Lối tư duy, mô thức suy nghĩ và cách phát triển năng lực tinh thần

GS.TS Phạm Tất Dong
14:18 - 11/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Mindset là một mô thức suy nghĩ khi phải xử lý và đối mặt với các tình huống trong cuộc sống. Để định hướng cho lối tư duy của mỗi người là thế giới quan của họ và năng lực tinh thần như ý chí, sự bền bỉ, nghị lực và sự tự tin vào chính mình.

Về việc định hướng con đường tới tương lai, khái niệm mindset được đưa ra để nói về tư duy. Trong một vài từ điển giải thích khác, mindset cũng được diễn dịch là quá trình tư duy - một quá trình nhận thức lý tính của con người.

Lối tư duy, mô thức suy nghĩ và cách phát triển năng lực tinh thần - Ảnh 1.

Thành công khi có được cho mình Growth Mindset (lối tư duy phát triển). Ảnh: Free/image

Tư duy là quá trình vô tận

Là người nghiên cứu tâm lý học nhiều năm, tôi thường giảng cho sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của mình rằng, tư duy được hiểu là một quá trình tâm lý phản ánh những thuộc tính, những dấu hiệu bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong mang tính quy luật của những sự vật, những hiện tượng trong thế giới khách quan. 

Với cách hiểu ấy thì khi dịch sang tiếng Anh sẽ là The thinking, còn sang tiếng Pháp sẽ là La penseé. Do vậy, đánh đồng Mindset ≈ Thinking là không chuẩn.

Nói là không chuẩn bởi mindset là lối tư duy hay mô thức suy nghĩ của một con người. Nếu tư duy là sự vận động của trí não lấy những khái niệm đã có làm vật liệu hoạt động để từ đó đi đến một nhận thức ở trình độ cao hơn thì lối tư duy lại là một mô thức của suy nghĩ, trên cơ sở niềm tin và thái độ của mình, con người giải bài toán ứng xử với hoàn cảnh và tình huống mà mình muốn cải thiện.

Tư duy (thinking) nếu đúng, sẽ mang lại cho ta một sự hiểu biết sâu vào bản chất của sự vật và hiện tượng, và mỗi lần tư duy, ta lại tiến thêm vào tầng sâu bên trong. Và vì chân lý bao giờ cũng là tương đối nên tư duy luôn là quá trình tiếp cận với bản chất của sự vật hoặc hiện tượng mà thôi.

V.I.Lenin đã nói rằng: "Thế giới là vô tận, electron cũng là vô tận", tư duy vì thế cũng là quá trình vô tận.

Nhiều vấn đề cứ ngỡ là đơn giản, nhưng trong tư duy, chúng chẳng hề đơn giản chút nào. Câu chuyện chiều dài của 1 mét là ví dụ.

Con người trên thế giới cần thống nhất cách đo chiều dài và tìm số đo chung là mét. Vậy một mét có chiều dài là bao nhiêu. Ban đầu tưởng dễ, nhưng phải có căn cứ mang tính thuyết phục, làm sao chiều dài 1 mét là một số không đổi.

Năm 1790, giới khoa học Pháp lấy một phần hai mươi triệu đường kinh tuyến Bắc - Nam làm tiêu chuẩn độ dài gọi là 1 mét. Người ta dùng bạch kim chế tạo ra thước mét đầu tiên.

Năm 1889, tại Hội nghị đo lường quốc tế, người ta chính thức quyết định độ dài của mét tiêu chuẩn đầu tiên này, chế tạo ra một thước mét bằng hợp kim "Bạch kim - Irit" có tiết diện hình X.

Thước mét tiêu chuẩn này được lưu giữ ở Viện Đo lường Quốc tế Paris. Các quốc gia tiếp tục chế thước mét bằng cách định kỳ mang thước của mình đến so với thước mẫu ở Paris. Hầu như các nước không hài lòng với thước mét mẫu bởi hợp kim Bạch kim - Irit không tránh khỏi sự giãn nở theo thời tiết, hơn nữa, nó có thể hao mòn theo thời gian (chỉ cần thước mét giãn ra hay co lại một nửa milimet thôi thì đo mỗi chiều dài vài vạn kilomet sẽ thấy sai số là rất lớn).

