Sức mạnh khủng khiếp từ vụ phun trào núi lửa chấn động ở Tonga

Tường Linh
13:56 - 01/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Vụ phun trào của núi lửa Hunga Tonga-Hunga Ha'apai ở Tonga hồi tháng 1 năm nay là một trong những vụ phun trào có sức mạnh kinh khủng nhất thời hiện đại.

Đây là kết luận vừa được đưa ra trong công trình nghiên cứu của một nhóm các nhà khoa học tới từ Đại học Bath, Anh quốc, và đã được đăng tải trên tạp chí khoa học Nature hôm 30/6.

Sức mạnh khủng khiếp từ vụ phun trào núi lửa chấn động ở Tonga - Ảnh 1.

Hình ảnh về vụ nổ tại núi lửa Hunga Tonga hồi đầu năm nay. Ảnh: SpaceRef

Nhóm nghiên cứu kết hợp dữ liệu từ vệ tinh và hoạt động quan sát trên thực địa để kết luận rằng vụ phun trào là hiện tượng có một không hai cả về quy mô và tốc độ.

Theo sau một vài lần bộc lộ dấu hiệu hoạt động trở lại từ đầu tháng 12/2021, núi lửa Hunga Tonga đã bùng nổ vào ngày 15/1 năm nay. Các đoạn video ghi lại khoảnh khắc này cho thấy từ vị trí của ngọn núi, một vụ nổ giống như do bom hạt nhân gây ra đã xuất hiện, đẩy khói bụi đi khắp nơi.

Hơi nóng khủng khiếp hình thành từ vụ nổ, nước bị đun sôi và lượng tro bụi khổng lồ là các yếu tố đã tạo ra những đợt sóng trọng trường xuất hiện liên tục trong vòng 12 giờ tiếp theo kể từ khi núi lửa phun trào. Các sóng trọng trường này rõ tới mức người ta có thể quan sát từ vệ tinh hình ảnh của chúng chạy dọc theo lòng chảo Thái Bình Dương.

Vụ nổ còn tạo ra các đợt sóng xung kích đã chạy vòng quanh trái đất ít nhất 6 lần trước khi biến mất. Các đợt sóng này đạt được tốc độ gần tốc độ cực đại về lý thuyết là 320m/giây (1158km/h). Đây cũng là những con sóng có tốc độ cao nhất từng được chứng kiến trong bầu khí quyển của chúng ta.

Thực tế là chỉ một vụ phun trào nhưng gây ảnh hưởng lớn tới cả khu vực này đã mang tới nhiều thông tin giá trị cho các nhà khoa học. Tiến sĩ Corwin Wright, người lãnh đạo nhóm nghiên cứu, cho biết: "Vụ nổ núi lửa Tonga là một thí nghiệm tự nhiên tuyệt vời. Dữ liệu chúng tôi có thể thu được sẽ mở rộng sự hiểu biết của chúng ta về bầu khí quyển, giúp cải thiện các mô hình thời tiết và khí hậu."

Vụ nổ núi lửa Hunga Tonga từng được chuyên gia ở Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đánh giá có sức công phá 10 megaton, tương đương 10 triệu tấn thuốc nổ. Nó đã tạo ra các sóng xung kích cực mạnh và sóng thần tỏa đi khắp nơi.

Để so sánh, sức công phá của vụ nổ tương đương hơn 600 quả bom nguyên tử Mỹ đã ném xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản trong Thế chiến II. Quả bom khi ấy chỉ có sức công phá khoảng 15 kiloton, nhưng đã khiến 90.000 người chết ngay lập tức và hủy diệt nặng nề thành phố.

Vụ nổ và phun trào núi lửa Hunga Tonga đã tạo ra một đám mây bụi hình tròn với đường kính 260 km và điểm cao nhất vươn lên hơn 50km trong bầu khí quyển. Sóng thần hình thành từ vụ nổ đã quét qua Tonga cùng nhiều quốc đảo láng giềng như Fiji và Samoa, lan tới Nhật Bản và khiến Mỹ phải phát cảnh báo.