Chương trình giáo dục phổ thông mới nóng vội, chưa đồng bộ?

Phan Huyền
17:18 - 19/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều chuyên gia giáo dục nuối tiếc, phải chăng nguyên nhân chương trình giáo dục phổ thông mới chưa hiệu quả là đã triển khai nóng vội, chưa đầy đủ mọi điều kiện cần?

Chương trình giáo dục phổ thông mới đã triển khai được 2/3 chặng đường. Cho tới thời điểm này, gần cuối năm học 2022-2023, chương trình đã triển khai được 3 năm ở các khối lớp 1; 2; 3; 6; 7 và 10. Năm học 2023-2024 tiếp tục là lớp 4; lớp 8 và lớp 11. Năm học 2024-2025 sẽ là lớp 5; 9 và lớp 12.

Ngành giáo dục và toàn xã hội đã kì vọng rất lớn ở lần đổi mới này. Chương trình giáo dục phổ thông mới được ví như một làn gió thổi bay và xóa bỏ được những trì trệ, lạc hậu để hướng tới một nền giáo dục năng động và hiện đại hơn.

Tuy nhiên, nhìn lại 3 năm học đã áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới vừa qua, nhiều điểm yếu đã bộc lộ. Những ai quan tâm đến nền giáo dục nước nhà đã nuối tiếc. Phải chăng nguyên nhân chương trình giáo dục phổ thông mới chưa hiệu quả là đã triển khai nóng vội, chưa đầy đủ mọi điều kiện cần?

Chương trình giáo dục phổ thông mới

Chương trình giáo dục phổ thông mới được kỳ vọng dành cho thế hệ trẻ tương lai một phương pháp giáo dục hiện đại, hiệu quả. Ảnh: Mạnh Chiến

Thiếu cơ sở vật chất cho giáo dục

Khá nhiều địa phương, đặc biệt là những vùng kinh tế khó khăn trên cả nước thiếu cơ sở vật chất trầm trọng. Nhiều trường học đã xuống cấp chưa được xây mới, thiếu phòng học nên vẫn còn tình trạng dạy và học lớp ghép.

Ai đã từng giảng dạy lớp ghép sẽ hiểu rất rõ, giáo viên không thể áp dụng phương pháp dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc đổi mới hay sử dụng nhiều hình thức dạy học phong phú bất khả thi. Dạy lớp ghép, thầy cô chỉ áp dụng duy nhất cách giảng dạy truyền thống là "thầy đọc trò chép".

Không chỉ phòng học thiếu mà thiếu cả các phòng chức năng như phòng dạy Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật… Môn Âm nhạc của chương trình giáo dục phổ thông mới yêu cầu phòng âm nhạc được trang bị đàn, bộ gõ, một số dụng cụ âm nhạc cho giáo viên và học sinh. Phòng dạy Mỹ thuật trang bị giá vẽ. Thiếu phòng học, giáo viên phải xuống từng lớp để giảng dạy thì đàn, giá vẽ xếp gọn một chỗ.

Nhiều nơi thiếu máy tính để triển khai môn Tin học. Không có máy tính cho học sinh học thực hành. Có những trường học ở vùng cao, cả trường chỉ có hơn 10 máy tính cũ. Các giáo viên giãi bày nhiều máy hỏng hóc, khi khởi động được, khi không.

Thế là, giáo viên lại dạy chay, lại đọc chép, cho học sinh nhìn vào sách và giảng bài. Với kiểu giảng dạy như thế, học sinh tiếp thu bài không hiệu quả. Chương trình giáo dục phổ thông mới vô nghĩa, hiệu quả bằng không. 

Sĩ số lớp học quá đông

Chương trình mới chú trọng việc phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tuy nhiên, sĩ số lớp học nhiều nơi hiện nay khá đông, có nơi sĩ số là 50, 60. Nếu sĩ số là 70 thì gấp đôi sĩ số quy định chuẩn. 

Với sĩ số học sinh như thế, cộng với phòng học nhỏ hẹp rất khó khăn cho giáo viên khi giảng dạy theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thiếu giáo viên trầm trọng phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới

Tình trạng thiếu giáo viên gần như phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước. Có những cơ sở giáo dục không có đủ giáo viên chủ nhiệm nên phải hợp đồng lại những thầy cô giáo đã về hưu hoặc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải trực tiếp xuống làm công tác chủ nhiệm và giảng dạy như một giáo viên. Bận rộn với công tác quản lý nên việc giảng dạy cũng có phần hạn chế.