Tháng 10/1960, người ta chính thức xác nhận chuẩn mét bằng 1650763 lần bước sóng ánh sáng màu da cam mà Kripton - 86 phát xa trong chân không. Nhưng khi phát hiện tia laze, người ta lấy bước sóng của tia laze làm chuẩn, thay cho Kripton-86. Song, con người vẫn không ngừng tư duy về chiều dài của mét. Ngày 20/11/1983, tại Hội nghị đo lường quốc tế lần thứ 17 tổ chức ở Paris, người ta phát hiện độ dài của thước mét chuẩn tương đương với độ dài đường truyền của ánh sáng trong thời gian 1/299792458 giây trong chân không. Do ánh sáng có tốc độ không đổi trong chân không nên thước mét hiện nay có chiều dài bằng quãng đường ánh sáng truyền trong chân không trong khoảng thời gian 1/299792458 giây.

Nhưng, điều này chắc cũng không phải là bất di bất dịch. Người ta sẽ tiếp tục tư duy về chiều dài của thước mét, song chẳng bao giờ chiều dài ấy là một số vô cùng tuyệt đối.

Tư duy sẽ rút ra điều chung nhất về những sự vật, những hiện tượng đồng loại. Cái đèn dầu lạc (đổ dầu lạc vào đĩa, đặt sợi bấc vào và đốt đầu sợi bấc gếch lên thành đĩa), đèn dầu hỏa, đèn măng sông (manchon), đèn điện bóng dây tóc, đèn huỳnh quang, đèn compact, đèn led... dù khác nhau thế nào thì trong tư duy, tất cả được gói gọn trong cụm từ "nguồn sáng".

Khái niệm về lối tư duy (mindset)

Mindset là một cách thức của suy nghĩ. Cách thức này có 2 quá trình tâm lý song hành: Tư duy và Tưởng tượng.

Tư duy (thinking) là quá trình nhận thức lý tính như một hình thái vận động của trí não. Khác với các quá trình nhận thức cảm tính (cảm giác và tri giác) chỉ phản ánh các dấu hiệu bên ngoài của sự vật hoặc hiện tượng nhờ vào 5 giác quan trên cơ thể là thị giác, thính giác, khứu giác, vị giác và xúc giác, còn tư duy phản ánh những thuộc tính bên trong sự vật và hiện tượng mà các cơ quan cảm giác không nhận ra. Con kiến có thể nhìn thấy tia tử ngoại, nhưng nó không dùng tia sáng này vào đời sống của nó. Con người không trực tiếp nhìn thấy tia tử ngoại, nhưng họ biết rằng tia tử ngoại A (UVA) chiếu vào da sẽ phá hủy collagen khiến da bị lão hóa, tia tử ngoại B (UVB) gây bỏng da và ung thư da, nhưng lại giúp tổng hợp vitamin D trong cơ thể con người.

Tưởng tượng (Imagination) không tạo ra khái niệm mới, mà xây dựng nên những hình ảnh (những biểu tượng) nhờ vào quá trình nhào nặn, lắp ghép, cấu trúc lại các hình ảnh theo một ý tưởng. Vì thế, tưởng tượng là quá trình tâm lý vô cùng cần thiết cho các nhà văn, nhà thơ, họa sĩ, nghệ sĩ điêu khắc, các nhà tạo mốt thời trang, các nhạc sĩ.

