Chọn "lối đi" nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập từ hoạt động thư viện, bảo tàng, thiết chế văn hóa
Tạo điều kiện để công dân có thể tiếp cận tri thức, từ đó, nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập bằng việc đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đang mang lại hiệu quả thiết thực tại tỉnh Tiền Giang.
Hiện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang đang phối hợp với sở, ngành liên quan cùng các địa phương triển khai Kế hoạch số 124/KH-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh về "Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030" trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, nhằm góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập hiệu quả, thiết thực.
Xây dựng xã hội học tập qua việc nâng cao chất lượng phục vụ tại các thư viện
Đối với hệ thống thư viện, tỉnh Tiền Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, đạt 100% thư viện công cộng cấp tỉnh, 50% thư viện công cộng cấp huyện, 30% thư viện công cộng và phòng đọc sách cấp xã, 100% thư viện trường đại học, 60% thư viện lực lượng vũ trang, 70% thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác có cung cấp dịch vụ phục vụ việc học tập suốt đời cho người sử dụng thư viện.
Mục tiêu đến năm 2025, số lượt người sử dụng thư viện phục vụ nhu cầu học tập, tìm kiếm thông tin, nâng cao hiểu biết tăng bình quân 10% mỗi năm. Đến năm 2030, tăng bình quân 10-15% mỗi năm.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến, toàn tỉnh hiện có 39 thư viện và 97 phòng đọc sách cấp xã.
Thời gian qua, hoạt động của thư viện trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm thông tin của nhân dân. Hệ thống thư viện huyện, các phòng đọc cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện có trên 373 ngàn lượt sách, báo lưu hành và 164 loại báo, tạp chí đã tiếp hàng ngàn lượt bạn đọc.
Giám đốc Thư viện tỉnh Tiền Giang Võ Nam Phước cho biết, những năm qua, Thư viện tỉnh Tiền Giang phấn đấu, nỗ lực đạt được nhiều kết quả đề ra. Mỗi năm, bạn đọc tìm đến hệ thống thư viện tỉnh đều tăng, với hàng ngàn lượt người, có trên 152 ngàn lượt sách, báo lưu hành.
Cũng theo ông Võ Nam Phước, hàng năm, Thư viện tỉnh Tiền Giang đều hỗ trợ luân chuyển và trưng bày hàng ngàn bản sách đến các phòng đọc cơ sở, thư viện xã và đơn vị khác…
Được biết, Thư viện tỉnh Tiền Giang còn triển khai những chuyến xe Thư viện thông minh lưu động với hành trình mang "ánh sáng tri thức" tới nhiều nơi, trong đó có các trường học. Mới đây, 660 bản sách đến phục vụ cho 333 em học sinh Trường THCS Hiệp Đức, huyện Cai Lậy. Qua chuyến xe Thư viện thông minh lưu động, các em học sinh được tham gia các trò chơi khoa học như robotics, tên lửa khí, kính vạn hoa,… Cùng với đó, trải nghiệm đọc sách, xem phim khoa học; Tham gia trò chơi thử tài đố vui, nhìn hình đoán chữ,…
Thư viện tỉnh Tiền Giang sẽ tổ chức nhiều chuyến xe hơn nữa đến với các trường học vùng sâu, vùng xa để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, tạo thói quen đọc sách cho các em học sinh.
Phát huy công năng của bảo tàng và thiết chế văn hóa, thể thao trong xây dựng xã hội học tập hiệu quả
Cùng với hiệu quả từ hoạt động của các thư viện trên địa bàn tỉnh, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang Võ Văn Chiến, với sự vào cuộc của các cấp, ngành cùng sự đồng lòng hưởng ứng của nhân dân, số lượng thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh.
Đến nay, toàn tỉnh Tiền Giang có 104 trung tâm văn hóa - thể thao xã và 279 nhà văn hóa ấp (liên ấp) đạt chuẩn theo quy định. Cùng với phát triển số lượng, việc nâng cao chất lượng hoạt động để phát huy công năng của thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở được quan tâm đẩy mạnh.
Tỉnh Tiền Giang phấn đấu đến năm 2025, hệ thống trung tâm văn hóa các cấp đạt 80% và đến năm 2030, đạt 100% trung tâm văn hóa cấp tỉnh, trung tâm văn hóa, thể thao, truyền thanh cấp huyện tổ chức, hỗ trợ nhu cầu hoạt động sáng tạo và hưởng thụ văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao, du lịch phù hợp từng nhóm lứa tuổi, sở thích.
Đến năm 2025, đạt 70% và đến năm 2030, đạt 100% trung tâm văn hóa, thể thao cấp xã, nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khu phố có lớp năng khiếu, câu lạc bộ, nhóm sở thích, thường xuyên tổ chức hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt phục vụ việc đẩy mạnh học tập suốt đời.
Không chỉ đẩy mạnh hoạt động của thư viện và thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh, Tiền Giang còn đẩy mạnh hoạt động tại các bảo tàng.
Theo đó, tỉnh Tiền Giang phấn đấu đến năm 2025, Bảo tàng tỉnh xây dựng và triển khai ít nhất một chương trình, đến năm 2030 triển khai từ 3 - 5 chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa khoa học, nghệ thuật cho mọi người dân, chú trọng đối tượng học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp và ứng dụng giới thiệu trưng bày các chuyên đề trên không gian số.
Qua đó, thu hút số lượt khách tham quan chọn Bảo tàng tỉnh để nghiên cứu, học tập tăng bình quân 10% mỗi năm, đến năm 2030, tăng bình quân 10 - 15% mỗi năm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google