Một số địa phương vùng núi và Tây nguyên không có giáo viên dạy Tin học và Tiếng Anh - hai môn học bắt buộc ở bậc tiểu học hiện nay. Các cơ sở giáo dục khắc phục bằng cách chọn giáo viên trong trường ai có trình độ công nghệ nhỉnh hơn một chút thì phân công dạy kiêm nhiệm thêm môn Tin học.

Tuy nhiên, Tiếng Anh thì không dễ phân công giáo viên dạy chéo môn. Có địa phương phải chữa cháy bằng cách hợp đồng giáo viên ngoại ngữ dạy online.

Dạy học kiểu này, đảm bảo được chất lượng ở mức trung bình đã là cố gắng lớn, sao có thể nâng cao chất lượng giáo dục như mong muốn của chương trình giáo dục phổ thông mới?

Không có giáo viên dạy tích hợp chương trình giáo dục phổ thông mới

Đây chính là điều đáng tiếc nhất khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới. Lẽ ra, phải chuẩn bị một đội ngũ giáo viên có đủ khả năng dạy tích hợp rồi mới triển khai chương trình.

Thực tế, thiếu giáo viên, dồn ghép môn như môn Lịch sử, môn Địa lý thành môn Lịch sử và Địa lý, môn Lý, Hoá, Sinh thành môn Khoa học tự nhiên trong khi chưa có giáo viên dạy tích hợp. 

Nhiều cơ sở giáo dục buộc giáo viên phải dạy đa môn như giáo viên Lịch sử dạy cả Địa lý, giáo viên Địa lý dạy luôn Lịch sử. Giáo viên Hoá, dạy Lý và Sinh. Giáo viên Sinh dạy cả Lý và Hoá…

Một số đồng nghiệp dạy tích hợp chia sẻ thật lòng, dù cố gắng thì bản thân cũng không đủ năng lực để dạy tốt. Dạy kiểu thầy đọc trò chép, sách giáo khoa nói gì thì giảng y chang trong đó mà không dám mở rộng, đào sâu. Một số thầy cô chua chát nói rằng, lên lớp dạy sợ nhất là học sinh hỏi bài.

Còn gì quê hơn, xấu hổ hơn khi trò hỏi mà thầy cô lại không biết? Đành học nhau cái "bí kíp" để bảo toàn danh dự bằng cách hẹn trả lời vào tiết học sau vì thầy cô còn phải đi hỏi những giáo viên đúng chuyên môn của môn học ấy.

Năng lực giáo viên dạy tích hợp như thế thì mong gì học sinh sẽ đạt kết quả cao, chất lượng tốt?

Lẽ thường ngành giáo dục phải chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất cũng như đội ngũ nhà giáo sẵn sàng đáp ứng và thích nghi với chương trình mới, lúc đó mới tiến hành thay đổi chương trình và sách giáo khoa. Đằng này, thay ngay chương trình và sách giáo khoa trong khi những điều kiện cần và đủ lại thiếu khá nhiều.

Khắc phục bất cập chương trình giáo dục phổ thông mới bằng cách nào?

Thiếu cơ sở vật chất có nhiều cách khắc phục. Đó là, cấp trên rót ngân sách về địa phương để xây dựng cùng với sự nỗ lực hết mình của các cơ sở giáo dục như xin tài trợ xây dựng phòng học, phòng chức năng, trang bị máy tính cho các trường từ các nhà hảo tâm, các nhà tài trợ ở nhiều nơi. Mở rộng khả năng xã hội hoá từ địa phương. Toàn dân chăm lo cho trẻ đến trường. 

Việc thiếu giáo viên Tin học và ngoại ngữ lại cần phải có chế độ thu hút thoả đáng như giảm định mức tiết dạy trong tuần, có chế độ thu hút đặc thù với những môn học còn khan hiếm nguồn giáo viên. Cần có chiến lược phát triển nguồn nhân lực từ đào tạo cho đến bố trí sắp xếp việc làm trong ngành giáo dục. 

Khi chưa có giáo viên tích hợp được đào tạo bài bản thì các cơ sở giáo dục không nên ép giáo viên đơn môn phải đảm nhận. Vẫn chỉ nên phân công, giáo viên môn nào cứ dạy môn đó. Ngành giáo dục cần có kế hoạch đào tạo gấp giáo viên tích hợp để đáp ứng được nhu cầu của việc dạy tích hợp hiện nay.