Nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của một cuộc chiến tranh hạt nhân hiện đại

Tường Linh
12:12 - 11/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Các nhà khoa học vừa đưa ra cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra giữa hai quốc gia có năng lực tấn công hạt nhân sẽ đủ để đẩy thế giới rơi vào một "kỷ băng hà" thu nhỏ.

Nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của một cuộc chiến tranh hạt nhân hiên đại - Ảnh 1.

Một khi khói bụi do bom hạt nhân gây ra phát tán vào tầng cao của bầu khí quyển, nó sẽ lan rộng ra toàn cầu và ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Ảnh minh họa.

Vũ khí hạt nhân có sức hủy diệt vô cùng khủng khiếp và thế giới đã chứng kiến điều này tại hai thành phố Nagasaki và Hiroshima của Nhật Bản vào năm 1945, trong Thế chiến thứ hai. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra khi đó có thể vẫn chưa là gì nếu một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra ngay lúc này.
Điều gì sẽ xảy ra trong một cuộc chiến tranh hạt nhân thời hiện đại?

Ảnh hưởng từ một cuộc chiến tranh hạt nhân, dù xảy ra giữa hai nước nhưng vẫn có tiềm năng gây tác động toàn cầu.

Ngay cả các quốc gia không tham gia vào cuộc xung đột cũng sẽ bị mất mùa nghiêm trọng và chứng kiến nhiệt độ giảm mạnh kéo dài, vì bụi và khói hình thành sau các cơn bão lửa hạt nhân cách xa hàng nghìn cây số gây cản trở mặt trời.

Cụ thể, các chuyên gia từ Đại học bang Louisiana và Rutgers của Mỹ đã cùng nhau tính toán và thấy rằng, trong tháng đầu tiên sau khi xảy ra chiến tranh hạt nhân, nhiệt độ trung bình toàn cầu sẽ giảm khoảng 10 ° C. 

Đây là mức thay đổi nhiệt độ lớn hơn nhiều so với những gì đã diễn ra vào kỷ Băng hà trước kia.

Khi hành tinh của chúng ta trở nên lạnh hơn, băng biển sẽ nhanh chóng mở rộng diện tích lên thêm hơn 9 triệu kilomet vuông và sâu 1,8m ở một số khu vực. 

Băng sẽ chặn lối vào nhiều cảng biển chính gồm cảng Thiên Tân (Trung Quốc), Copenhagen (Đan Mạch) và St Petersburg (Nga).

Băng biển sẽ hiện diện tại các khu vực ven biển thường không có băng, cản trở hoạt động vận chuyển qua Bắc bán cầu. Điều này khiến việc vận chuyển thực phẩm và hàng hóa, nhu yếu phẩm tới một số thành phố trở nên khó khăn.

Sự tụt giảm đột ngột của ánh sáng và nhiệt độ đại dương, đặc biệt là từ Bắc Cực đến Bắc Đại Tây Dương và Bắc Thái Bình Dương, sẽ giết chết các loài tảo biển, vốn đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới thức ăn biển. Qua đó gây ra nạn đói trên nhiều đại dương, ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành đánh bắt cá đại dương.

Giáo sư Cheryl Harrison, tác giả chính trong nhóm nghiên cứu, hiện đang làm việc tại khoa Hải dương học và Khoa học bờ biển của Đại học Bang Louisiana, cho biết: "Ai ném bom hạt nhân trước không quan trọng. Một khi khói bụi do bom hạt nhân gây ra phát tán vào tầng cao của bầu khí quyển, nó sẽ lan rộng ra toàn cầu và ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Chúng ta phải làm tất cả để tránh chiến tranh hạt nhân. Bởi các tác động từ một cuộc chiến tranh hạt nhân có khả năng gây ra thảm họa trên toàn cầu".

Được biết, đây là nghiên cứu đầu tiên đánh giá tác động của một cuộc chiến tranh hạt nhân hiên đại lên thế giới. 

Thử đo đếm về chiến tranh hạt nhân giả tưởng

Các nhà khoa học đã thử đo đếm tác động từ một cuộc chiến hạt nhân giả tưởng giữa Nga và Mỹ, các bên đang sở hữu hơn 4.000 vũ khí hạt nhân có đương lượng nổ từ 100 kiloton. Họ cũng thử tính toán tác động của một cuộc chiến tranh hạt nhân giữa Ấn Độ và Pakistan, nơi số lượng vũ khí hạt nhân dự kiến ít hơn hai nước trên khoảng 10 lần.

Nhóm nghiên cứu thấy rằng ngay cả khi một cuộc chiến tranh hạt nhân "quy mô nhỏ" xảy ra, thế giới sẽ chứng kiến 2,2 triệu đến 40 triệu tấn khói và bụi bay lên thượng tầng khí quyển, chặn ánh sáng từ Mặt trời.

Một cuộc chiến giữa các siêu cường có thể tạo ra lượng khói bụi lớn gấp ba lần mức này.

Các đại dương sẽ phải mất nhiều thập kỷ để phục hồi trên bề mặt. Ở dưới sâu, quá trình phục hồi sẽ phải mất hàng trăm năm. Trong khi đó, những thay đổi đối với biển băng ở Bắc Cực có thể sẽ kéo dài hàng nghìn năm. Chúng ta sẽ thực sự chứng kiến một kỷ băng hà mới xuất hiện sau chiến tranh hạt nhân.

Alan Robock, đồng tác giả và là giáo sư tại khoa Khoa học Môi trường ở Đại học Rutgers, cho biết: "Chiến tranh hạt nhân dẫn đến hậu quả thảm khốc cho tất cả mọi người. Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu mới sẽ khuyến khích nhiều quốc gia hơn phê chuẩn hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân."

Nội dung nghiên cứu đã được xuất bản trên tạp chí khoa học AGU Advances.