Việt Nam tổ chức Hội nghị Tham vấn quốc gia về chuyển đổi giáo dục

Ngọc Công
15:50 - 21/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 20/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Tham vấn quốc gia về chuyển đổi giáo dục với sự hỗ trợ của UNICEF và UNESCO, cùng sự tham gia của các bên liên quan, bao gồm các bộ ban, ngành, các cơ sở giáo dục và đào tạo.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc cho biết, mặc dù gặp rất nhiều thách thức do đại dịch COVID-19, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều chính sách giúp cho việc dạy và học trên toàn đất nước không bị gián đoạn, cũng như chất lượng giáo dục luôn được đảm bảo.

Việt Nam tổ chức Hội nghị Tham vấn Quốc gia về Chuyển đổi Giáo dục - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại Hội thảo.

Trong khi ứng phó với đại dịch, hệ thống giáo dục Việt Nam đặt ra những vấn đề mang tính chiến lược về tương lai của giáo dục; những yêu cầu thực tiễn về chuyển đổi hệ thống giáo dục quốc gia, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong một thế giới nhiều biến động. 

Để phục vụ cho Hội nghị Thượng đỉnh chuyển đổi giáo dục sẽ được tổ chức vào ngày 19/9 tới tại New York (Hoa Kỳ), Hội thảo tham vấn quốc gia được tổ chức với mong muốn nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận của đại điện các bộ, ban, ngành, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia giáo dục, đại điện của các sở giáo dục, các trường đại học và một số tổ chức quốc tế.

Việt Nam tổ chức Hội nghị Tham vấn Quốc gia về Chuyển đổi Giáo dục - Ảnh 1.

Các đại biểu tại buổi Hội thảo

Đại dịch COVID-19 khiến việc học bị gián đoạn trong khoảng thời gian dài chưa từng có trong lịch sử. Dữ liệu từ Báo cáo Điều tra các Mục tiêu Phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam do Tổng cục Thống kê thực hiện trong giai đoạn 2020-2021 chỉ ra rằng khoảng cách số giữa trẻ em gái và trẻ em trai hiện là rất lớn. 

Trong khi thị trường lao động ngày càng đòi hỏi khắt khe, thực trạng này khiến trẻ em khó đạt được trình độ cao và các kỹ năng kỹ thuật cần thiết để phát triển toàn diện. Thêm vào đó, một nghiên cứu do UNICEF hỗ trợ gần đây đã cho thấy số lượng học sinh trung học phổ thông gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm thần tăng đáng kể. 

Để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay hành động một cách khẩn trương, kịp thời và nghiêm túc của nhiều bộ, ban, ngành, lĩnh vực liên quan như giáo dục, bảo vệ trẻ em, sức khỏe và bảo trợ xã hội.

"Các phương pháp tiếp cận đổi mới là vô cùng cần thiết, với vai trò như một đòn bẩy để thúc đẩy những thay đổi lớn trong chính sách và thực tiễn giáo dục trong các giai đoạn trung và dài hạn. Do đó, sự tham gia và hỗ trợ tích cực của các bộ, ngành trong Chính phủ như Y tế, Lao động, Môi trường, Phát triển và An sinh xã hội, Tài chính, Thông tin - Viễn thông và sự tham gia của thanh niên là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo các cam kết được thực thi, kết hợp như một sự đầu tư cho công cuộc cải cách" - bà Rana Flowers, Đại diện UNICEF trong bài Phát biểu Tổng kết Hội nghị Tham vấn.

Hội nghị tham vấn quốc gia đã xác định những phương hướng quan trọng để giải quyết những thách thức lớn nhất mà hệ thống giáo dục quốc gia đang phải đối mặt. 

Mục tiêu được đặt ra là đảm bảo đầu tư chính xác để trẻ em và thanh thiếu niên được học tập trong các môi trường an toàn và lành mạnh. Qua đó trẻ em có được kỹ năng đáp ứng các yêu cầu việc làm của thế giới hôm nay và cả trong tương lai; đồng thời đảm bảo Mục tiêu Phát triển bền vững số 4 được đưa về đúng hướng.