Gia tăng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng trên không gian mạng

Thuỵ Văn
20:24 - 25/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục đã nhận được khoảng 1.000 lượt phản ánh của người dân về các vụ lừa đảo trên không gian mạng.

Thời gian gần đây, theo thông tin từ Cục An toàn thông tin ghi nhận, có nhiều vụ lừa đảo liên quan đến thương hiệu của các ngân hàng, nhằm vào người sử dụng các ngân hàng tại Việt Nam để thu thập thông tin cá nhân, thông tin giao dịch thanh toán của người dùng. Từ đó đánh cắp tiền từ tài khoản người dùng. 

Gia tăng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong tài khoản ngân hàng trên không gian mạng - Ảnh 1.

Người tiêu dùng cần bảo vệ tài sản của mình trên không gian mạng. Ảnh ImageIT

Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông có tiếp nhận trên hệ thống phản ánh các đối tượng có thủ đoạn gửi tin nhắn giả mạo Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam- Techcombank. Nội dung tin nhắn là Techcombank yêu cầu người dùng xác nhận cập nhật thông tin ứng dụng lỗi trên hệ thống. Khách hàng được tin nhắn giả mạo yêu cầu thiết lập lại mật khẩu và truy cập vào đường link độc hại. 

Hành vi này thường được thực hiện vào lúc các ngân hàng có thông báo bảo trì hệ thống và đối tượng xấu lợi dụng thời gian khách hàng không sử dụng được ứng dụng và lừa đảo. 

Mới đây, Ngân hàng Quân đội - MBBank cũng tiến hành bảo trì hệ thống trong thời gian khá dài (từ tối 24/6 đến chiều 25/6). Trên mạng xã hội lan truyền các đoạn tin nhắn lừa đảo nhắm vào khách hàng của ngân hàng này khi họ không thực hiện được các giao dịch. 

Sự việc đã khiến MBBank phải gấp rút ra thông báo: Khi thấy đường link lạ có tên miền gần giống với tên của ngân hàng, khách hàng tuyệt đối không bấm vào và không đưa bất kỳ thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thông tin khoản vay,… cho bất kỳ ai, kể cả đối tượng tự xưng là nhân viên Ngân hàng. 

Vì đây chính là dấu hiệu đầu tiên của hoạt động lừa đảo công nghệ cao nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong đó, phương thức các đối tượng thường hay sử dụng chính là giả danh nhân viên ngân hàng.

Cuối năm 2021, Trung tâm ứng cứu khẩn cấp trên không gian mạng VNCERT/CC thuộc Cục An toàn thông tin cũng đã ghi nhận hàng loạt phản ánh của người dân về việc họ nhận được tin nhắn mạo danh các ngân hàng ACB, Sacombank, TPBank... để lừa người dùng truy cập vào các website giả mạo trang giao dịch điện tử của ngân hàng, từ đó đối tượng xấu chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.

Trung tâm VNCERT/CC khuyến nghị, khi nhận được các tin nhắn như trên, người dân cần nâng cao cảnh giác. Không được cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản, thẻ tín dụng,… Tuyệt đối không tiết lộ những thông tin đăng nhập dịch vụ Smart Banking như mật khẩu, mã OTP… trong mọi trường hợp.

Trường hợp nhận được tin nhắn có nội dung lừa đảo, giả mạo, người dân cần phản ánh ngay với Cục An toàn thông tin, trực tiếp là Trung tâm VNCERT/CC để Cục An toàn thông tin kịp thời điều phối, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý.

Điều đặc biệt là tình trạng nhắn tin mạo danh các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp để lừa đảo người dân đã và đang xuất hiện ngày càng nhiều nhưng vẫn có không ít người mất cảnh giác, bị lừa đảo, và thậm chí là tự làm lộ mật khẩu tài khoản ngân hàng dẫn đến mất tiền.

Thực trạng đó đặt ra tầm quan trọng của truyền thông nâng cao nhận thức kỹ năng sử dụng giao dịch điện tử trên không gian mạng. Đặc biệt là khi người dùng Việt Nam ngày càng chuyển phương thức thanh toán điện tử thay vì thanh toán trực tiếp như trước đây. Chiến lược không dùng tiền mặt được xã hội đáp ứng tốt, tỉ lệ người dùng giao dịch điện tử tăng lên đáng kể. 

Chiến dịch tấn công vào người dùng trên không gian mạng thường là nhóm tội phạm có tổ chức và có kỹ năng - công nghệ điện tử. Để ngăn chặn, giải quyết tình trạng lừa đảo trực tuyến "nở rộ" kể trên, Cục An toàn thông tin cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tuy nhiên, để giảm thiểu thiệt hại, mỗi người dùng giao dịch điện tử phải tự bảo vệ mình và trở thành một mắt xích làm phá sản các chiến dịch tấn công xấu độc của tội phạm trên mạng. 

Trong 5 tháng đầu năm 2022, Cục An toàn thông tin đã phát hiện, xử lý 506 website lừa đảo giả mạo tổ chức tài chính, ngân hàng. Hỗ trợ xử lý ngăn ngừa 1,5 triệu người dùng Internet Việt Nam tránh truy cập vào các trang lừa đảo, vi phạm pháp luật.

Danh sách website giả mạo được công khai công bố để công chúng biết, mặt khác công nghệ thông tin phải đi trước một bước, ưu tiên phát triển ứng dụng bảo vệ người sử dụng.

Cụ thể, năm 2022, Cục An toàn thông tin tập trung triển khai 5 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tổ chức chiến dịch tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân; triển khai các giải pháp phục vụ người dân như, công khai thông tin tố cáo, viết các nền tảng bảo vệ, cung cấp thông tin về các hình thức lừa đảo có mặt tại Việt Nam và trên thế giới.

Tất cả nhằm đưa chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam về đích sớm. 

Bình luận của bạn

Bình luận