Giáo dục hòa nhập trong ASEAN: Hướng tới một xã hội bền vững hơn

Kim Ngọc
11:53 - 22/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Đã đến lúc nền giáo dục ASEAN cần phải được cải cách trước những thách thức đến từ đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.

Giáo dục hòa nhập trong ASEAN: Hướng tới một xã hội bền vững hơn - Ảnh 1.

Giáo dục hòa nhập tạo nên cơ sở của sự bình đẳng trong tiếp nhận giáo dục. (Nguồn: UNICEF)

Trong một bài viết trên tờ Bangkok Post, bà Rubeena Singh, chuyên gia Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), đã chỉ ra xu hướng giáo dục hoà nhập và những khó khăn, thách thức ASEAN đang gặp phải trong quá trình này.

Không chỉ là một xu hướng

Vài năm trở lại đây, thuật ngữ “hòa nhập” đã nổi lên như một xu hướng chung trong cả hệ thống giáo dục công lẫn tư. Tuy nhiên, cần phải nhận thức được rằng “hòa nhập” trong giáo dục không phải chỉ đơn thuần là giúp đỡ những trẻ em khuyết tật được đến trường.

Trên thực tế, rất nhiều hệ thống giáo dục tuyên bố sẽ tạo ra một môi trường “hòa nhập” lại sử dụng mô hình tách biệt hay tích hợp, điều không đem lại ý nghĩa về về sự hòa nhập thật sự.

Giáo dục hòa nhập đòi hỏi phải có sự thay đổi mang tính hệ thống nhằm biến đổi tư duy và kỹ năng, giúp đem lại cảm giác thân thuộc cho từng học sinh. Đây là bước biến đổi toàn diện, yêu cầu những tiêu chuẩn nhất định về sự “hòa nhập”, bao gồm hòa nhập theo hệ thống, môi trường học tập thân thiện, chương trình giảng dạy thích hợp với học sinh, sự khác biệt trong phương pháp học tập và thiết kế chương trình phù hợp với tất cả đối tượng.

Báo cáo giáo dục từ Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho mọi đối tượng (năm 2020) đã đưa ra điều kiện cần cho các cải tiến thiết thực trong giáo dục hòa nhập.

Những học sinh khuyết tật khi đến trường sẽ phát triển lối sống lành mạnh hơn và được nâng cao khả năng tham gia cộng đồng cũng như các cơ hội việc làm trong tương lai. Trong lớp học chung, học sinh không khuyết tật cũng có nhiều lợi ích, bao gồm việc rèn luyện kĩ năng mở rộng tầm nhìn, học cách hợp tác một cách sáng tạo và thấu hiểu quá trình xây dựng cộng đồng hòa nhập. Đó là một trong số những lợi ích thúc đẩy chúng ta phải hướng đến một nền giáo dục hòa nhập thật sự.

Một báo cáo của UNICEF công bố năm 2021 chỉ ra có khoảng 43,1 triệu trẻ em (từ 0-18 tuổi) khuyết tật về thể chất hoặc trí tuệ ở châu Á-Thái Bình Dương. Nhiều trẻ em trong số đó không được đến trường và phải đối mặt với nguy cơ cao bị bóc lột sức lao động trong thị trường việc làm bất hợp pháp. Ngoài ra, còn nhiều rủi ro khác cũng rình rập những trẻ em này như tảo hôn, bạo lực và nghèo đói.

Việc đóng cửa các trường học trong đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều trở ngại cho quá trình học tập của học sinh, đồng thời cũng đặt ra cơ hội để suy nghĩ về sự hòa nhập thật sự trong trường học. Cùng trong báo cáo của UNICEF, các trường học đóng cửa đã gây ảnh hưởng đến 140 triệu học sinh ở Đông Nam Á và 260 triệu học sinh ở Đông Á.

UNESCO ước tính rằng có ít nhất 2,7 triệu trẻ em sẽ không trở lại trường học sau dịch COVID-19 và hơn 35 triệu trẻ em ở Đông Á và Thái Bình Dương đã bỏ học.

Với học sinh khuyết tật, khả năng tiếp tục nghỉ học lại càng cao hơn dù cho các trường học mở lại hoàn toàn, điều này có thể kéo dài chu kỳ nghèo đói.

Giáo dục hòa nhập trong ASEAN: Hướng tới một xã hội bền vững hơn - Ảnh 2.

Bảng số liệu thống kê tỉ lệ học sinh khuyết tật tại một số nước châu Á-Thái Bình Dương. (Nguồn: UNESCO)

Thách thức đi cùng với cơ hội đổi mới

Mười quốc gia thuộc ASEAN đều mong muốn tạo ra một hệ thống giáo dục hòa nhập dành cho học sinh khuyết tật nhưng thực tế điều này còn rất nhiều khó khăn, thách thức, song đây cũng là cơ hội để đổi mới.

Ví dụ, quy trình kiểm tra y tế trước khi nhập học hiện nay còn tồn tại hạn chế trong khả năng tìm ra các điểm mạnh cũng như điểm yếu của từng học sinh để lập ra kế hoạch giáo dục riêng biệt và can thiệp đúng cách. Khó khăn này đặt ra yêu cầu phải về một phương pháp thu thập dữ liệu hoàn thiện hơn.

Module thực hiện chức năng cho trẻ em (CFM) do Nhóm Washington (WG) soạn thảo phối hợp với UNICEF có thể giúp xác định rào cản trong việc học tập của mỗi trẻ qua việc đo lường mức độ hạn chế về mặt chức năng và khả năng tương tác với môi trường.

Suy cho cùng, khuyết tật là rào cản giữa con người với môi trường mà họ đang sinh sống. Module này đã tạo ra một cách nhìn khác giúp nhìn thấy mối liên hệ này một cách dễ dàng hơn.

Một thách thức lớn khác các nước ASEAN cần vượt qua nằm ở cốt lõi của các hệ thống giáo dục là việc đào tạo giáo viên. Quy trình đào tạo giáo viên chất lượng và thống nhất là nền tảng của giáo dục hòa nhập. Kinh phí và các ưu đãi dành cho giáo viên có thể tác động tới chất lượng đào tạo giáo viên.

Cuối cùng, chính phủ của các quốc gia cũng phải có trách nhiệm điều hướng những thay đổi văn hóa mang tính hòa nhập. Các nhà lãnh đạo cũng phải trở nên hòa nhập, sử dụng công khai ngôn ngữ hòa nhập và ủng hộ quyền con người, bao gồm cả những người khuyết tật.

Tóm lại, giáo dục hòa nhập là điều cần thiết đối với mọi cấp học từ mầm non đến trung học, ở cả mức độ kỹ thuật lẫn dạy nghề. Điều này là một tác nhân để khuyến khích việc học tập suốt đời và tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế - chính trị của mỗi công dân.

Giáo dục hòa nhập không chỉ dành cho học sinh khuyết tật, đây là một hệ thống mang đến cơ hội học tập bình đẳng cho tất cả mọi người để xây dựng một xã hội bền vững hơn.

Nguồn: Báo Thế giới & Việt Nam