Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo chốt đơn, dropshipping liên quan đến kinh doanh online

Hồng Ngọc
16:36 - 08/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến liên quan đến kinh doanh online cũng xuất hiện như: tuyển cộng tác viên chốt đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử, dụ dỗ tham gia mô hình dropshipping... để chiếm đoạt tài sản.

Cảnh giác với các chiêu trò lừa đảo chốt đơn, dropshipping liên quan đến kinh doanh online- Ảnh 1.

Người dân cần cảnh giác với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường thông qua các ứng dụng kinh doanh trực tuyến. Ảnh minh họa: Freightnews

Thủ đoạn lừa đảo "làm nhiệm vụ chốt đơn hàng", "kiếm tiền online"

Công an thành phố Thanh Hóa mới đây đã phát đi các cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo “làm nhiệm vụ chốt đơn hàng”, “kiếm tiền online”,… nhằm chiếm đoạt tài sản. 

Hầu hết các đối tượng đều thực hiện hành vi lừa đảo theo quy trình sau:

Đối tượng lừa đảo mạo danh nhân viên của các sàn thương mại điện tử đăng tin tuyển cộng tác viên làm việc tại nhà, lương cao trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo...

Cộng tác viên (nạn nhân) được cấp mã đăng nhập vào các ứng dụng, đường link mang tên nhiều sàn thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada...

Sau khi đăng nhập, cộng tác viên phải chuyển tiền chốt đơn, giả vờ mua hàng để tăng tương tác và uy tín. Số tiền ứng trước mua hàng sẽ được hoàn trả cùng với hoa hồng từ 10-30% giá trị mỗi đơn hàng.

Ban đầu, đối tượng lừa đảo gửi tiền gốc và “hoa hồng” cho nạn nhân với những đơn hàng có giá trị thấp.

Khi đơn hàng có giá trị ngày càng cao (số tiền nạn nhân cần chuyển khoản ngày càng nhiều), đối tượng lừa đảo không chuyển trả lại tiền gốc và hoa hồng (lãi) như hứa hẹn mà yêu cầu nạn nhân chuyển thêm tiền để thực hiện nhiệm vụ tiếp theo thì mới lấy lại được số tiền đó. Nhiều người tiếc của tiếp tục chuyển tiền.

Đến khi nạn nhân không thể tiếp tục chốt đơn và chuyển tiền nữa thì các đối tượng chặn tài khoản và cắt liên lạc.

Thực chất đây là một chiếc bẫy hết sức tinh vi đánh thẳng vào tâm lý muốn tìm một công việc nhẹ, lương cao của nhiều người mà hậu quả để lại là "tiền mất, tật mang".

Tham gia kinh doanh mô hình dropshipping, nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng

Công an thành phố Hà Nội cũng vừa đưa ra cảnh báo về mô hình kinh doanh dropshipping nhắm đến những người có nhu cầu kiếm tiền online.

Đây là hình thức bán lẻ mà người bán không cần lưu trữ sản phẩm của mình trong kho, thay vào đó người bán chỉ cần chuyển các đơn hàng và chi tiết khách hàng mua sản phẩm tới nhà sản xuất hoặc đơn vị cung ứng sản phẩm. 

Người bán hàng chỉ cần chú tâm vào quảng bá sản phẩm, những việc còn lại đơn vị cung cấp sản phẩm phụ trách. Khi khách hàng đặt mua sản phẩm, các nhà bán lẻ sẽ thông báo cho đối tác dropshipping - nhà sản xuất hoặc nhà bán buôn, những đơn vị này sẽ đóng gói và vận chuyển sản phẩm cho khách hàng. Đối tác vận chuyển sẽ tính phí cho từng đơn hàng.

Trong thời đại công nghệ số hiện nay, dropshipping được rất nhiều cá nhân và tổ chức lựa chọn vì sự tinh gọn của mô hình này. Từ những doanh nghiệp quy mô lớn tới những bà mẹ bỉm sữa muốn kiếm thêm thu nhập đều có thể tham gia hình thức này. Các đối tượng lợi dụng mô hình kinh doanh này để dụ dỗ nhiều nạn nhân tham gia, sau đó chiếm đoạt tiền của “người bán hàng”.

Công an thành phố Hà Nội cho biết một vụ việc xảy ra mới đây: chị N tìm kiếm công việc bán hàng mới trên mạng nên đã chủ động nhắn tin vào trang “Taobaovn Store” và được trang cho mã vạch zalo của bạn nhân viên hỗ trợ. Chị N tạo cửa hàng và chọn sản phẩm trên trang Taobao muốn bán. Có đơn khách đặt hàng, Chị N phải gửi lệnh thanh toán bằng USD trên ứng dụng các đối tượng cung cấp và quy đổi thành tiền Việt và chuyển cho các đối tượng. 

Khi số lượng đơn hàng khách đặt quá lớn, chị N không đủ khả năng tài chính để thanh toán nên muốn rút vốn nhưng được yêu cầu phải thanh toán tất cả các đơn hàng mới được hoàn vốn. Các đối tượng lấy các lý do: “thanh toán đủ các đơn”, “đạt doanh thu 10.000 USD”, “ủng hộ trẻ em nghèo”,… để yêu cầu chị N nộp thêm tiền. 

Tổng số tiền chị N đã chuyển cho các đối tượng và bị chiếm đoạt 340 triệu đồng.

Nâng cao cảnh giác với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường

Để không trở thành nạn nhân của chiêu trò, lừa đảo tuyển cộng tác viên chốt đơn ảo, Công an tỉnh Thanh Hóa đề nghị người dân cẩn trọng với các tin tuyển dụng có nội dung “Tuyển cộng tác viên chốt đơn hàng việc tại nhà, lương cao, không yêu cầu máy tính, kinh nghiệm”; “Tuyển cộng tác viên check đơn nhận 300k/ngày”...

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hà Nội cũng khuyến cáo những người bán hàng online, đặc biệt là các cá nhân kinh doanh chưa từng giao dịch với “các đối tác” cần thận trọng, xác minh kỹ thông tin khi tham gia mô hình kinh doanh dropshipping và thực hiện giao dịch chuyển tiền. 

Ngoài ra, lực lượng chức năng lưu ý, người dân cần cảnh giác với những lời mời đầu tư, cơ hội việc làm với lợi nhuận cao bất thường thông qua các ứng dụng kinh doanh trực tuyến. Không truy cập, đăng nhập, tải các web, đường link được gửi từ người lạ, không rõ nguồn gốc. Tuyệt đối không chuyển tiền cho bất cứ ai khi không có thông tin rõ ràng, cụ thể của tài khoản nhận tiền.

Khi gặp các trường hợp đối tượng có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, xử lý kịp thời. Đồng thời, mỗi người dân hãy tích cực chia sẻ các thông tin cảnh báo đến người thân, bạn bè và mọi người xung quanh, góp phần ngăn chặn tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.