thường ngày, qua phương tiện truyền thông, mạng internet…).
Nếu người trẻ là nguồn nhân lực của đất nước thì người lớn là lực lượng lao động chính. Lực lượng ấy phải luôn cập nhật tri thức, đáp ứng sự thay đổi của xã hội để thực hiện tốt công việc của mình.
Giáo dục người lớn cực kỳ quan trọng, không quốc gia nào được coi nhẹ. Nếu một đất nước nào đó coi nhẹ việc giáo dục người lớn thì quốc gia đó không thể có nguồn lực và nhân lực tại chỗ đáp ứng được yêu cầu của xã hội biến đổi không ngừng.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước. Trong đó có đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Và giáo dục người lớn nằm trong khâu đột phá này.
Phải làm sao để tất cả người lao động phải có chất lượng, trở thành nhân lực mũi nhọn trong tổ chức sản xuất. Lực lượng này nếu không đủ hiểu biết trong cuộc cách mạng 4.0, không đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số quốc gia thì rất khó có thể đáp ứng được yêu cầu của Đảng đặt ra như trên.
Nhiều người làm quản lý giáo dục và quản lý xã hội không hiểu về giáo dục người lớn
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Theo Giáo sư, hiện nay có những rào cản đối với sự phát triển của giáo dục người lớn?
GS.TS Phạm Tất Dong: Rào cản lớn nhất là nhiều người làm quản lý giáo dục và quản lý xã hội không hiểu về giáo dục người lớn. Nên khi nói đến việc người lớn đi học, họ cho rằng không cấp thiết, việc để trẻ con đi học mới cần.
Tuy nhiên họ quên mất rằng những người lao động nếu như không học thì không thể thực hiện được những nhiệm vụ mới, những công nghệ mới.
Rộng hơn, nhận thức của xã hội còn chưa đầy đủ để tạo cho người lớn những điều kiện và cơ hội học tập.
Ở góc độ kinh tế, chẳng hạn khi nói năng suất lao động của Việt Nam thua xa Indonesia, mọi người sẽ giật mình ngay. Nhưng thực tế, nguyên nhân sâu xa của câu chuyện này là người Indonesia được đào tạo, huấn luyện, được học tập, cập nhật tri thức liên tục thì họ có năng suất lao động cao hơn.
Nhiều nhà quản lý giáo dục và người làm quản lý xã hội không nhìn giáo dục người lớn ở góc độ này.
Thứ hai, Nhà nước thiếu những quy định và những pháp chế để người lớn đi học. Tại nhiều nước quy định người lao động nằm trong biên chế nhà nước, một năm sẽ có 15 đến 30 ngày đi học, phải có kết quả, giấy chứng nhận qua kỳ thi và chứng minh được việc học giúp người họ có thể làm được công việc mới.
Nước mình mới có chính sách nghỉ phép, không có chính sách cho người lao động đi học. Bên cạnh đó, thiếu những thiết chế để ghi nhận, khuyến khích việc tự học của người lớn.
Thứ ba là rào cản về tài chính, tâm lý xã hội và về kỹ thuật
Về phần tài chính, ví dụ lao động mất rất nhiều công sức nhưng lương thấp. Đi học, người lao động cũng lại lại phải bỏ ra một khoản học phí. Đây cũng là một rào cản đáng sợ không những đối với người lớn mà cả đối với trẻ nhỏ.
Ngoài ra còn có những chi phí khác đi kèm việc học như tiền cho các phương tiện di chuyển, dụng cụ học tập…
Về rào cản tâm lý xã hội, nhiều người lớn nghĩ rằng họ không cần học nữa mà chỉ cần như hiện tại thôi. Đi xe, khuân vác thì họ không ngại lắm nhưng đi học thì họ rất ngại. Cũng không ít người cao tuổi cho rằng đã hết cuộc đời rồi thì việc gì phải học nữa. Đó chính là rào cản.
