"Chúng tôi CÓ THỂ": Góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế cho phụ nữ và nữ thanh niên dân tộc thiểu số

Anh Thư
17:11 - 05/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Dự án "Chúng tôi CÓ THỂ" tiếp cận ba vấn đề là: (i) trẻ em không đi học hoặc bỏ học, tập trung vào trẻ em gái dân tộc thiểu số, (ii) bạo lực học đường trên cơ sở giới và (iii) những hạn chế trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm của phụ nữ và nữ thanh niên thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số.

"Chúng tôi CÓ THỂ": Góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế cho phụ nữ và nữ thanh niên dân tộc thiểu số - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: UNESCO

Kinh nghiệm hỗ trợ nâng cao thu nhập và sinh kế cho phụ nữ và nữ thanh niên dân tộc thiểu số  

Ngày 5/8, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm các hoạt động của Dự án "Chúng tôi CÓ THỂ". Hội thảo do Ủy ban Dân tộc và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) phối hợp tổ chức, đã thu hút sự quan tâm của hơn 100 đại biểu đến từ các bộ ngành, địa phương.

Dự án "Chúng tôi CÓ THỂ - Hướng tới Mức sống và Giáo dục tốt hơn" đặt ra mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục và hoàn thành việc học tập của trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái tại các trường trung học cơ sở và tăng cường cơ hội việc làm cho trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số tại các tỉnh Hà Giang, Sóc Trăng và Ninh Thuận với tổng số đối tượng thụ hưởng trực tiếp ước tính khoảng 16.000 người.

"Chúng tôi CÓ THỂ": Góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế cho phụ nữ và nữ thanh niên dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: UNESCO

Dự án được thực hiện nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái các vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam, tiếp cận ba vấn đề là: (i) trẻ em không đi học hoặc bỏ học, tập trung vào trẻ em gái dân tộc thiểu số, (ii) bạo lực học đường trên cơ sở giới và (iii) những hạn chế trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm của phụ nữ và nữ thanh niên thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số.

Ủy ban Dân tộc là đơn vị chủ trì triển khai năm hoạt động chính của dự án, bao gồm mô hình thí điểm về nâng cao thu nhập và sinh kế cho phụ nữ và nữ thanh niên dân tộc thiểu số.

Giáo dục thay đổi cuộc sống của chúng ta. Khi trẻ em gái dân tộc thiểu số nghe được những câu chuyện đời thực từ những người từng trải, bạn bè đồng trang lứa, hay từ những con người đồng cảnh ngộ, thông điệp về lợi ích của việc học tập sẽ trở nên gần gũi và thuyết phục hơn với các em.

Trong bài khai mạc Hội thảo, Ông Christian Manhart, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, phát biểu: "Chúng tôi đã chạm đến niềm cảm hứng và sự cam kết cải thiện điều kiện kinh tế cho chị em đồng bào dân tộc thiểu số, giúp chị em và gia đình tiếp cận tốt hơn với giáo dục, việc làm, y tế và các dịch vụ dân sinh khác".

Tại hội thảo, Ủy ban Dân tộc đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình thí điểm hỗ trợ nâng cao thu nhập và sinh kế cho phụ nữ và nữ thanh niên dân tộc thiểu số ở 5 huyện là Bắc Mê, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Quang Bình và Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang.

Phụ nữ là người thụ hưởng Dự án mang theo các sản phẩm văn hóa, nông nghiệp cũng như các câu chuyện đầy cảm hứng đến Hội thảo.

"Tôi là một trong số những chị em phụ nữ rất may mắn được tham gia Dự án. Tôi được hỗ trợ thành lập tổ phụ nữ hợp tác để cùng nhau trồng rau má với quy mô lớn làm nguồn nguyên liệu cho hợp tác xã. Tôi đã được các chị là chủ hợp tác xã chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp của bản thân, từ đấy tôi cảm thấy tự tin hơn và hình thành thêm được những ý tưởng khởi nghiệp trong thời gian tới"- chị Nguyễn Thị Ẩn, một phụ nữ dân tộc Tày tại huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, chia sẻ.

"Chúng tôi CÓ THỂ": Góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế cho phụ nữ và nữ thanh niên dân tộc thiểu số - Ảnh 4.