Người ta có thể tưởng tượng và làm ra các sản phẩm khác lạ với những gì có thật trong cuộc sống. Con rồng là một ví dụ điển hình: đầu sư tử, cặp sừng của bò tót, thân con trăn với cái đuôi y hệt đuôi của con cá thần tiên. Trên lưng con trăn là những vây cá tua tủa, còn 4 chân có vuốt sắc như chân chim đại bàng. Trong thực tế không có một con rồng như vậy. Nhưng trong trí tưởng tượng, con rồng ấy đã bay trong bầu trời của vùng đất Đại La, và thành Thăng Long đã được hình thành hơn một nghìn năm về trước để trở thành biểu tượng Hà Nội.

Lối tư duy hay mô thức suy nghĩ được hiểu là một tập hợp những thái độ và niềm tin của con người trong việc xử lý những thông tin để giải quyết những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống nhằm tạo ra một tương lai như ý muốn. Yếu tố thành công ở đây là xây dựng cho cá nhân một lối đi riêng, một cách thức tiếp cận thông tin và xử lý thông tin trong mối liên hệ phức tạp của chúng. Việc xử lý thông tin không chỉ dựa vào công nghệ cao (high tech), mà còn cần đến độ nhạy cao (high touch).

Ly kì như trăn nuốt voi - hay là điều kỳ diệu của tư duy

Ngày 6/4/1943, nhà văn và cũng là một phi công người Pháp - ông Antoine de Saint - cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Hoàng tử bé (Le petit prince). Trong tác phẩm kinh điển này, tác giả kể về một chú bé 6 tuổi rất mê cuốn truyện nói về những khu rừng rậm rạp với những thú rừng rất đặc biệt.

Chú bé đã vẽ một bức tranh ly kì: một con voi khổng lồ bị một con trăn nuốt trọn vào bụng nó.

Lối tư duy, mô thức suy nghĩ và cách phát triển năng lực tinh thần - Ảnh 4.

Con voi bị con trăn tiêu hóa.

Mang tác phẩm của mình đi khoe mọi người, chú bé nghĩ rằng, ai cũng thích thú câu chuyện lạ kỳ về một con trăn nuốt chửng con voi, song chú thất vọng và buồn, bởi mọi người xem tranh đều khen chú vẽ cái mũ phớt (feutre) rất khéo. 

Không ai thấy được chuyện con trăn khổng lồ kia đã ăn tươi nuốt sống một con vật mà ai cũng coi là lớn nhất trong rừng xanh.

Nếu chỉ xử lý những thông tin về đường viền của bức tranh, người ta có hình ảnh về cái mũ quen thuộc của người châu Âu và châu Mỹ. Còn nếu xử lý thông tin bên trong đường viền, ta có ấn tượng về một con voi. Khi gắn kết các thông tin đó lại thành một chỉnh thể, thấy được mối liên hệ giữa con voi và cái mũ phớt kia thì một hình ảnh khác sẽ hiện ra: con voi có một con trăn trong bụng nó.

Trải nghiệm câu chuyện này, nhiều người sẽ có lối tư duy sắc bén hơn, toàn diện hơn, trọn vẹn hơn khi xử lý những tập hợp thông tin khác nhau trong một thế giới có thể rất rối ren, rất lộn xộn.

Như vậy, tư duy và lối tư duy (thinking và mindset) là 2 khái niệm liên quan với nhau, khăng khít nhưng không phải là một.

Trong tiếng Anh, thuật ngữ mindset được ghép từ từ "mind" (tâm trí, tư tưởng) và từ "set" (sự sắp xếp, gắn kết, cài đặt). Từ đó, ta có thể hiểu mindset như một hoạt động sắp xếp trong trí não những hiểu biết, những ý tưởng, những thông tin, tri thức và những gì rút ra qua trải nghiệm, từ đó đưa ra cách xử lý và cách phản ứng.

2 lối tư duy phổ biến nhất

Mỗi người có một cách xử lý và phản ứng khác nhau với các thông tin, nhưng có thể xếp mindset thành 2 lối tư duy phổ biến nhất:

1. Fixed mindset (Lối tư duy cố định). Đó là lối tư duy "đóng hộp", trước những thay đổi của các sự vật, sự kiện bên ngoài, người có lối tư duy cố định vẫn giữ cách xử lý và phản ứng không đổi. Họ không dám nghĩ khác đi, và lại càng không dám làm theo cách khác. Những người có lối tư duy kiểu này không thể mạo hiểm, và họ sẽ không bao giờ khởi nghiệp thành công.

