Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh giáo dục phát triển năng lực học sinh như thế nào?

Trương Thuý Hằng
06:08 - 05/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 5/9/1945, 3 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” trên quảng trường Ba Đình, Người viết thư gửi cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên (1945-1946) của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh giáo dục phát triển năng lực học sinh như thế nào? - Ảnh 1.

Học sinh trong lễ khai giảng năm học mới. Ảnh: Mạnh Chiến

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp "trồng người". Đó gần như là việc đầu tiên Người nghĩ tới khi kiến thiết một quốc gia với nền độc lập mới. 

Nhớ lại bức thư gửi cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945-1946), điều đặc biệt là trong bức thư này, Người đã nhắc đến vấn đề cơ bản nhất, những mục tiêu của giáo dục Việt Nam mà cho đến nay, những vấn đề này vẫn mang tính thời sự. 

Công dân và Khuyến học xin giới thiệu đến bạn đọc toàn văn nội dung bức thư này.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh giáo dục cần chú ý tới năng lực học sinh như thế nào? - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh giáo dục cần chú ý tới năng lực học sinh như thế nào? - Ảnh 2.

Một nền giáo dục hoàn toàn Việt Nam

Trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người nhấn mạnh tới việc nền giáo dục của nước ta từ sau năm 1945 đã hoàn toàn thoát khỏi một nền học vấn nô lệ. Học không còn để làm tay sai, làm tôi tớ cho bất kì điều gì. Giáo dục đã hoàn toàn bước sang một trang mới. 

Ngày nay, nghe theo lời dạy của Người, một lần nữa chúng ta cần đưa giáo dục Việt Nam đi lên cùng phương pháp, tư duy độc lập, tự chủ, học hỏi tinh hoa trí tuệ của nhân loại. Tuy nhiên, học hỏi không có nghĩa là dập khuôn theo hình mẫu giáo dục các nước khác. 

Mỗi quốc gia có một đặc thù riêng về yếu tố con người, đặc tính văn hoá và vận động xã hội, nền chính trị - kinh tế khác nhau. Sự chọn lọc điều hay, cái mới của các phương pháp giáo dục sẽ đưa chúng ta tiến kịp với bạn bè năm châu. Ngược lại, nếu áp dụng một cách giáo điều, máy móc, cắt lấy phần ngọn không phù hợp, chúng ta sẽ rơi vào lúng túng, chới với và lại tụt lại phía sau so với thế giới. Cải cách giáo dục cần có lộ trình, và trong sự nghiệp "trồng người" nếu thiếu kiên nhẫn và nóng vội thì việc nhìn lại, sửa chữa sẽ vô cùng phức tạp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh giáo dục phát triển năng lực học sinh như thế nào? - Ảnh 4.

Bắt đầu năm học mới trong niềm hân hoan ngày hôm nay. Ảnh: Mạnh Chiến

Thế nào là giáo dục phát triển năng lực sẵn có của học sinh?

Ngay từ năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc tới việc giáo dục phát triển năng lực của học sinh. Điều mà chúng ta hằng hy vọng sẽ được giải quyết trong Chương trình giáo dục phổ thông mới. 

Có thể hiểu dạy học ngày nay là một quá trình gồm toàn bộ các thao tác có tổ chức và có định hướng giúp người học từng bước có năng lực tư duy và năng lực hành động. Học sinh sẽ được khích lệ để tiến đến mục đích chiếm lĩnh kiến thức, kỹ năng, và các giá trị văn hóa mà nhân loại đã đạt được. Trên cơ sở đó, người học phát triển khả năng giải quyết được các vấn đề thực tế đặt ra trong toàn bộ cuộc sống một cách sáng tạo và hiệu quả.

Năng lực là đặc điểm của cá nhân, thể hiện mức độ thông thạo – tức là có thể thực hiện một cách thành thục và chắc chắn một hay một số dạng hoạt động. Năng lực là tổ hợp các thuộc tính độc đáo của cá nhân cần được khơi dậy, được phát triển thành năng lượng và giá trị - thể hiện bằng khả năng giải quyết các vấn đề của thời đại.

Dạy học phát triển năng lực là quá trình thiết kế, tổ chức và phối hợp giữa hoạt động dạy và hoạt động học, tập trung vào kết quả đầu ra của quá trình này. Người học sau một quá trình học phải tiến xa hơn với năng lực của chính mình, thông qua giáo dục và đào tạo. 

Chương trình giáo dục phổ thông mới mà ngành Giáo dục đang áp dụng nhấn mạnh vào phát triển năng lực học sinh thông qua việc hình thành kiến thức, kỹ năng, để người học biết cách làm việc và giải quyết vấn đề, chú trọng các kỹ năng thực hành, vận dụng vào thực tiễn. Trong đó, người dạy đóng vai trò là người tổ chức, cố vấn, hỗ trợ người học chiếm lĩnh tri thức; chú trọng phát triển khả năng giải quyết vấn đề. Giáo án được thiết kế có sự phân hóa theo trình độ và năng lực của người học và học sinh có nhiều cơ hội được bày tỏ ý kiến, quan điểm và tham gia phản biện, không phụ thuộc vào học liệu. Từ đó, học sinh dần trở nên tự tin, có chính kiến, và có kĩ năng. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định hướng công dân Việt Nam tương lai phải là những công dân toàn cầu?

Người khẳng định trong bức thư đặc biệt này: "Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Đã 68 năm trôi qua, bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết năm 1945 từng khích lệ lớp lớp các thế hệ học trò Việt Nam học hành để vươn ra thế giới. Học để tự tin, sánh vai với bè bạn năm châu bốn biển. Tư tưởng Hồ Chí Minh về thế giới đại đồng, và khao khát của Người về tầm vóc học vấn của con người Việt Nam thể hiện qua từng lời răn dạy thiếu niên, nhi đồng. 

Ngày nay, chúng ta đã biết tới khái niệm công dân toàn cầu - một hình mẫu con người mới với khả năng làm chủ nhiều loại ngôn ngữ, kĩ năng, học vấn để có thể kiểm soát nhiều vấn đề của thế giới. Chúng ta hoàn toàn có cơ hội để biến lời nhắn nhủ, răn dạy của Bác Hồ trở thành hiện thực. 

Để mỗi mùa khai trường năm học mới, chúng ta lại nhắc nhau mục tiêu cuối cùng của sự học là làm chủ kiến thức, công nghệ, trí tuệ nhân loại, kiến thiết thế giới ngày một văn minh. Tượng đài vinh quang nhất của người học luôn là thể hiện được chính mình trong bể học vô bờ. 

Bình luận của bạn

Bình luận