Đại biểu chia sẻ: Tôi cảm thấy tự tin hơn và có thêm những ý tưởng khởi nghiệp mới. Ảnh: UNESCO

Dự án "Chúng tôi CÓ THỂ" đã giúp Ủy ban Dân tộc cũng như các địa phương có những bài học kinh nghiệm hữu ích cho việc việc thực hiện Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030" - ông Lê Sơn Hải, Thứ trưởng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, cho biết.

"Chúng tôi CÓ THỂ": Góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế cho phụ nữ và nữ thanh niên dân tộc thiểu số - Ảnh 5.

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc Lê Sơn Hải phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: UNESCO

Các đại biểu cũng được chia sẻ tuyển tập "Chúng tôi CÓ THỂ" gồm 25 câu chuyện do các em học sinh, thầy cô giáo và chị em phụ nữ thụ hưởng Dự án ở các địa phương chia sẻ về giá trị của giáo dục và đào tạo với cuộc sống của họ. Cùng với đó là tuyển tập "Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái" gồm 30 câu chuyện do phụ nữ và nữ thanh niên ở nhiều vùng miền gửi về dự án để truyền cảm hứng cho các em gái về tầm quan trọng của việc học tập, trong thời gian trường học bị đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 năm 2021.

Truyền lửa cho học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái

Có tổng số 24 trường trung học cơ sở thuộc 3 tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng tham gia Dự án "Chúng tôi CÓ THỂ". Đối tượng thụ hưởng là học sinh trung học cơ sở các vùng dân tộc thiểu số, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh và thành viên cộng đồng ở 3 tỉnh.

"Chúng tôi CÓ THỂ": Góp phần nâng cao thu nhập và sinh kế cho phụ nữ và nữ thanh niên dân tộc thiểu số - Ảnh 6.

Đại biểu chia sẻ tại Hội thảo. Ảnh: UNESCO

Chia sẻ về kết quả cụ thể của Dự án, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết: Dự án đã tổ chức biên soạn tài liệu và bồi dưỡng cho 2.388 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục ở các trường trung học cơ sở, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo tại 3 tỉnh về tư vấn học đường, bao gồm tư vấn về bạo lực học đường trên cơ sở giới.

"Mỗi câu chuyện người thật, việc thật đó sẽ truyền lửa cho học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái, nỗ lực học tập, vượt qua khó khăn, để bức tranh tương lai của các em sẽ nhuộm những màu sắc rực rỡ và tươi vui" - Bà Bế Thị Hồng Vân, Giám đốc Ban quản lý dự án EMPS, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc cũng chia sẻ.

Cũng trong khuôn khổ Dự án, Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục phối hợp với 3 Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường trong Dự án triển khai các nội dung: Vai trò quan trọng của cha mẹ tạo điều kiện cho con em tiếp tục học tập; học sinh gửi thư đến cha mẹ để nâng cao sự tin tưởng của cha mẹ về năng lực của con cái, nâng cao sự tự tin của học sinh về năng lực của bản thân; giới và giới tính; bạo lực giới; gia đình yêu thương không bạo lực…

Đầu năm năm học 2021-2022, khi học sinh có thể quay trở lại trường, các nhà trường đã tổ chức các sự kiện truyền thông "Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái" và "Em vẽ bức tranh tương lai", nhằm củng cố nhận thức của cha mẹ học sinh về tầm quan trọng của giáo dục, kêu gọi, vận động cha mẹ học sinh ủng hộ, hỗ trợ cho con em đến trường sau thời gian dài tạm dừng đến trường vì dịch bệnh.

"Mỗi câu chuyện người thật, việc thật đó sẽ truyền lửa cho học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái, nỗ lực học tập, vượt qua khó khăn, để bức tranh tương lai của các em sẽ nhuộm những màu sắc rực rỡ và tươi vui" - Bà Bế Thị Hồng Vân, Giám đốc Ban quản lý dự án EMPS, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách dân tộc, Ủy ban Dân tộc cũng chia sẻ. 

Chiến dịch toàn cầu #KeepingGirlsinthePicture - Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái do Liên minh Giáo dục toàn cầu phát động hướng tới mục tiêu đảm bảo việc học tập của trẻ em gái không bị gián đoạn trong thời gian đóng cửa trường học, tạo môi trường an toàn cho trẻ em gái khi các cơ sở giáo dục mở cửa trở lại, đồng thời kêu gọi nỗ lực bảo vệ những tiến bộ đã đạt được trong giáo dục cho trẻ em gái.