2. Growth mindset (Lối tư duy phát triển). Đây là cách thức suy nghĩ linh hoạt trước những biến đổi nhanh chóng, nhiều khi không lường được trong sản xuất - kinh doanh cũng như trong đời sống xã hội. Họ xử lý và phản ứng công việc có thể thất bại, nhưng thất bại sẽ giúp cho họ một cơ hội làm lại, không chịu đầu hàng, mà tìm một cách khác để đạt mục đích đã định.

Lối tư duy, mô thức suy nghĩ và cách phát triển năng lực tinh thần - Ảnh 6.

Lối tư duy phát triển và cố định.

Những người có lối tư duy phát triển luôn giải quyết công việc linh hoạt và sáng tạo. Họ hướng đến sự tăng trưởng trong sản xuất, sự cải thiện cách thức làm ăn và luôn tìm đến những lối đi phù hợp, không theo đường mòn mà người khác đã đi, sao cho sản phẩm làm ra có cá tính, mẫu mã hàng hóa hấp dẫn và độc đáo, thương hiệu ngày càng có uy tín trong người tiêu dùng.

Trong kinh doanh, các doanh nghiệp thường đặc biệt chú ý đến các loại hình tư duy sau:

Marketing mindset (lối tư duy tiếp thị). Đây là một phạm trù trong tư duy dưới góc nhìn của ngành Marketing. Có thể coi marketing mindset là một lối tư duy có tính chiến lược, thể hiện sự nhìn nhận và phân tích thị trường, khách hàng, đối thủ cạnh tranh và những vấn đề liên quan để định hướng cải tiến và phát triển cho chiến dịch marketing.

Một người làm marketing (marketer) giỏi thì ngoài kiến thức và kỹ năng còn phải có mindset sáng tạo và linh hoạt.

Product mindset (lối tư duy sản phẩm). Đối với các doanh nghiệp lâu đời hoặc đang phát đạt, cũng như với statup non trẻ thì việc xây dựng Product mindset luôn là vấn đề quan trọng. Lẽ sống còn của doanh nghiệp là sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Một khi sản phẩm đưa ra mà khách hàng quay lưng thì nguy cơ làm ăn thua lỗ sẽ bùng lên.

Lối tư duy, mô thức suy nghĩ và cách phát triển năng lực tinh thần - Ảnh 7.

Lối tư duy sản phẩm.

Lối tư duy, mô thức suy nghĩ và cách phát triển năng lực tinh thần - Ảnh 8.

Lối tư duy mở.

Open mindset (lối tư duy mở). Đây là lối tư duy cởi mở, khi xem xét, cân nhắc về nhiều khía cạnh của một vấn đề nào đó trong cuộc sống. Trước những ý kiến trái chiều, người ta không vội phủ nhận, mà coi đó như điều thú vị, có thể chọn lọc phần hợp lý.

Mindset transformation (sự thay đổi lối tư duy). Đó là biểu hiện lối tư duy tích cực và hiện đại, chấp nhận những lối đi mới để thích nghi với các tình huống nảy sinh, chấp nhận việc học hỏi liên tục và thường xuyên để luôn tiếp cận các xu thế mới.

Mindset là một mô thức suy nghĩ khi ta phải xử lý và đối mặt với các tình huống trong cuộc sống. Để định hướng cho lối tư duy của mỗi người là thế giới quan của họ (outlook in life) và năng lực tinh thần (menlality) như ý chí, sự bền bỉ, nghị lực và sự tự tin vào chính mình.

Chúng ta sẽ thành công khi có được cho mình tư duy phát triển (growth mindset), và sẽ thất bại khi không thoát khỏi cách nghĩ trong tư duy cố định (fixed mindset).