Hơn 23 triệu học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2022-2023

09:01 - 05/09/2022
Công dân & Khuyến học trên

Hôm nay 5/9, hàng triệu học sinh cả nước bước vào năm học mới. Sau một năm phải tổ chức khai giảng trực tuyến vì dịch COVID-19, năm nay, các thầy cô giáo, các em học sinh trên cả nước đã được đón lễ khai giảng trực tiếp. Năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được triển khai với lớp 3, 7 và 10.

Từ chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương tổ chức lễ khai giảng năm học mới gọn nhẹ, theo tinh thần giảm bớt những phần rườm rà của phần "lễ" mang tính hình thức, để dành thời gian cho các hoạt động mang lại không khí vui tươi, có ý nghĩa đầu năm học mới.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Năm học mới 2022-2023 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo".


Hơn 23 triệu học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2022-2023 - Ảnh 1.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn dự lễ khai giảng tại Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Hơn 23 triệu học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2022-2023 - Ảnh 2.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến tham dự lễ khai giảng tại trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).

Ảnh: Nguyễn Khánh/Tuổi trẻ

Thực hiện chương trình mới với lớp 3, 7, 10

Năm học 2022-2023, theo lộ trình đổi mới, chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ bắt đầu triển khai đối với các khối lớp 3, 7 và 10. So với chương trình cũ, chương trình mới có một số điều chỉnh nhằm hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất và những năng lực cốt lõi cho học sinh.

Với chương trình lớp 3 mới, các môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc là Toán, Tiếng Việt, Đạo đức, Ngoại ngữ 1, Tự nhiên và xã hội, Giáo dục thể chất, Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật), Hoạt động trải nghiệm.

Số tiết học Tiếng Việt trong năm là 245, trung bình 7 tiết mỗi tuần; Toán 175 tiết, mỗi tuần 5 tiết. So với chương trình hiện hành, thời lượng Toán không thay đổi, còn Tiếng Việt giảm 1 tiết/tuần.

Hơn 23 triệu học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2022-2023 - Ảnh 3.

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được triển khai với lớp 3, 7 và 10 từ năm học 2022-2023.

Ảnh: Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam

Với lớp 7, chương trình giáo dục phổ thông mới không còn hai môn Sinh học, Vật lý mà thay bằng Khoa học tự nhiên. Hai cặp môn Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc và Mỹ thuật cũng được tích hợp lại. Tuy nhiên, số tiết và nội dung vẫn giữ nguyên thời lượng như chương trình hiện hành. Chương trình mới cho phép học sinh lớp 7 tự chọn Tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 2.

Đặc biệt, năm học 2022-2023 là năm đầu tiên triển khai chương trình mới ở cấp THPT, với lớp 10. Học sinh không phải học 17 môn bắt buộc như hiện nay. Thay vào đó, các em sẽ học 8 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương.

Bên cạnh đó, học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc và Mỹ thuật.

12 nhiệm vụ trọng tâm năm học

Ngày 19/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022-2023.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, năm học 2022-2023, ngành giáo dục xác định chủ đề là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”, với 12 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị, tư tưởng trong toàn ngành;

Hơn 23 triệu học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2022-2023 - Ảnh 4.

Nhiều địa phương quyết định miễn học phí năm học 2022-2023 cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông.

Ảnh: Duy Hiệu/Zing

Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên;

Xây dựng và triển khai chiến lược, quy hoạch, nâng cao năng lực hệ thống giáo dục đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Hơn 23 triệu học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2022-2023 - Ảnh 5.

Học sinh vui mừng được khai giảng trực tiếp. Ảnh: Tuổi trẻ

Chỉ thị yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp nêu trên, xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể của đơn vị; tổ chức hướng dẫn, đôn đốc và kiểm tra thực hiện kế hoạch năm học, đề xuất các giải pháp chỉ đạo, kịp thời giải quyết những vấn đề vướng mắc, nảy sinh trong quá trình thực hiện.

Nhiều địa phương quyết định miễn học phí

Đến nay, nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã có thông báo miễn học phí cho trẻ mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn.

Cụ thể, ít nhất 6 địa phương trên cả nước quyết định miễn học phí cho học sinh năm học 2022-2023 bao gồm: Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Kạn, Quảng Ninh.

Bên cạnh đó, một số địa phương tạm thời chưa thu học phí, như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau, Sóc Trăng.

Các tỉnh, thành phố không được miễn học phí sẽ phải áp dụng khung học phí theo quy định của Chính phủ.

Nguồn: tổng hợp