Công an thành phố Hà Nội đưa ra cảnh báo trước các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản

Hồng Ngọc
17:25 - 21/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Công an thành phố Hà Nội vừa đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công và mạo danh các sàn thương mại điện tử, siêu thị điện máy nhằm chiếm đoạt tài sản.

Công an thành phố Hà Nội đưa ra cảnh báo trước các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản- Ảnh 1.

Cảnh giác khi được yêu cầu cài đặt phần mềm Dịch vụ công để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Công an thành phố Hà Nội

Bị chiếm đoạt tài sản khi cho mượn điện thoại cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công

Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều người dân do điện thoại cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công bị các đối tượng lừa đảo chiếm quyền điều khiển điện thoại rồi chiếm đoạt tài sản. Trong đó có những trường hợp do cho người thân hoặc bạn bè mượn điện thoại để cài đặt phần mềm Dịch vụ công giả mạo.

Mới đây, anh H (trú tại Hà Nội) đã tới trình báo cơ quan Công an về việc cho bạn mượn điện thoại để cài đặt phần mềm giả mạo Dịch vụ công và bị chiếm đoạt tài sản. 

Anh H cho biết bạn của mình là anh K nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ Công an phường yêu cầu đến cơ quan Công an để cập nhật tài khoản định danh cá nhân. 

Do anh K bận công tác nên không thể trực tiếp đến cơ quan Công an làm việc. Đối tượng thông báo với anh K là Bộ Công an có chủ trương hỗ trợ qua mạng để thuận tiện cho công dân và hướng dẫn anh K sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android để tải phần mềm và cài đặt ứng dụng Dịch vụ công. 

Do anh K không sử dụng điện thoại có hệ điều hành Android nên đã mượn điện thoại của anh H để cài đặt ứng dụng giả mạo theo yêu cầu của đối tượng.

Ngoài ra, đối tượng còn yêu cầu anh K truy cập vào tài khoản ngân hàng để thanh toán phí dịch vụ. Mục đích của các đối tượng là thu thập thông tin về số tài khoản, mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng của anh K khi đăng nhập trên điện thoại của anh H.

Sau khi phần mềm cập nhật xong, các đối tượng chiếm được quyền điều khiển điện thoại và lấy cắp mật khẩu đăng nhập tài khoản ngân hàng, mã OTP giao dịch. Sau đó thực hiện các lệnh chuyển tiền, chiếm đoạt tài sản của tất cả các tài khoản ngân hàng lưu trong máy điện thoại của anh H và tài khoản ngân hàng anh K vừa đăng nhập.

Để phòng ngừa với thủ đoạn trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân:

Không cài đặt hoặc cho người thân, bạn bè mượn điện thoại để cài đặt phần mềm Dịch vụ công không rõ nguồn gốc.

Khi người thân, bạn bè mượn điện thoại để cài đặt phần mềm không rõ nguồn gốc cần kiểm tra rõ thông tin trước khi cho mượn.

Thường xuyên cập nhật các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng và tuyên truyền cho người thân, mọi người xung quanh phòng ngừa.

Nếu phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan Công an để kịp thời giải quyết theo quy định.

Cảnh giác trò lừa đảo giả mạo các sàn thương mại điện tử, siêu thị điện máy

Theo Công an thành phố Hà Nội, thủ đoạn mạo danh các sàn thương mại điện tử, doanh nghiệp để chiếm đoạt tài sản của người dân không mới nhưng ngày càng phức tạp, tinh vi. Các đối tượng này có thể giả mạo logo, hình ảnh thương hiệu, website, Facebook, Zalo, công văn, con dấu, tài khoản ngân hàng,...

Công an thành phố Hà Nội đưa ra cảnh báo trước các chiêu trò lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản- Ảnh 4.

Cảnh giác trước tin nhắn tặng quà trên mạng. Ảnh: Công an thành phố Hà Nội

Vì vậy, người dân nên thận trọng với các chiêu trò dưới đây để tránh bị sập bẫy những đối tượng lừa đảo:

Thông báo trúng thưởng/tặng quà khách hàng để lấy thông tin cá nhân của khách hàng.

Lừa đảo qua điện thoại, giả mạo nhân viên chăm sóc khách hàng/nhân viên bảo hành của các siêu thị điện máy để bán dịch vụ bảo hành mở rộng giả hoặc sửa chữa sản phẩm, thay thế linh phụ kiện chất lượng thấp với giá cao.

Giả danh làm nhân viên tuyển dụng của các sàn thương mại điện tử, siêu thị điện máy tuyển nhân viên làm việc online tại nhà, yêu cầu người dùng nạp tiền vào hệ thống để hưởng hoa hồng lừa đảo ứng viên... Sử dụng chữ kí giả mạo Tổng giám đốc, con dấu các của các siêu thị điện máy giả, từ đó tự tạo bản cam kết giả mạo với mục đích lừa đảo các nạn nhân.

Giả mạo các sàn thương mại điện tử, siêu thị điện máy đưa ra chương trình bình chọn để nhận tiền thưởng, đồng thời dẫn dụ khách hàng chuyển khoản nhằm chiếm đoạt tiền.

Để phòng tránh lừa đảo, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân:

Cảnh giác với các cuộc gọi, lời mời tham gia làm cộng tác viên các trang thương mại điện tử trong và ngoài nước, chú ý các đường link giả mạo (đối chiếu với website thương mại điện tử chính thức hoặc website đã được đăng ký với Bộ Công Thương).

Kkhông trả bất cứ loại phí nào nếu không mua hàng trên các hệ thống bán hàng chính thức của các trang thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, khi nhận được các cuộc gọi, tin nhắn với những lợi ích hấp dẫn được hưởng, người dân có thể gọi điện trực tiếp lên tổng đài chăm sóc khách hàng để xác thực chứ không nên tin và làm theo lời dụ dỗ ngay.

Ngoài ra, người dân cũng không nên bấm vào đường link lạ từ những tin nhắn không rõ nguồn gốc để tránh trường hợp bị mất thông tin, mất tiền trong tài khoản ngân hàng,…

Hãy luôn tỉnh táo trước khi bỏ tiền đầu tư. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, liên hệ cơ quan Công an để giải quyết kịp thời vụ việc theo quy định.