Đẩy mạnh giáo dục mở góp phần xây dựng xã hội học tập
Ngày 1/11, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học quốc gia "Vai trò của giáo dục mở trong xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam". Chương trình được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Tham dự có Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện lãnh đạo của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Trường Đại học Mở Hà Nội và các nhà khoa học nghiên cứu về giáo dục mở.
Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý cùng nhau xem xét, trao đổi, thảo luận và đưa ra các khuyến nghị, sáng kiến, giải pháp đặc biệt là các giải pháp công nghệ mới cần được áp dụng để nâng tầm giáo dục mở, góp phần xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TW.
Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo khẳng định, Việt Nam đang đứng trước cuộc cạnh tranh khốc liệt về nguồn nhân lực có chất lượng cao. Việc đẩy mạnh giáo dục mở, giáo dục từ xa chính là mở rộng cơ hội tiếp cận giáo dục, cơ hội được học của người dân. Tuy nhiên, còn có rất nhiều vấn đề cần tiếp tục phải được nghiên cứu.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo bày tỏ mong muốn, các nhà khoa học sẽ cùng chung tay, nỗ lực thực hiện, đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục mở, thúc đẩy xây dựng xã hội học tập. Đồng thời kêu gọi các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết 3 vấn đề chính.
Thứ nhất, xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, có sự tham gia của các cơ sở giáo dục và các thiết chế ngoài nhà trường nhằm đa dạng hóa các mô hình đào tạo, chương trình giáo dục và phương thức học tập để phù hợp với mọi đối tượng người học, thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập.
Thứ hai, triển khai các nền tảng chuyển đổi số phục vụ dạy, học, khảo thí trực tuyến; kết nối nền tảng dạy học trực tuyến với nền tảng quản trị nhà trường, tạo nên hệ sinh thái chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục, phát huy khả năng tự học, nghiên cứu độc lập của người học. Đồng thời, tổ chức các hình thức đào tạo, bồi dưỡng để phát triển, nâng cao năng lực số cho người dân.
Thứ ba, xây dựng và tổ chức các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khuyến học - khuyến tài; khơi dậy nhiệt tình của đội ngũ giảng viên theo đuổi sự nghiệp giáo dục mở và chung tay xây dựng xã hội học tập.
Đồng thời tranh thủ tối đa các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để phát triển tài nguyên giáo dục mở phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
Tại chương trình, các trao đổi, thảo luận đã đưa ra cách hiểu thống nhất về giáo dục mở dưới góc độ thực hành; phân tích mối quan hệ giữa chuyển đổi số và giáo dục mở; chỉ ra những bất cập, những những khoảng cách giữa chính sách và thực tế triển khai; đề xuất các giải pháp phát triển giáo dục mở phục vụ nhu cầu học tập suốt đời của người dân và phát triển xã hội học tập ở Việt Nam.
Các thảo luận cũng làm rõ xu hướng phát triển EdTech và vai trò của nó đối với giáo dục mở tại Việt Nam; ảnh hưởng của trí tuệ nhân tạo (AI) đối với xu hướng việc làm; các giải pháp liên kết giữa trường đại học, các cơ sở giáo dục thường xuyên, các tổ chức xã hội nghề nghiệp và doanh nghiệp để chuẩn bị cho người học những kỹ năng học tập suốt đời nhằm phát triển xã hội học tập.
Đồng thời, phân tích, định hình được khung năng lực tài nguyên giáo dục mở để làm tham chiếu, cho phép các quốc gia/ tổ chức/ cơ sở giáo dục có thể tùy chỉnh cho phù hợp với bối cảnh của mình.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google