Tin đồn tận thế khi châu Âu tái khởi động máy gia tốc hạt lớn

Tường Linh
14:02 - 04/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Châu Âu đang chuẩn bị đưa vào hoạt động trở lại cỗ máy gia tốc hạt lớn, thứ đã giúp các nhà khoa học phát hiện cái gọi là "hạt của Chúa". Tuy nhiên việc này cũng làm trỗi dậy các loại thuyết âm mưu, như giả thuyết cho rằng cỗ máy có thể tạo ra một hố đen nuốt chửng cả Trái đất vào địa ngục tăm tối.

Tin đồn tận thế khi châu Âu tái khởi động máy gia tốc hạt lớn - Ảnh 1.

CERN đã tái khởi động máy máy gia tốc hạt lớn sau 3 năm tạm ngưng để bảo trì.

Máy gia tốc hạt lớn về cơ bản là một phòng nghiên cứu vật lý khổng lồ nằm gần Geneva, Thụy Sĩ. Trong 3 năm qua, cỗ máy này đã tạm ngưng hoạt động để phục vụ công tác bảo trì. Tổ chức nghiên cứu hạt nhân châu Âu (CERN) có kế hoạch khởi động LHC trong tuần này, nhằm tìm kiếm phản vật chất và nhiều câu trả lời khác cho những bí ẩn lớn nhất của vũ trụ.

Ngay lập tức, thông tin đã khiến nhiều kẻ tin vào thuyết tận thế lên tiếng. "CERN sẽ tái khởi động máy gia tốc hạt lớn vào ngày 5/7," tài khoản Patriot Mimzy có đông người theo dõi trên mạng xã hội Twitter viết. "Họ đang sờ vào những thứ lẽ ra không nên động tới".

"Họ đang tố tái tạo vụ nổ Big Bang và mở ra cánh cổng tới một chiều không gian khác với máy gia tốc hạt lớn," người dùng Twitter có nick Andreas viết.

Máy gia tốc hạt lớn của châu Âu hiện là máy mạnh nhất thế giới. Máy được chứa trong một đường hầm có hình tròn với chu vi 27 km, nằm ở độ sâu từ 50 đến 175 m dưới mặt đất. Hầm chứa máy gia tốc hạt lớn được xây dựng từ năm 1983 đến 1988. Hầm này có đường kính 3,8 m, phần lớn nằm trên đất Pháp, nhưng vẫn có 4 điểm chạy cắt qua biên giới Pháp-Thụy Sĩ.

Máy gia tốc hạt lớn có hai đường dẫn tia hạt chạy song song, nằm sát nhau và giao nhau ở 4 điểm. Mỗi đường này sẽ chứa một chùm proton, được lưu chuyển vòng quanh vòng tròn từ hai hướng ngược nhau.

Bên trong các đường dẫn, hai chùm proton lao vun vút ngược chiều nhau, được tăng tốc bởi nhiều hộp cộng hưởng tần số vô tuyến. Các hộp cộng hưởng tạo ra một điện trường cùng chiều với các hạt, cấp cho hạt một cú hích năng lượng mỗi khi chúng lao qua.

Dần dần, các chùm proton sẽ được tăng tốc lên tốc độ gần với vận tốc ánh sáng rồi được cho va chạm với nhau. Những gì xảy ra sau quá trình va chạm sẽ được ghi lại, phân tích và giúp giải thích các bí ẩn vật lý đang tồn tại.

Năm 2012, nhờ máy gia tốc hạt lớn, các nhà khoa học ở CERN đã quan sát được hạt Higgs boson, còn gọi là "hạt của Chúa", trước đó chỉ tồn tại trên lý thuyết. Nói một cách đơn giản thì Higgs boson là hạt có liên quan tới trường Higg, một trường năng lượng sẽ trao khối lượng cho các vật thể đi qua nó.

Việc phát hiện hạt Higgs boson được xem là mảnh ghép cuối cùng giúp giải đáp một bài toán đố cực khó trả lời của vật lý hiện đại. Nó cũng giúp các nhà khoa học hiểu được vì sao các hạt hạ phân tử va chạm với nhau trong vụ nổ Big Bang lại có thể tạo ra khối lượng, thứ mà chúng ta đã thấy trong vũ trụ hiện đại.

Nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi khác cần sự trợ giúp của máy gia tốc hạt lớn để có đáp án, gồm vì sao vật chất lại bị áp đảo số lượng trước phản vật chất, vì sao trọng lực tồn tại, có những gì nằm trong khoảng không bao la của vũ trụ ngoài kia mà chúng ta chưa thấy được. Các nhà khoa học tin rằng nếu máy gia tốc hạt lớn giúp giải quyết các bí ẩn này, nó có thể giúp chúng ta xác định rằng liệu còn có chiều không gian nào khác đang tồn tại hay không.

"Có một cách để tìm thấy chứng cứ cho chiều không gian khác liên quan tới trọng lực – cụ thể là một hạt lý thuyết gắn với trọng lực gọi là graviton," tạp chí Energy nêu ra trong một bài viết về máy gia tốc hạt lớn – "Và nếu chúng ta có thể tạo ra hạt graviton bằng máy gia tốc hạt lớn, chúng ta có thể nhìn thấy bằng chứng về việc các hạt này rời khỏi chiều không gian của chúng ta để tới một không gian khác".

Để kỷ niệm 10 năm phát hiện hạt Higgs boson, CERN đã có kế hoạch tiến hành các va chạm ở mức năng lượng cao chưa từng thấy trong máy máy gia tốc hạt lớn. Sự kiện sẽ được phát sóng trực tiếp trên các kênh mạng xã hội của CERN.