Thi tốt nghiệp từ 2025: Giáo viên mong đề thi Ngữ văn sẽ ra thế nào?
Giáo viên mong đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn từ năm 2025 sẽ ra theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh.
Giáo viên mong đề thi Ngữ văn được ra thế nào?
Một giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ quan điểm cá nhân về đề thi Ngữ văn tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025 như sau:
Cấu trúc đề thi cần phải gồm hai phần: đọc hiểu (3 điểm) và làm văn (7 điểm).
Phần đọc hiểu, đề cho văn bản mới, thuộc một trong 4 thể loại (thơ, văn xuôi, văn bản kịch hoặc văn nghị luận). Nếu văn bản ngắn gọn thì trích dẫn hết vào đề. Nếu văn bản dài, chỉ trích một phần tiêu biểu, các phần còn lại đưa vào lược trích hoặc văn bản tóm tắt riêng (có ghi chú vị trí đoạn trích dẫn) để thí sinh hiểu toàn bộ văn bản. Cần có thông tin ngắn gọn về tác giả kèm theo trong đề. Câu hỏi đọc hiểu (khoảng 4 câu) cần bám sát vào tri thức ngữ văn về thể loại mà học sinh đã học, theo các mức: nhận biết, thông hiểu, liên hệ, vận dụng.
Phần làm văn, nên đưa phần nghị luận văn (4 điểm) học lên trước (câu 1), tích hợp với văn bản ở phần đọc hiểu. Phần nghị luận văn học này chỉ yêu cầu thí sinh phân tích một số khía cạnh tiêu biểu ở phần trích dẫn theo đặc trưng thể loại.
Phần nghị luận xã hội (3 điểm) nên yêu cầu viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) nhưng đặt sau (câu 2) câu nghị luận văn học. Phần này không tích hợp với văn bản đọc hiểu mà tách riêng. Dạng câu hỏi này cần bám sát các kiểu viết văn xã hội ở lớp 12 theo chương trình mới.
Có thể bỏ nghị luận văn học không? Vì sao?
Bàn về đề xuất đề thi theo cấu trúc này, một giáo viên Ngữ văn ở Thanh Hoá nêu quan điểm: "Tôi thấy nên loại bỏ phần nghị luận văn học. Thực tiễn dạy học tôi nhận thấy, chính nghị luận văn học đã làm học sinh chán ghét môn Ngữ văn. Tôi nghĩ chỉ có các nhà phê bình văn học mới cần viết nghị luận văn học. Còn đại trà, học sinh chỉ cần đọc và hiểu là đủ. Còn viết thì dưới dạng dùng ngôn ngữ để biểu đạt được suy nghĩ, quan điểm của bản thân về các vấn đề đời sống, tư tưởng thì tốt hơn".
Cùng với đó, giáo viên này phân tích, theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đề thi không sử dụng ngữ liệu sách giáo khoa thì ra câu nghị luận văn học là gần như không thể thực hiện được. Bởi vì, làm sao học sinh có thể viết được bài nghị luận về một tác phẩm đọc trong hơn một tiếng đồng hồ.
Nói về hạn chế của đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn hiện nay, giáo viên này cho biết, phần đọc hiểu thường cho ngữ liệu chưa hay. "Tại sao phần đọc hiểu không trích dẫn những tác phẩm lớn? Có thể là tác phẩm văn chương hoặc nghị luận đều được. Nhưng nó phải có chiều sâu".
Giáo viên này nói thêm: "Thực ra 120 phút, lí tưởng nhất là ra một câu viết luận. Nhưng với học sinh Việt Nam hiện tại, ra ngay như thế sẽ hơi "sốc". Nên tạm thời vẫn để câu đọc hiểu. Nhưng về lâu dài nên bỏ câu đọc hiểu trong đề thi. Bởi vì, với yêu cầu về dung lượng như hiện nay, rất khó để chọn được một ngữ liệu có tính hoàn chỉnh về nội dung và có chiều sâu để kiểm tra khả kĩ năng đọc của học sinh".
Những đề xuất khác đối với đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến khác cũng đáng chú ý. Một giáo viên Ngữ văn ở Điện Biên Phủ nêu ý kiến: "Ra đề như giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thì học sinh vùng cao của chúng tôi khó có thể làm được câu nghị luận văn học. Theo tôi, nên viết nghị luận xã hội là chính. Còn nghị luận văn học chỉ viết đoạn văn, yêu cầu học sinh cảm thụ về một khía cạnh nhỏ nào đó của tác phẩm (đoạn văn) và câu này sẽ dùng để phân hóa học sinh khá, giỏi".
Cùng quan điểm, một giáo viên ở Sơn La lo ngại, ra đề như giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất thì học sinh không đủ thời gian làm bài. Giáo viên mong muốn ra nghị luận xã hội để tạo cơ hội cho nhiều đối tượng học sinh, nhất là các em chọn các môn khoa học tự nhiên. "Nên ra đọc hiểu 6 điểm (có 1 câu cảm nhận về một hình ảnh, chi tiết, nhân vật, câu thơ... bằng một đoạn văn) và viết nghị luận xã hội (4 điểm).
Ngoài ra, một giáo viên ở Hà Giang muốn đề thi Ngữ văn có 2 phần: Đọc hiểu (4 điểm), và viết (5 điểm) (viết một bài luận) để cho học sinh thoải mái thả hồn và sáng tạo trong bài viết.
Một giáo viên ở Lào Cai lại thích ra đề Ngữ văn theo cách đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google