Còn về rào cản kỹ thuật, nhiều người không tiếp thu, thích nghi với công nghệ, nên việc học bị hạn chế. Ví dụ bảo người bán rau sử dụng mạng xã hội để bán hàng trực tuyến, nhiều người không sử dụng được điện thoại, nên các loại phần mềm, ứng dụng với họ là xa vời.
Vì thế, việc buôn bán chẳng những không được mở rộng mà cơ hội được học, tiếp thu kiến thức trực tuyến cũng không được mở ra.
Phải có tài nguyên giáo dục mở
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Đâu là những yếu tố quan trọng để cải thiện chất lượng giáo dục người lớn, thưa Giáo sư?
GS.TS Phạm Tất Dong: Phải có một hệ thống giáo dục cung ứng được các dịch vụ và yêu cầu hiểu biết của người dân - một dịch vụ rất lớn để khi người ta có nhu cầu học tập thì có thể đáp ứng được.
Chẳng hạn một người đang có nhu cầu cần tìm hiểu về cách nuôi con ngan Pháp; một người nữa thì muốn tìm hiểu về cách cách trồng loại cây mới cho năng suất cao; người khác nữa lại thích làm nghề ngoại giao… thì những phương tiện, công cụ mới cũng có thể đáp ứng nhu cầu của họ.
Điều này nhà trường không thể thực hiện được mà phải có những dịch vụ giáo dục từ hệ thống tài nguyên giáo dục mở, để ai cũng có thể tiếp cận và học hỏi.
Thư viện trong các trường đại học có phong phú nguồn tài liệu. Nhưng những tài liệu ấy cần phải được số hóa và với tài liệu tiếng nước ngoài thì cần Việt hóa để tiếp cận được đông đảo tới người dân khi cần.
Tiếp theo là phải tạo ra một xã hội chia sẻ chia sẻ tri thức. Người biết chia sẻ cho người chưa biết. Khi đó, kiến thức không những không bị mất đi mà còn lan tỏa đến được nhiều người.
Ngoài ra, các trung tâm văn hóa cộng đồng phải được hoạt động tốt, có người phụ trách năng động để tạo ra các hoạt động thu hút người dân đến tìm hiểu, học tập,
Thủ trưởng, giám đốc trong các công ty, doanh nghiệp phải có những hoạt động, chương trình khuyến khích để nhân viên học.
Tạp chí Công dân và Khuyến học: Trung tâm học tập cộng đồng có vai trò quan trọng trong thúc đẩy giáo dục người lớn. Giáo sư đánh giá thế nào về hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng hiện nay?
GS.TS Phạm Tất Dong: Phải khẳng định rằng các trung tâm học tập cộng đồng đã giúp người dân hiểu hơn về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; dạy được một số nghề ngắn hạn, học tầm 15 ngày đến 2 tháng; góp phần thay đổi diện mạo của nông thôn, bởi người dân có thêm nghề.
Tuy nhiên, các trung tâm học tập cộng đồng hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Cụ thể, hạn chế lớn nhất của các trung tâm hiện nay là vấn đề về kinh phí tổ chức. Không có kinh phí để mời những chuyên gia giảng dạy.
Phần lớn người dạy là những thầy giáo dạy cấp 1, cấp 2, cấp 3 về hưu. Dạy học cho người lớn hoàn toàn khác so với giảng dạy phổ thông, do đó, cách dạy này chưa phù hợp với giáo dục người lớn.
Thêm nữa, nhiều nơi không có trung tâm học tập cộng đồng, phải mượn nhà dân. Số lượng các trung tâm học tập cộng đồng trên cả nước cũng rất hạn chế.
Để các trung tâm học tập cộng đồng hoạt động tốt, phải có người đứng đầu tâm huyết, có người dạy, và có điều kiện vật chất tối thiểu. Nhà nước nên quan tâm đến điều này.
Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư về những thông tin trên!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google